Tòa phải hủy quyết định cá biệt trong vụ việc dân sự

Ngày6-1-2014, TAND Tối cao - VKSND Tối cao - Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 01 hướng dẫn điều này.

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng quy định này khi xét xử án dân sự vẫn còn nhiều hạn chế. Chẳng hạn, điều luật quy định tòa chỉ thụ lý khi đương sự có yêu cầu trong vụ việc dân sự; tòa án xem xét giải quyết đối với quyết định cá biệt “rõ ràng là trái pháp luật”… Điều này dẫn đến thực trạng khi giải quyết vụ án dân sự có quyết định cá biệt trái luật nhưng đương sự không yêu cầu thì tòa không được quyền giải quyết; hay đương sự có yêu cầu hủy quyết định cá biệt xâm hại đến quyền lợi của họ nhưng thẩm phán chưa nghiên cứu, xác minh quá trình ban hành quyết định cá biệt đó thì căn cứ nào để nhận biết quyết định cá biệt đó “rõ ràng trái pháp luật” để thụ lý…

Khắc phục những hạn chế bất cập nêu trên, Điều 34 BLTTDS 2015 đã sửa đổi, bổ sung như sau: Khoản 1 đã thay cụm từ “quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật” thành cụm từ “quyết định cá biệt trái pháp luật”; khoản 2 bỏ cụm từ “quyết định cá biệt bị yêu cầu hủy” mà bổ sung cụm từ “phải được tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó”.

Như vậy, kể từ ngày 1-7 tới (ngày BLTTDS có hiệu lực thi hành), tòa án có quyền và phải xem xét hủy quyết định cá biệt trái pháp luật có liên quan đến vụ việc dân sự đó, không cần phải có yêu cầu của đương sự. Quyết định cá biệt mà tòa án có quyền và phải xem xét giải quyết trong vụ việc dân sự là: Quyết định của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể; có liên quan đến vụ việc dân sự mà tòa án đang giải quyết.

Khi xét thấy cần thiết phải xem xét việc hủy quyết định cá biệt, tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định đó tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị tòa án xem xét hủy. Thẩm quyền của cấp tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 điều luật nói trên được xác định theo quy định tương ứng của Luật Tố tụng hành chính về thẩm quyền của TAND cấp huyện, TAND cấp tỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm