Tòa nhận định không tội nhưng vẫn kết án

Sáng 15-9, sau bốn ngày xét xử, TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tuyên án vụ án cố ý làm trái xảy ra tại Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu. Tòa đã tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Nguyễn Ngọc Khải, nguyên quyền giám đốc ngân hàng này. Hai bị cáo khác cũng được tòa tuyên miễn trách nhiệm hình sự. Chín bị cáo còn lại thì tòa tuyên phạt từ 30 tháng đến 36 tháng tù treo.

Trước đó, VKSND Tối cao đã truy tố ông Khải tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; 11 bị cáo khác (là thuộc cấp của ông Khải) bị truy tố tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản.

Có sai nhưng không phải cố ý làm trái

Tại tòa, VKS vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố như cáo trạng đã nêu và đề nghị xử phạt ông Nguyễn Ngọc Khải từ ba đến bốn năm tù về tội cố ý làm trái…

Tuy nhiên, HĐXX nhận định bị cáo Khải dù sai so với quy định chung nhưng cá nhân không cố ý làm trái. Cụ thể, đầu tháng 3-2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có Thông tư số 02 quy định mức lãi suất huy động vốn bằng đồng Việt Nam tối đa 14%/năm. Sau đó NHNN có văn bản chỉ đạo các chi nhánh trên cả nước thực hiện theo Thông tư 02 nói trên. Từ đây, Agribank Việt Nam có Văn bản số 1326 ngày 20-3-2011 chỉ đạo các chi nhánh chủ động linh hoạt áp dụng các lãi suất huy động vốn và các hình thức khuyến mãi, thưởng phù hợp với thị trường, đảm bảo cạnh tranh nhưng tối đa bằng với các tổ chức tín dụng khác trên địa bàn để không làm giảm nguồn vốn. Đây là một tài liệu chính thức có trong hồ sơ vụ án.

Để thực hiện các văn bản trên, bị cáo Khải đã họp ban giám đốc cùng các trưởng phòng của Agribank Bà Rịa-Vũng Tàu. Từ quyết định của tập thể, không phải do ý thức cá nhân, bị cáo Khải đã ký ban hành các văn bản triển khai sản phẩm huy động vốn, lãi suất cho vay cầm cố, chi hoa hồng môi giới vượt quá mức lãi suất quy định tại Thông tư 02. Bị cáo cũng không chỉ đạo cho 11 cán bộ cấp dưới làm sai. 20 ngày sau khi phát hiện, bị cáo Khải đã chủ động báo cáo cấp trên, dừng sản phẩm, khắc phục, yêu cầu các cán bộ tất toán hợp đồng tiền gửi trước hạn, thu hồi chi phí hoa hồng môi giới nên Agribank Bà Rịa-Vũng Tàu hoàn toàn không bị thiệt hại.

Ngoài ra, xét về nhân thân, bị cáo Khải có nhiều thành tích, tình tiết giảm nhẹ, công nhiều hơn tội. Trong 20 năm nay, đây là lần đầu tiên hậu quả cố ý làm trái được khắc phục hoàn toàn trước khi khởi tố vụ án. Căn cứ Điều 25 BLTTHS, HĐXX tuyên miễn trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Khải.

Theo tòa, điều đáng tiếc là dù Văn bản 1326 của Agribank Việt Nam là văn bản chính thức có trong hồ sơ vụ án, được đề cập nhiều lần tại phiên tòa nhưng Viện lại không có ý kiến phản hồi.

 
Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: KHÁNH LY

Các bị cáo không lạm quyền, ngân hàng chưa thiệt hại

Đối với nhóm 11 bị cáo còn lại (là giám đốc phòng giao dịch, cán bộ các phòng nghiệp vụ của Hội sở Agribank Bà Rịa-Vũng Tàu), tòa cho rằng khi triển khai các văn bản do bị cáo Khải ký đã thấy có sự chênh lệch lãi suất nên đã lợi dụng để thực hiện việc gửi vay-vay gửi. Trong thời gian từ ngày 5-8 đến 25-8-2011, các bị cáo đã sử dụng họ tên, địa chỉ và giấy CMND của người thân trong gia đình hoặc sử dụng họ tên, địa chỉ và CMND của các khách hàng trước đó có giao dịch tại Agribank Bà Rịa-Vũng Tàu (lưu trên hệ thống vi tính của ngân hàng). Các bị cáo này đã ký, viết giả họ, tên của họ để lập 110 giấy xác nhận nhằm hưởng hơn 3,4 tỉ đồng tiền môi giới hoa hồng của Agribank Bà Rịa-Vũng Tàu. Số tiền trên đã được hạch toán vào chi phí của ngân hàng.

Theo tòa, hai vấn đề có tính bắt buộc trong kết tội các bị cáo là các bị cáo có lạm quyền, có hành vi chiếm đoạt hay không. Tuy nhiên, ở yếu tố lạm quyền trong cáo trạng nêu rất chung chung. Công tố viên tại phiên tòa không chỉ ra được, đối đáp không thuyết phục với yêu cầu được chứng minh lạm quyền ở chỗ nào của bị cáo, luật sư. Trong khi các bị cáo chứng minh được họ không lạm quyền trong việc ký tên trong các giấy tờ nói trên. Quan điểm này được tòa chấp nhận.

Về mục đích chiếm đoạt tiền hay không đã được chứng minh trong kết luận giám định cũng như kết luận của cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN. Các kết luận trên đều nói mục đích của các bị cáo nhằm hướng đến hưởng sự chênh lệch về lãi suất chứ không phải ý thức của các bị cáo là chiếm đoạt tiền hoa hồng môi giới như cáo trạng quy kết. Đây là nhận định đúng và mang tính chất khách quan, được tòa chấp nhận. Việc các bị cáo bị quy kết ký thay, ký khống trên các chứng từ thực tế là việc hợp thức hóa hồ sơ. Đây là hành vi sai trái so với các quy định của ngân hàng.

Xét về số liệu quy kết cho từng bị cáo, HĐXX nhận thấy nhiều điểm vô lý, không thể xác định các bị cáo chiếm đoạt tiền hoa hồng môi giới là bao nhiêu. Liên quan đến vấn đề thiệt hại hay không đối với Agribank Bà Rịa-Vũng Tàu, tòa đã hai lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy nhiên, điều này đã không được VKS làm rõ. Ngoài ra kết luận giám định cũng như lời khẳng định tại tòa của các giám định viên và cơ quan thanh tra, giám sát của NHNN cùng đại diện Agribank đều nói các bị cáo chỉ thực sự chiếm đoạt tiền hoa hồng môi giới với điều kiện bắt buộc là không thanh toán trước hạn 12 tháng. Số tiền quy kết cho các bị cáo trong kết luận giám định là con số ước tính từng bị cáo sẽ chiếm hưởng trong tương lai.

HĐXX khẳng định các bị cáo có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS) chứ không phải lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản (Điều 280 BLHS) như cáo trạng quy kết. Từ đó, tòa tuyên chín bị cáo phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS) với mức án từ 30 tháng đến 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Hai bị cáo còn lại do có nhiều tình tiết giảm nhẹ nên được tòa tuyên miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt tài sản (Điều 280 BLHS).

“Tôi có nhiều áp lực”

Đây là vụ án có rất nhiều áp lực đối với tôi. Nhưng HĐXX đã có những nhận xét rất thẳng thắn, bản chất vụ việc được phản ánh đúng như phần tuyên án. Mọi người tham gia phiên tòa dù với tư cách nào cũng đều nhằm làm sáng tỏ chân lý. VKS quy kết các bị cáo lạm quyền. Tại phiên tòa, các bị cáo đã đặt ra rất nhiều câu hỏi rằng họ lạm quyền ở chỗ nào nhưng Viện chưa trả lời được những câu hỏi này.

Về phần thiệt hại, số tiền vi phạm các bị cáo đã đóng tiền lại cho ngân hàng. Nếu các bị cáo không tất toán, ngân hàng sẽ tự động trừ tiền bởi khoản tiền này ngân hàng nắm giữ. Ngân hàng không bị thiệt hại trong trường hợp này.

Thẩm phán HUỲNH NGỌC THIỆN, chủ tọa phiên tòa

Không có căn cứ buộc tội nhưng vẫn... kết án!

Trong phần tuyên án, HĐXX cho rằng để khắc phục sai sót của cáo trạng, trong trường hợp VKS có kháng nghị đề nghị tòa cấp phúc thẩm xét xử các bị cáo phạm tội theo Điều 280 BLHS, tòa sẽ kiến nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử theo hướng hủy án sơ thẩm, đình chỉ vụ án do không có căn cứ buộc tội các bị cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm