Tòa có quyền truy thu tiền trốn thuế?

Mới đây, Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định giám đốc thẩm, hủy phần trách nhiệm dân sự của bản án hình sự sơ thẩm số 60 ngày 30-6-2014 của TAND TP Bảo Lộc, giao hồ sơ cho tòa này giải quyết lại phần xử lý vật chứng.

Đình chỉ một tội, xử một tội

Theo hồ sơ, tháng 8-2012, Trần Văn Tiên, Hồ Xuân Hòa đã thành lập hai công ty nhằm mục đích in, mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT). Ba tháng sau, Tiên và Hòa đã bán 500 hóa đơn GTGT cho Lê Thùy Diễm (giám đốc Công ty TNHH TM DV Diễm Như) nhằm thu lợi bất chính 368 triệu đồng. Sau đó Diễm sử dụng 228 hóa đơn (nội dung ghi hai công ty của Tiên, Hòa xuất bán tổng cộng hơn 7.800 tấn cà phê cho Công ty Diễm Như) để kê khai khấu trừ thuế GTGT, trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế hơn 15 tỉ đồng.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố Tiên, Hòa về tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, khởi tố Diễm về tội trốn thuế. Tháng 1-2014, CQĐT khởi tố Diễm thêm tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước.

Tháng 4-2014, VKSND tỉnh Lâm Đồng đã ra quyết định đình chỉ điều tra đối với Diễm về tội trốn thuế. Theo VKS tỉnh, ngày 18-12-2013, Chính phủ ban hành Nghị định 209 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT) xác định mặt hàng cà phê qua sơ chế không phải chịu thuế GTGT nên hành vi trốn thuế của Diễm được miễn trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 25 BLHS.

Vụ án được chuyển xuống VKSND TP Bảo Lộc (nơi Công ty Diễm Như có trụ sở) để ra cáo trạng truy tố theo thẩm quyền. Tháng 6-2014, TAND TP này đã phạt Tiên 18 tháng tù treo, Hòa 15 tháng tù treo, Diễm 12 tháng tù treo về tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Tòa còn buộc Tiên phải nộp hơn 118 triệu đồng, Hòa phải nộp 35 triệu đồng tiền thu lợi bất chính từ hành vi mua bán hóa đơn.

Bị cáo Lê Thùy Diễm cho rằng quyết định giám đốc thẩm yêu cầu tòa sơ thẩm truy thu thuế là trái pháp luật. Ảnh: H.TÚ

Không xử tội trốn thuế, vẫn phải truy thu tiền thuế

Bản án sau đó có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên, tháng 12-2014, viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng đã kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng xử giám đốc thẩm hủy phần trách nhiệm dân sự của bản án trên. Theo VKS tỉnh, phần dân sự của bản án không buộc Diễm nộp tiền thuế GTGT là không đảm bảo lợi ích Nhà nước.

Mới đây, Ủy ban Thẩm phán TAND tỉnh Lâm Đồng đã chấp nhận kháng nghị, ra quyết định giám đốc thẩm, hủy phần trách nhiệm dân sự của bản án trên, giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại phần này.

Theo Ủy ban Thẩm phán, tòa sơ thẩm áp dụng Điều 41 BLHS (biện pháp tư pháp tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm) để buộc hai bị cáo Tiên, Hòa nộp lại tiền thu lợi bất chính nhưng bản án lại ghi “về phần trách nhiệm dân sự” là không chính xác. Đồng thời, dù hành vi của bị cáo Diễm được miễn trách nhiệm hình sự về tội trốn thuế nhưng tòa sơ thẩm không xem xét buộc bị cáo phải nộp lại tiền thuế GTGT là thiếu sót, gây thiệt hại cho Nhà nước.

Tòa chỉ được kiến nghị cơ quan thuế truy thu

Vụ án trên đặt ra một vấn đề pháp lý: Tòa không xử bị cáo về tội trốn thuế vì trước đó VKS đã đình chỉ điều tra, chỉ xử tội khác, vậy tòa có thể buộc bị cáo phải nộp lại số tiền trốn thuế hay không?

TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn Luật hình sự Trường ĐH Luật TP.HCM) nhận xét: Tiền trốn thuế là tiền thu lợi bất chính do phạm tội mà có nên buộc phải tịch thu sung công theo Điều 41 BLHS. Tuy nhiên, đây là biện pháp tư pháp được áp dụng kèm với hình phạt chính. Nói nôm na là tòa có đưa bị cáo ra xử về tội trốn thuế, có tuyên hình phạt chính đối với bị cáo về tội trốn thuế thì mới có quyền áp dụng hình phạt phụ bổ sung hoặc biện pháp tư pháp với hành vi trốn thuế. Ở đây, VKS chỉ truy tố bị cáo về một tội là mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Tòa cũng chỉ xét xử bị cáo về tội này. Do vậy, việc tòa không xét xử bị cáo về hành vi trốn thuế và tội danh trốn thuế mà lại đi buộc bị cáo phải nộp lại tiền trốn thuế là không có căn cứ pháp luật.

Theo TS Tuấn, trong trường hợp này, tòa chỉ có thể kiến nghị trong bản án về việc cơ quan thuế xem xét việc truy thu thuế đối với bị cáo. “Pháp luật hình sự không có quy định nào cho phép tòa không xét xử hình sự một hành vi mà lại được quyết định biện pháp tư pháp hay phần trách nhiệm dân sự liên quan đến hành vi đó cả” - TS Tiến nhấn mạnh.

Đồng tình, luật sư Nguyễn Toàn Thiện (Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bình Thuận) nói: “Trong án hình sự, hình phạt bổ sung hoặc biện pháp tư pháp chỉ được áp dụng kèm theo hình phạt chính. Không thể áp dụng biện pháp tư pháp mà không đi liền với hành vi phạm tội và hình phạt chính được”.

Quyền của cơ quan thuế

Điểm đ khoản 3 Điều 2 Nghị định 209/2013 quy định “sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế” thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT. Như vậy, việc VKS đình chỉ điều tra đối với Diễm về tội trốn thuế là có căn cứ.

Mặt khác, tôi đồng ý rằng tòa truy thu tiền thuế khi không xét xử hành vi trốn thuế là không có căn cứ pháp luật. Nếu cho rằng cần phải truy thu số tiền thuế GTGT thì cơ quan thuế sẽ xem xét, giải quyết bằng thủ tục hành chính.

Luật sư CAO QUANG THUẦN, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm