Xử lại “kỳ án Vườn mít”: Khai theo ý cán bộ điều tra?

Suốt phiên sơ thẩm lần hai ngày 13-7, chủ tọa đã cho phép bị cáo Lê Bá Mai được ngồi trả lời để đảm bảo sức khỏe vì thời gian xét xử khá dài. Chủ tọa cũng khuyên Mai hết sức bình tĩnh và thoải mái trình bày, giữa buổi còn nhắc cảnh sát hỗ trợ tư pháp lấy nước cho bị cáo uống. Tuy nhiên, qua một ngày xét hỏi, vụ án vẫn còn quá nhiều điều chưa rõ.

“Kịch bản” phạm tội

Theo hồ sơ, ngày 12-11-2004, Mai được thuê đi rải phân trồng mì. Thấy hai cháu Út (11 tuổi) và Hằng (chín tuổi) đang mót củ đậu gần đó, Mai bèn lấy xe máy rủ Út vào vườn mít trong trang trại Mai đang làm thuê chơi. Lúc này khoảng 9 giờ 30 đến 10 giờ. Đến nơi, Mai nói với Út: “Cho chú chơi một cái”, Út không cho mà dọa sẽ về méc lại gia đình. Nghe thế, Mai liền dùng tay chặt vào gáy Út khiến nạn nhân té bất tỉnh. Sau đó Mai thực hiện hành vi đồi bại rồi lấy quần của nạn nhân siết cổ cho đến chết.

Tại tòa, Mai khai khi đi rải phân về, Mai lấy xe Cub 86 màu xanh vỏ dưa, đầu đội nón lá chụp lên chiếc mũ đỏ bên trong, mang theo bình xịt thuốc sau lưng, phía trước chở bình đựng nước đá để đi… chống cháy. Khi ngang qua chỗ Út và Hằng mót củ đậu, bị cáo rủ Út đi theo để “nói chuyện này”. Đến vườn mít, Mai thực hiện hành vi hiếp dâm rồi siết cổ nạn nhân như cáo trạng đã nói. Mai còn nói mình lột hẳn quần nạn nhân ra, còn có cởi áo hay không thì không nhớ. Tòa hỏi một số chi tiết khác Mai cũng trả lời là lâu quá không nhớ.

Nghe đến đây, những người dự khán sững sờ, có thật Mai chính là tội phạm?

Xử lại “kỳ án Vườn mít”: Khai theo ý cán bộ điều tra? ảnh 1

Sau phần thủ tục, Lê Bá Mai được tòa cho ngồi để trả lời. Ảnh: TB

Chủ tọa hỏi: “Theo bị cáo, nạn nhân là người dân tộc S’Tiêng, lại mới 11 tuổi, liệu có hiểu câu “chơi một cái” nghĩa là giao cấu không?”. Bị cáo Mai trả lời: “Bị cáo không biết, vì sự thật chuyện ấy bị cáo không làm, đây là nội dung bị cáo khai theo bản “tự khai” viết sẵn do cán bộ điều tra đưa. Có ba điều tra viên thay phiên lấy lời khai và liên tục đánh bị cáo. Có lúc cán bộ dùng ba sợi dây thép như lưới B40 quấn lại đánh bị cáo nên bị cáo phải khai theo”…

Tình tiết ngoại phạm

Không chỉ làm người dự khán ngỡ ngàng khi nghe bị cáo khai đã “đọc thuộc lòng” bản cung nhận tội “theo ý cán bộ điều tra”, tiếp đó, những điều Mai khai cho thấy bị cáo này có chứng cứ ngoại phạm vào ngày 12-11-2004 (ngày cơ quan tố tụng xác định án mạng xảy ra).

Cụ thể, Mai khai vào ngày này, ông Nguyễn Văn Dùm thuê Mai cùng hai ông Đỗ Văn Trường, Nguyễn Văn Trong đi rải phân để trồng mì. Sáng 12-11, Mai cùng với hai nhân chứng trên đi làm cho ông Dùm, đến khoảng 11 giờ kém 15 thì Mai cùng ông Trong về trại nấu cơm, lát sau ông Trường về, cả ba cùng ăn. Ăn xong, khoảng 1 giờ chiều, cả hai lại ra rẫy tiếp tục công việc. Khoảng cách từ trại đến rẫy mì chừng 500 m và không hề đi qua nơi hai cháu Út, Hằng mót củ đậu.

Có mặt tại tòa, ông Dùm xác nhận điều Mai khai. Còn với hai nhân chứng Trong và Trường, trước đây, ở lời khai đầu tiên tại cơ quan điều tra, họ cũng khai cùng một nội dung này dù cả hai đã bị cách ly, tức không có điều kiện để thông cung. Họ cũng không hề có mối quan hệ thân thuộc nào với Mai để bênh vực bị cáo bằng mọi cách. Tuy nhiên, những lời khai về sau của ông Trong tại cơ quan điều tra lại có điểm khác. Cụ thể, ông Trong nói lâu quá không nhớ rõ sự việc; Mai có lấy xe đi nhưng không biết đi ngày nào, giờ nào… Có điều, ông Trong khẳng định khi đi Mai không mang theo bất cứ vật dụng gì.

Nếu những lời khai trên của bị cáo, nhân chứng là đúng thì đây là bằng chứng ngoại phạm khá thuyết phục của bị cáo.

Xử lại “kỳ án Vườn mít”: Khai theo ý cán bộ điều tra? ảnh 2

Không biết cơ quan điều tra thu ở đâu ra cái bình đựng nước đá màu đỏ (bên phải) này? Trong ảnh: Vật chứng được VKS đưa đến tòa. Ảnh: TB

Nhiều điểm chưa rõ

Theo lời khai của nhân chứng Hằng, khi chở nạn nhân Út đi, Mai mang theo bình xịt thuốc màu xanh và thùng đựng nước đá màu đỏ. Tuy nhiên, khi khám xét và thu giữ vật chứng tại trang trại Mai ở thì không có hai đồ vật này. Ngược lại, vật chứng mà cơ quan tố tụng thu giữ là một bình xịt thuốc inox màu trắng và can nhựa màu vàng đục.

Lạ một điều là trong trang trại tuy không có bình đựng nước đá màu đỏ nhưng cơ quan tố tụng không biết bằng cách nào vẫn thu giữ “đâu đó” chiếc bình này để làm vật chứng. Biên bản thu nhận vật chứng lại có dòng chữ ghi thêm về việc thu nhận bình màu đỏ này, bằng mắt thường cũng nhận biết dòng chữ này ghi thêm sau đó.

Vấn đề này đã được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đề nghị làm rõ. Kết quả điều tra và cáo trạng lý giải khi thu giữ vật chứng không có ai ở trại nên trong biên bản không ai ký. Một nhân chứng nhà ở gần đấy cho biết hôm thu giữ vật chứng, công an có đến nhà ông đòi thu cái… bình nước đá màu đỏ nhưng ông ấy không cho.

Ngoài ra, nhân chứng Hằng khai khi đi nạn nhân Út có mang theo cái xà bấc (loại cuốc của người địa phương). Điều này trong những lời khai nhận tội Mai cũng khai nhưng tại hiện trường, cơ quan tố tụng không thu được vật chứng này…

Hôm nay, phiên xử tiếp tục phần xét hỏi.

Trước đây, sau khi bị TAND tỉnh Bình Phước tuyên án tử hình, Lê Bá Mai kháng cáo kêu oan nhưng vẫn bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM tuyên y án dù vụ án còn rất nhiều điểm mù mờ và vi phạm tố tụng.

Chỉ đến khi bà Nguyễn Thị Hoài Thu - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Trần Thế Vượng lên tiếng, VKSND Tối cao mới kháng nghị giám đốc thẩm vụ án. Cuối cùng vụ án đã bị hủy để điều tra, xét xử lại.

Vụ án từng gây tranh cãi trong giới tố tụng và học thuật. Một phó viện trưởng VKSND Tối cao từng trích dẫn vụ án này nhiều lần trong cuốn sách ông viết cho kiểm sát viên, sinh viên tham khảo, trong đó phân tích, mổ xẻ những mâu thuẫn về chứng cứ kết tội và hàng loạt nội dung cần phải điều tra, hoàn thiện mới có thể truy tố, kết tội.

Đây cũng là yêu cầu được Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đặt ra cho các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước trong quyết định giám đốc thẩm. Tuy nhiên, cáo trạng mới nhất cho thấy những yêu cầu này về cơ bản đã không được đáp ứng.

THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm