Vụ đại gia dùng xe hơi cán người: Án giết người, không phải cố ý gây thương tích

Vụ án Phạm Quang Minh, một đại gia xuất khẩu thanh long dùng ôtô cán người, đã hâm nóng nghị trường trong ngày thứ hai của kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa VIII (30-6). Tại đây, chánh án TAND tỉnh và viện trưởng VKS tỉnh đã phải giải trình, trả lời nhiều chất vấn của các đại biểu.

VKS tỉnh vẫn “không phục”

Trả lời về trách nhiệm của tòa, Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Ngọc Quang nói qua thẩm vấn và kết quả tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX đã nhận thấy Minh có dấu hiệu phạm tội giết người. Nhưng do giới hạn xét xử theo Bộ luật Tố tụng hình sự nên tòa chỉ xử theo tội mà VKS truy tố là cố ý gây thương tích. Theo ông Quang, nếu VKS không kháng nghị thì TAND tỉnh cũng phải gửi hồ sơ vụ án và đề nghị TAND Tối cao xem xét lại tội danh giết người đối với Minh.

Về phần mình, Viện trưởng VKS tỉnh Bình Thuận Nguyễn Thị Hồng Dung lý giải: Kết quả điều tra cho thấy nạn nhân đứng cách đầu ôtô hơn 1 m. Với khoảng cách trên, khi xe lao tới không thể nào hất được nạn nhân lên capô xe được mà do nạn nhân tự nhảy lên để tránh. Sau đó Minh thắng xe đột ngột cho nạn nhân rớt xuống đất và điều khiển xe cho nạn nhân lọt người dưới gầm xe để gây thương tích cho nạn nhân.

Theo bà Dung, ngày 10-7-2009, lãnh đạo ba cơ quan tố tụng cấp tỉnh gồm công an, VKS, tòa án đã họp để đánh giá hành vi của Minh. Từ đó, cơ quan điều tra đã ra quyết định thay đổi tội danh từ giết người sang cố ý gây thương tích.

Vụ đại gia dùng xe hơi cán người: Án giết người, không phải cố ý gây thương tích ảnh 1

Bị cáo Phạm Quang Minh trước tòa. Ảnh: HTD

Bà Dung cho rằng hai tội danh giết người chưa đạt và cố ý gây thương tích có nhiều điểm giống nhau về hành vi khách quan, hậu quả xảy ra... nên dẫn đến việc định tội thường không thống nhất. Bà Dung lý luận rằng việc xét xử khác biệt giữa cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm là do nhận thức, đánh giá chứng cứ và sự vận dụng pháp luật ở từng người, từng cấp.

Để bảo vệ quan điểm, bà Dung còn nhận xét: “Bản án phúc thẩm xét xử 18 năm tù đối với bị cáo là quá nặng và có nhiều sai sót trong việc áp dụng pháp luật” (?). Dù nói vậy, bà Dung cũng phải nhìn nhận là VKS tỉnh cần rút kinh nghiệm trong vụ này, cần thận trọng, cân nhắc khi giải quyết để tránh gây dư luận làm ảnh hưởng đến các cơ quan tố tụng.

Xử lý sai tội đã rõ!

Ngay sau hai phần giải trình trên, đại biểu Lê Minh Thạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, khẳng định việc trả lời của tòa và VKS là còn né tránh, chưa thỏa đáng.

Theo ông, nạn nhân đứng cách đầu xe chỉ 1 m và khi thấy xe lao đến tất nhiên phải phản xạ để tránh. Nếu bị cáo không có ý đồ giết người thì đã lui xe lại rồi bỏ đi nhưng bị cáo đã lui xe và cán thêm nạn nhân lần nữa. Ông Thạnh đã làm cho hội trường nóng lên khi khẳng định cơ quan điều tra trong vụ này trước sau đều nhận định Minh đã có dấu hiệu phạm tội giết người. “Chỉ đến khi ba lãnh đạo các ngành tố tụng của tỉnh ngồi lại với nhau mới có chuyện không phải giết người”.

Từ đó, ông Thạnh yêu cầu các cơ quan tố tụng phải thấy được sai trong vụ này để khắc phục, nếu không thì “sẽ còn sai phạm dài dài!”

Đại biểu Nguyễn Văn Ly, Phó Ban Pháp chế HĐND tỉnh, cũng không đồng tình với trả lời của viện trưởng VKS tỉnh về việc vận dụng pháp luật trong vụ án. Theo ông, việc truy tố, xét xử là thực hiện theo luật chứ không xử theo quan điểm cá nhân ai bởi hồ sơ vụ án này đã được điều tra đầy đủ, chặt chẽ.

Đặc biệt, ông Ly chất vấn chánh án TAND tỉnh về việc khi phát hiện bị cáo có dấu hiệu phạm tội giết người, tòa lại không trả hồ sơ mà vẫn tuyên án như truy tố của VKS. Ông Ly thẳng thắn: “Việc này luật quy định rồi, tại sao tòa không thực hiện? Có phải do năng lực của thẩm phán yếu kém hay còn vấn đề gì khác?”.

Trước sự truy vấn quyết liệt này, chánh án TAND tỉnh đã phải thừa nhận xét xử như thế là sai. Tuy nhiên, ông Quang nói thêm rằng cho đến nay, TAND Tối cao chưa có văn bản nào yêu cầu kiểm điểm TAND tỉnh cả.

Gút lại vụ việc, ông Huỳnh Văn Tí, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bình Thuận, khẳng định: Đây rõ ràng là một vụ giết người chứ không phải cố ý gây thương tích. Các cơ quan tố tụng của tỉnh cần nghiêm túc rút kinh nghiệm vì đã nhận định và xử lý sai.

Như Pháp Luật TP.HCM từng thông tin, do mâu thuẫn trong làm ăn, đêm 19-1-2009, Phạm Quang Minh đã kéo nhiều người đến nhà của ông H. ở xã Hàm Minh (Hàm Thuận Nam) “tính sổ”. Anh ông H. là ông Lê Ngọc Hồ ở nhà đối diện tới can ngăn, đứng trước đầu ôtô của Minh. Cho rằng ông Hồ chửi mình, Minh đã phóng thẳng ôtô vào người ông Hồ làm ông này văng lên capô xe. Sau đó Minh thắng gấp cho nạn nhân rơi xuống đất, lùi lại khoảng 1 m rồi lao xe cán nạn nhân tiếp. Theo kết quả giám định, ông Hồ bị liệt nửa người, thương tật 88%.

Lúc đầu công an khởi tố Minh về tội giết người nhưng bảy tháng sau lại đổi thành tội cố ý gây thương tích. VKS tỉnh Bình Thuận cũng đồng tình và truy tố Minh về tội này. Tháng 12-2009, xử sơ thẩm, TAND tỉnh dù không đồng tình với tội danh truy tố nhưng vẫn phạt Minh 10 năm tù và yêu cầu cơ quan điều tra khởi tố Minh về tội… giết người mà không trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Tháng 1-2010, Viện Phúc thẩm 3 đã kháng nghị, đề nghị tòa phúc thẩm chuyển tội danh từ cố ý gây thương tích sang giết người và tăng hình phạt đối với Minh. Tháng 3-2010, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đã sửa bản án sơ thẩm, phạt Minh 18 năm tù về tội giết người.

NGUYỄN PHÚ NHUẬN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm