Tòa có nên xử phán quyết trọng tài?

Theo dự luật, các bên đương sự có quyền yêu cầu tòa án hủy phán quyết trọng tài nếu thấy thỏa thuận trọng tài vô hiệu, thành phần trọng tài, thủ tục tố tụng không phù hợp với thỏa thuận của các bên, vụ việc không thuộc thẩm quyền của Hội đồng Trọng tài… Quyết định của tòa án là quyết định cuối cùng, có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, dự luật cũng cho phép xem xét lại quyết định của tòa theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm theo Bộ luật Tố tụng dân sự nếu có đủ căn cứ cho thấy quyết định của tòa vi phạm nghiêm trọng pháp luật, ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của các bên hoặc có tình tiết mới…

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, bày tỏ lo ngại: Hiện có tới 6.000 đơn kiến nghị giám đốc thẩm, tái thẩm chưa được giải quyết. Nếu rơi vào tình trạng này, các phán quyết của trọng tài sẽ không được thực hiện, bị dây dưa kéo dài…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba giải thích: Cơ chế giám đốc thẩm, tái thẩm là “van an toàn” để hạn chế, khắc phục việc tòa hủy phán quyết của trọng tài không đúng, không khách quan.

Theo dự luật, trong trường hợp trọng tài và các bên đương sự không thể tự mình thu thập chứng cứ thì có thể đề nghị tòa án hỗ trợ, yêu cầu các cơ quan, tổ chức cung cấp… Ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị bổ sung thêm quy định tòa án hỗ trợ trọng tài triệu tập nhân chứng: “Vẫn biết ngành tòa án quá tải nhưng nếu không có sự hỗ trợ, trọng tài sẽ bế tắc, đó là thực tế đã mắc phải”. Ông Lộc cũng dẫn chứng nhiều nước như Anh, Singapore… đều có quy định tòa án giúp trọng tài triệu tập nhân chứng.

Bà Lê Thị Thu Ba cho biết trước đây dự luật đã có quy định này nhưng sau đó ngành tòa án có ý kiến nên rút ra. Bởi lẽ trên thực tế, trong lĩnh vực phi hình sự, tòa án có triệu tập mà nhân chứng không đến cũng không bị sao, cũng không có ai đi áp giải. Trong khi đó, tòa dân sự đã quá tải, đã có đề xuất tách riêng thành các tòa về hôn nhân và gia đình, đất đai… Do đó, bà Lê Thị Thu Ba đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cân nhắc quyết định việc giao cho tòa án hỗ trợ trọng tài triệu tập nhân chứng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và nhiều đại biểu thống nhất nên giao cho Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quyền quản lý nhà nước về trọng tài. Các trung tâm trọng tài đảm nhiệm việc đào tạo, bồi dưỡng trọng tài viên trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tư pháp, các Sở Tư pháp. Quy định như vậy là phù hợp với thực tiễn của hoạt động trọng tài và thông lệ quốc tế

VĂN TIẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm