Tòa có được chia tài sản chưa hình thành?

Theo ông, việc tòa sơ thẩm thụ lý giải quyết nhưng cấp phúc thẩm lại hủy và đình chỉ giải quyết vụ án là không chính xác, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của ông.

Cụ thể, ông và bà KBN, bị đơn của vụ kiện, là vợ chồng, kết hôn năm 1996. Đến năm 2005 hai vợ chồng ra tòa ly hôn và phân chia tài sản. Bản án sơ thẩm ly hôn của TAND quận 4 ngoài chia các loại tài sản còn đề cập đến căn nhà tại đường Lương Định Của (phường Bình Khánh, quận 2). Theo đó, tòa nhận định đất nền nhà này là đất công bị lấn chiếm và xây dựng trái phép, chưa có giấy tờ nên không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của hai bên đối với tài sản này. Từ đó, tòa chỉ xác định “xác nhà là tài sản chung của vợ chồng nên mỗi người được hưởng một nửa giá trị từ nguồn lợi căn nhà mang lại (nếu có) và được hưởng nửa giá trị đền bù (nếu có) khi cơ quan thẩm quyền quận 2 giải quyết việc đền bù giải tỏa”.

Tháng 6-2007, TAND TP.HCM xử phúc thẩm có sửa án theo hướng ông T. và bà N. “mỗi người được hưởng nửa giá trị từ nguồn lợi mà căn nhà mang lại (nếu có) và được hưởng nửa giá trị đền bù phần cấu trúc khi cơ quan có thẩm quyền quận 2 giải quyết việc đền bù giải tỏa nhà (nếu có)”.

Tháng 7-2009, UBND phường có giấy xác nhận hồ sơ pháp lý nhà đất trên do ông T., bà N. là chủ sở hữu. Sau thời gian liên hệ các cơ quan có thẩm quyền xin giải quyết chia đôi tiền nền nhà trên, ông T. được hướng dẫn khởi kiện ra tòa. Tháng 9-2013, ông T. khởi kiện tại TAND quận 2 yêu cầu được hưởng gần 278 triệu đồng (là nửa số tiền bồi thường, hỗ trợ về đất, hỗ trợ tái định cư và hỗ trợ di dời) và tiền thưởng của ủy ban và tiền bồi thường hỗ trợ thiệt hại. Xử sơ thẩm, TAND quận 2 chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T. Theo đó, sau khi giao đủ tiền cho ông T., bà N. được quyền liên hệ các cơ quan chức năng để nhận tiêu chuẩn bồi thường, hỗ trợ nhà đất nói trên theo luật định.

Tháng 5-2014, TAND TP.HCM xử phúc thẩm lại nhận định khác. Theo tòa này, bản chất của việc tranh chấp là nửa số tiền bồi thường đất với phần nền của căn nhà. Bản án phúc thẩm vụ ly hôn năm 2007 đã xác định phần nền của căn nhà này không phải là tài sản chung của vợ chồng ông T., bà N. Ông T. chỉ có quyền yêu cầu bà N. chia nửa giá trị nguồn lợi từ căn nhà (nếu có) và hưởng nửa giá trị đền bù phần cấu trúc khi giải quyết đền bù giải tỏa (nếu có). Như vậy, việc tranh chấp nền đất đã được giải quyết bằng bản án có hiệu lực trước nên việc cấp sơ thẩm vẫn xét xử, chấp nhận yêu cầu của ông T. là không đúng. Từ đó tòa này hủy án, đình chỉ giải quyết vụ án này.

Ông T. cho rằng các bản án ly hôn sơ thẩm và phúc thẩm trước đó cho rằng nền đất căn nhà trên không xác định được ai là chủ sở hữu và do đó không cho đây là tài sản chung của vợ chồng ông nên không xem xét giải quyết. Còn tranh chấp mới này của ông chưa được tòa giải quyết nên không thể như án phúc thẩm nhận xét là đã giải quyết rồi nên đình chỉ.

Phán quyết phúc thẩm của TAND TP.HCM là đúng hay sai? Ngoài ra, phán quyết trong hai bản án ly hôn chia phần tài sản chưa hình thành theo kiểu “chia đôi - nếu có” như trên có đúng luật?

Mời bạn đọc tham gia ý kiến trên chuyên trang Netluat của báo Pháp Luật TP.HCM online tại địa chỉ www.phapluattp.vn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm