Tòa dưới kết tội, tòa trên tuyên trắng án

Qua năm lần xét xử, bị cáo Nguyễn Thị Kim Cúc (nguyên cán bộ Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp) được tuyên không phạm tội nhận hối lộ. Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Chính (nhân viên lái xe của sở này) vẫn bị phạt tù về tội môi giới hối lộ.

Lập luận kết tội

Trong bản án sơ thẩm lần 2 (tuyên phạt bị cáo Cúc tám năm tù và Chính ba năm tù), TAND TP Cao Lãnh lập luận (lược trích):

Về quan hệ công tác, hai bị cáo công tác ở hai lĩnh vực khác nhau, những cuộc điện thoại đôi bên lại rơi vào thời điểm trước ngày phỏng vấn của các trường hợp mà Chính khai đã nhận tiền đưa cho Cúc. Cụ thể, có trường hợp hồ sơ ấn định hai ngày sẽ phỏng vấn thì tối hôm trước, hai bị cáo liên lạc với nhau tổng cộng chín lần qua điện thoại. Và trước khi phỏng vấn 2 giờ, cả hai còn liên lạc với nhau năm lần. Mặt khác, bị cáo Chính khai những lần gọi điện thoại cho Cúc thông báo về việc nhận hồ sơ, cung cấp số hẹn và ngày phỏng vấn của các đương sự đều trùng khớp về thời gian với danh bạ điện thoại cơ quan điều tra thu thập được. Bị cáo Chính có nhiều lời khai không trùng khớp nhau là do thời gian lâu, không nhớ rõ. Nhưng tại tòa, bị cáo này đã khai rõ hành vi phạm tội của mình và Cúc phù hợp với chứng cứ của cơ quan điều tra.

Tòa dưới kết tội, tòa trên tuyên trắng án ảnh 1

Bị cáo Nguyễn Văn Chính bị tăng thêm một năm tù so với kết quả phúc thẩm lần một. Ảnh: CTV

Cúc là cán bộ vận hành hồ sơ và phỏng vấn của phòng hành chính tư pháp, là người nhận hồ sơ từ bộ phận một cửa và sau đó vào sổ trình cho trưởng phòng phân công người phỏng vấn nên biết trước lịch. Tại thời điểm đó, trong phòng cũng chỉ có hai cán bộ phỏng vấn và một ngày trưởng phòng chỉ phân công hai hồ sơ sáng và chiều. Trong phòng, Cúc là người được phân công phỏng vấn trước nên dù hồ sơ chỉ phân công trước 15 phút thì với vai trò của mình, Cúc hoàn toàn có thể sắp xếp, lựa chọn hồ sơ hoặc từ chối phỏng vấn bằng cách đến cơ quan sớm hoặc trễ sẽ có sự phân công khác nhau. Đồng thời, danh sách các cuộc gọi giữa hai bị cáo đều trùng khớp với lời khai của Chính. Tuy nội dung chỉ có hai người biết nhưng Chính khai rất chi tiết và phù hợp với diễn biến sự việc và kết quả điều tra...

Lập luận của tòa trên

trong bản án phúc thẩm lần 2 ngày 1-7 mới đây (tuyên Cúc trắng án và Chính ba năm tù), TAND tỉnh Đồng Tháp lập luận (lược trích):

Lời khai của bị cáo Chính về số tiền các lần nhận và giao cho Cúc là có sự nhất quán nhưng đây chỉ là lời khai của Chính.

Ngoài lời khai này, không có tình tiết nào khác dùng làm chứng cứ chứng minh cho tính xác thực của lời khai, trong khi bị cáo Cúc không thừa nhận có việc giao nhận tiền. Đồng thời, đương sự khai 10 ngày sau phỏng vấn, Cúc gọi bổ sung giấy tờ có lời lẽ đòi tiền, dọa dẫm. Nhưng Cúc khai là gọi theo chỉ đạo của giám đốc sở và hồ sơ án có thể hiện điều này thông qua tờ phiếu trình. Như vậy lời khai của Cúc là phù hợp.

Cúc bác bỏ lời khai của đương sự và cũng không có căn cứ nào khác chứng minh lời khai của đương sự là đúng. Mặt khác, Cúc thừa nhận có tiếp xúc với đương sự tại nhà nhưng do đương sự tự đến. Và cũng không đủ chứng cứ trực tiếp chứng minh Cúc nhận tội, không thể xem hành vi tiếp xúc với đương sự tại nhà là hành vi vi phạm pháp luật.

Cuộc gọi điện giữa Cúc và đương sự có ghi âm nhưng không có lời thoại của Cúc thừa nhận có nhận tiền của Chính. Nội dung cuộc hội thoại có lúc có nội dung Cúc chỉ dẫn đương sự không khai báo với công an là đưa tiền cho Chính nhưng không thể xem đây là hành vi nhằm bịt đầu mối, che đậy cho việc nhận hối lộ của Cúc. Bởi muốn xác định như vậy thì cần chứng minh có hành vi nhận hối lộ xảy ra trong thực tế. Trong khi Cúc chỉ khai nghĩ đương sự là chị em nên mới hướng dẫn khai như trên.

Những cuộc gọi giữa Chính và Cúc có nội dung không xác định được. Dù Chính khai là nói về hồ sơ kết hôn, giá cả, ngày giờ phỏng vấn nhưng Cúc phủ nhận và cũng không có chứng cứ nào khác chứng minh. Như vậy chứng cứ buộc tội Cúc nhận hối lộ không xác định được. Hồ sơ vụ án chỉ có lời khai duy nhất của Chính về việc làm môi giới cho Cúc nhận hối lộ. Ngoài ra không có chứng cứ nào khác chứng minh lời khai này. Án sơ thẩm chỉ dựa vào lời khai của bị cáo Chính để kết án bị cáo Cúc là không phù hợp với quy định của BLTTHS.

Mặt khác, án sơ thẩm dùng tình tiết đương sự khai về việc biết Chính nhận, đưa tiền cho Cúc cũng chỉ qua Chính kể lại. Tình tiết này thiếu khách quan nên không thể công nhận là chứng cứ buộc tội Cúc như quan điểm của án sơ thẩm được. Đồng thời, việc nhận định Cúc có thể sắp xếp hồ sơ phỏng vấn của án sơ thẩm là chưa đủ cơ sở. Đây là suy đoán chung chung, không khẳng định được trường hợp cụ thể nào.

Theo nguyên tắc tố tụng hình sự, khi mọi suy đoán về việc phạm tội không chứng minh được thì không thể kết tội. Trong vụ án này, hành vi nhận tiền của Chính từ các đương sự đã rõ và phù hợp với lời khai của người liên quan, người làm chứng và biên bản phạm tội quả tang cùng các chứng cứ khác.

Nhưng không có cơ sở xác định Cúc có bàn bạc và nhận tiền từ Chính. Vụ án đã qua quá trình điều tra, xét xử nhiều lần mà vẫn không có chứng cứ chứng minh được hành vi phạm tội của Cúc nên chấp nhận kháng cáo của bị cáo này, hủy án sơ thẩm và tuyên không phạm tội, đình chỉ vụ án đối với Cúc.

Không môi giới thì là tội gì?

Sau khi TAND tỉnh Đồng Tháp tuyên Cúc vô tội và Chính phạm tội môi giới hối lộ, dư luận cho rằng kết quả này mâu thuẫn với bản chất vụ việc và không hợp tình hợp lý. Không ít người lập luận rằng trong vụ này, chủ thể chính là người nhận hối lộ, không có người nhận hối lộ thì người môi giới hối lộ đưa cho ai... Để rộng đường dư luận, chúng tôi xin trích dẫn nhận định của cấp phúc thẩm về việc này.

“Không có căn cứ xác định Chính là trung gian môi giới cho người có thẩm quyền nào để nhận tiền từ người đưa hối lộ rồi đưa lại cho họ. Nhưng hành vi của Chính nhận tiền từ người có yêu cầu kết hôn là có thật. Bản thân Chính cũng không phải là người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết kết hôn có yếu tố nước ngoài nên hành vi Chính có dấu hiệu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng tội này nặng hơn tội môi giới hối lộ mà bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ, không có kháng cáo hay kháng nghị về tội nặng hơn nên theo nguyên tắc không làm xấu đi tình trạng của bị cáo, tòa bác kháng cáo, tuyên y án sơ thẩm, đồng thời kiến nghị xem xét theo trình tự giám đốc thẩm với bị cáo”.

Người trắng án, kẻ bị tù

Theo hồ sơ, sáng 6-5-2009, Chính bị công an bắt quả tang khi đang nhận 1.000 USD của một gia đình để lo một hồ sơ đăng ký kết hôn với người nước ngoài mà Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp đang thụ lý. Tại cơ quan điều tra, Chính khai mình là người môi giới, nhận tiền cho Cúc vì Cúc là người trực tiếp phỏng vấn các đương sự. Chính khai cả hai đã thực hiện trót lọt hai vụ, Chính nhận 20 triệu đồng đưa cho Cúc và mình được nhận lại 4 triệu đồng.

Tháng 3-2010, xử sơ thẩm, TAND TP Cao Lãnh tuyên phạt Cúc chín năm tù và Chính năm năm tù. Sau đó Cúc kháng cáo kêu oan, còn Chính thì kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bốn tháng sau, TAND tỉnh Đồng Tháp nhận định lời kêu oan của bị cáo Cúc là không có cơ sở nên bác. Tuy nhiên, tòa xem xét hai bị cáo có nhân thân tốt nên giảm nhẹ hình phạt và tuyên phạt Cúc năm năm tù, Chính hai năm tù (bằng thời gian bị tạm giam).

Tháng 9-2011, TAND Tối cao ra quyết định giám đốc thẩm, hủy án phúc thẩm và yêu cầu điều tra bổ sung để xét xử lại vì chưa chắc về nội dung cũng như có sai sót về tố tụng.

Xử sơ thẩm lần hai (tháng 11-2012), TAND TP Cao Lãnh tuyên phạt Cúc tám năm tù và Chính ba năm tù. Đến phiên phúc thẩm lần hai ngày 1-7 mới đây, TAND tỉnh Đồng Tháp đã tuyên Cúc không phạm tội, còn Chính thì y án ba năm tù.

ÁI MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm