KÝ SỰ PHÁP ĐÌNH:

Yêu mù quáng

Yêu mù quáng ảnh 1

Nỗi đau tột cùng của mẹ nạn nhân - Ảnh: THỦY NHUNG

Có rất nhiều người là giáo viên, bạn học cùng lớp của nạn nhân đã đến dự phiên tòa lưu động do Tòa án nhân dân TP Đà Nẵng xét xử tại trụ sở UBND phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng.

Đứng trước vành móng ngựa là bị cáo Trần Văn Hường (24 tuổi, trú xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), nguyên là sinh viên Trường cao đẳng Nghề TP.HCM.

Ở hàng ghế dành cho gia đình nạn nhân là một người phụ nữ ngoài 40 tuổi, trên tay khư khư di ảnh của con gái. Cô gái trong di ảnh tên T.T.B.T., với nụ cười rất hồn nhiên. T. là sinh viên một trường cao đẳng ở Đà Nẵng và khi bị Trần Văn Hường giết, cô mới tròn 20 tuổi.

Yêu và ghen

Điều chúng tôi cảm nhận rõ nhất ở phiên tòa là dáng vẻ khắc khổ của hai bà mẹ. Một người ôm ấp nỗi nhớ về con gái xấu số, còn một người chuẩn bị phải rời xa đứa con trai của mình. Nếu không có vụ án thì có thể sau này họ trở thành thông gia, nhưng giờ đây trên tòa, họ đứng ở hai phía đối nghịch nhau.

Từ thời học phổ thông, Hường và T. đã yêu nhau và sau này gia đình đều biết. Cả hai thề ước về một tương lai tươi sáng, nguyện sống chết có nhau. Đến năm 2008, T. đi học tại Đà Nẵng nên hai người tạm xa nhau. Tháng 11-2008, Hường bị Tòa án nhân dân huyện Krông Búk xử phạt tù vì tội chống người thi hành công vụ.

Hường cho rằng sau sự việc trên, gia đình T. ngăn cản tình yêu của mình. Rồi một lần Hường bắt gặp T. đi cùng một người đàn ông ở bến xe khi chuẩn bị đi Đà Nẵng nên nổi cơn ghen. Tiếp đó, Hường khai rằng nhiều lần gọi điện thoại nhưng T. không nghe máy. Từ đó, cơn ghen của Hường càng trỗi dậy mạnh hơn.

Hường bỏ học, về quê đập phá nhà cửa, mang theo một con dao bấm, đến bến xe lại mua thêm một con dao nữa mang xuống Đà Nẵng với mục đích giết người yêu rồi tự sát.

Ngày 6-12-2009, Hường đến Đà Nẵng và điện rủ hai người bạn là anh Th. và anh H. đi uống rượu. Khoảng 13g30, cả ba người đến chỗ trọ của T..

Hường nhờ người gọi T. ra nói chuyện nhưng T. không trả lời. Dù được bạn bè can ngăn nhưng Hường vẫn phá cửa vào phòng tìm T.. Anh Th. can ngăn liền bị Hường rút dao đâm trúng hông. Theo lời thuật lại của nhân chứng, dù T. van xin rằng: “Em không có lỗi gì với anh cả”, nhưng Hường vẫn dùng dao đâm liên tục nhiều nhát vào ngực và cắt vào cổ khiến T. chết tại chỗ.

Giết người yêu xong, Hường dùng dao tự sát nhưng được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời nên qua khỏi.

Hội đồng xét xử hỏi T. là người mà bị cáo rất mực yêu thương, vậy tại sao bị cáo giết hại cả người mình yêu? Hường cúi mặt: “Bị cáo rất buồn và tuyệt vọng khi T. chia tay. T. cũng không nói rõ nguyên nhân, lại thấy T. đi với người khác nên bị cáo ghen. Vừa yêu lại vừa ghen nên bị cáo đã giết người rồi tự tử để hai đứa được cùng sống chết với nhau”.

Hường còn khai thêm do gia đình T. nói xem bói thấy hai người không hợp nhau, nếu lấy nhau thì sẽ có người chết nên Hường càng nung nấu ý định giết người.

Tuy nhiên, mẹ của T. khẳng định không hề có chuyện đó. Người mẹ nói trong nước mắt: “Thấy Hường bị đi tù, tôi chỉ khuyên con gái nên thận trọng thôi. Nhưng lúc đó T. chỉ nói là phải có thời gian vì tình cảm không thể nói bỏ là bỏ được”.

Tay vẫn ôm chặt lấy di ảnh con gái, bà nói tiếp: “Hường nhiều lần gọi điện đe dọa gia đình tôi và cháu T.. Vì thế tôi đã gọi cho bố mẹ Hường để thông báo nhưng phía nhà họ nói chắc cháu nó chỉ dọa thôi”.

Và rồi mọi sự đã diễn ra...

Một cuộc tình, hai cái chết

Trong lúc chờ nghị án, mẹ của bị cáo Hường tâm sự như cầu khẩn: “Cháu T. không may mất đi rồi, người làm cha mẹ như chúng tôi cũng đau đớn lắm. Nhưng cũng mong sao Nhà nước hãy khoan hồng cho con tôi được con đường sống để làm người”.

Khi vị chủ tọa phiên tòa tuyên bố mức án cao nhất dành cho bị cáo Trần Văn Hường, cả hai người mẹ đều gục xuống rũ rượi. Mẹ của bị cáo Hường gần như ngất đi vì đứa con trai dại dột của mình đã tước đi mạng sống của người khác và phải đền mạng khi ở độ tuổi mới ngoài 20. Ở phía bên kia, mẹ của nạn nhân cũng sụt sùi ôm ghì lấy di ảnh của con vào lòng.

Hường được lực lượng công an áp giải lên chiếc xe bịt bùng về trại giam. Trước lúc lên xe, Hường còn kịp nói lại với mẹ mình: “Mẹ tha thứ và đừng lo lắng cho con nữa! Con chết vì tình yêu cũng là niềm hạnh phúc”.

Nhìn cảnh đó, nhiều người đến dự không cầm được nước mắt. Nhưng làm gì có niềm hạnh phúc nào, có chăng chỉ là một kết cục bi thảm.

Trưa hôm đó, tại nhà trọ của K.L. (bạn thân của T.), mẹ của T. ngồi thu mình trong một góc. “Em phải năn nỉ mãi bác mới chịu ăn mấy muỗng cơm. Rồi bác kể nhà có hai anh em thôi, khi còn sống T. giỏi giang lắm, lại ngoan hiền nên ai cũng quý. Nói vậy rồi bác lại khóc” - L. cho biết.

Cái chết của T. đã để lại một khoảng trống lớn cho những người bạn trong lớp. L. kể: “T. hòa đồng với mọi người lắm, lúc nào cũng vui tươi. Bạn luôn tâm sự rằng bạn ước mơ được làm việc trong một ngân hàng phù hợp với chuyên ngành. Nhưng giờ thì...”.

Theo ĐOÀN CƯỜNG - T.NHUNG (TTO)

Chỉ có sự ngộ nhận, ích kỷ

Thạc sĩ tâm lý Bùi Văn Vân (Đại học Đà Nẵng) nói: “Khi đã yêu nhau thì người ta còn yêu người yêu của mình hơn cả thân thể của mình, hi sinh lợi ích của bản thân để người yêu được hạnh phúc. Chỉ có người ngộ nhận, yêu mù quáng và ích kỷ mới có hành vi giết người mình yêu mà thôi”.

Thạc sĩ Vân cũng cho rằng: “Hệ thống giáo dục đang xem nhẹ việc trang bị kỹ năng sống cho học sinh. Thường đến bậc học THPT trở lên mới giáo dục giới tính thì hơi chậm. Trong thực tế, rất nhiều học sinh, sinh viên học vấn giỏi nhưng khi ra đời lại rất “khù khờ” khi đối diện với những chuyện ứng xử trong tình yêu, tình bạn. Họ rất cần được trang bị những kỹ năng như kỹ năng từ chối, kỹ năng làm chủ bản thân... để không còn xảy ra những chuyện thương tâm”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm