Tòa giảm án cho giám đốc kêu oan là không đúng?

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 10-3 có bài “Giám đốc kêu oan nhưng chỉ được giảm án”, về trường hợp Lê Văn Phùng (giám đốc Công ty Lê Gia) kháng cáo kêu oan về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng tại phiên xử phúc thẩm, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã tuyên giảm án cho bị cáo Phùng từ 15 năm xuống còn 13 năm tù. Cùng vụ án này, một bị cáo khác kêu oan cũng được tòa giảm án từ bảy năm xuống còn năm năm tù cùng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa phúc thẩm nhận định rằng hai bị cáo có tội nhưng vì bản án sơ thẩm TAND tỉnh Đắk Nông xử quá nghiêm khắc nên giảm án.

Theo quy định tại Điều 248 BLTTHS về bản án phúc thẩm và thẩm quyền của tòa án cấp phúc thẩm thì: Bản án phúc thẩm phải trình bày “… nội dung kháng cáo, kháng nghị và các căn cứ để đưa ra một trong các quyết định quy định tại khoản 2 điều này”.

Các quyết định tại khoản 2 Điều 248 gồm bốn nội dung: a) Không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm; b) Sửa bản án sơ thẩm; c) Hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ để điều tra hoặc xét xử lại; d) Hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Như vậy, bản án phúc thẩm chỉ có thể đưa ra một trong bốn loại quyết định nêu trên chứ không thể cùng lúc đưa ra nhiều quyết định, theo kiểu vừa đưa ra không chấp nhận kháng cáo (theo điểm a) lại vừa quyết định sửa bản án sơ thẩm (theo điểm b).

Ngoài ra, theo điểm a khoản 2 của Điều 248, khi cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị thì phải đồng thời giữ nguyên bản án sơ thẩm. Bởi hai nội dung không chấp nhận kháng cáo, kháng nghị và giữ nguyên bản án sơ thẩm cùng nằm trong một loại quyết định thuộc điểm a khoản 2 Điều 248 BLTTHS.

Không phải đơn thuần mà nhà làm luật sử dụng liên từ “và” nối hai cụm từ trên tại điểm a. Thực tế không chỉ cho riêng điểm a mà các điểm c, d của khoản 2 Điều 248 BLTTHS cũng vậy. Theo đó, việc giữ nguyên bản án sơ thẩm như là hệ quả của việc bác kháng cáo, kháng nghị khi áp dụng điểm a. Nó cũng giống như chuyển hồ sơ vụ án để điều tra lại hoặc xét xử lại là hệ quả của việc hủy bản án sơ thẩm khi áp dụng điểm c. Hoặc như đình chỉ vụ án là hệ quả của việc hủy bản án sơ thẩm khi áp dụng điểm d.

Như vậy trong mọi trường hợp, khi bản án phúc thẩm xử không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo thì phải đồng thời giữ nguyên bản án sơ thẩm. Tòa không thể chỉ áp dụng một nửa nội dung quyết định là không chấp nhận kháng cáo kêu oan, sau đó lại chuyển sang áp dụng tiếp nội dung quyết định tại điểm b khoản 2 để sửa bản án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm