Tòa Tân Bình giúp MobiFone đòi nợ cước!

Tuy nhiên, khi đến phòng hội trường (tại lầu 2) của tòa như ghi trong thư mời, các khách hàng hết sức ngỡ ngàng khi chỉ được người đại diện của nhà cung cấp dịch vụ MobiFone tiếp đón và đề nghị thanh toán cước phí còn nợ mà không thấy người của tòa án tiếp xúc như trong nội dung giấy mời.

Thu cước tại... tòa

Theo lời ông Quách Xuân Sơn - người đại diện của MobiFone, do khách hàng đã nợ cước quá lâu, được thông báo nhiều lần mà không thanh toán nên công ty đưa vụ việc đến tòa. Nếu khách hàng nào có thiện chí thanh toán cước còn nợ thì ông Sơn sẽ thu ngay tại tòa, nếu không thanh toán sẽ để tòa giải quyết.

Tòa Tân Bình giúp MobiFone đòi nợ cước! ảnh 1

Một số khách hàng không muốn phiền phức đã đóng cước phí cho MobiFone ngay tại tòa. Nhiều khách hàng khác phản ứng: việc tòa án ký thư mời khách hàng đến tòa để gặp gỡ, trả nợ cước phí của MobiFone là không đúng, khác gì tòa gửi giấy đòi nợ giùm MobiFone?

Anh Nguyễn Đình Phúc, một khách hàng bị tòa “mời” vì khoản nợ cước hơn 200.000 đồng, bức xúc: “Người ký tên trong giấy mời chúng tôi là thẩm phán Phan Văn Hải, nhưng khi tôi đến tòa chỉ thấy người của Công ty MobiFone tiếp xúc và đòi nợ cước. Việc tổ chức thu tiền cước của khách hàng tại tòa là không hợp lý. Lý do gì mà tòa án lại ký giấy mời nhân danh tòa để buộc khách hàng đến tòa thanh toán cước điện thoại cho MobiFone?”.

Người ký giấy mời nói gì?

Trao đổi với PV về thắc mắc của các khách hàng MobiFone, thẩm phán Phan Văn Hải, chánh án Q.Tân Bình (cũng là người ký tên trên giấy mời khách hàng MobiFone), cho biết: TAND Q.Tân Bình có nhận được đơn khởi kiện đòi nợ cước của Công ty MobiFone với danh sách hơn 300 khách hàng tại Q.Tân Bình. Theo thủ tục của Bộ luật dân sự thì tòa sẽ thụ lý án và ra thông báo cho khách hàng biết về việc bị kiện.

Tuy nhiên, danh sách khách hàng còn nợ cước tới 300 người nên để tạo điều kiện cho công ty và các khách hàng gặp gỡ, thỏa thuận với nhau trước khi chính thức thụ lý vụ kiện, TAND Q.Tân Bình đã mời khách hàng đến tòa để hai bên gặp, trao đổi với nhau. Nếu khách hàng đồng ý thanh toán cước thì thôi, trường hợp nào có tranh chấp thì tòa sẽ thụ lý, nhập chung các vụ kiện đòi nợ cước của MobiFone lại để giải quyết.

Theo giải thích của thẩm phán Hải, đúng ra ông phải tiếp các khách hàng có giấy mời nhưng do có quá nhiều việc ông chỉ có mặt một lúc rồi để khách hàng và đại diện MobiFone tự gặp gỡ trao đổi nên một số khách hàng bức xúc. Ông Hải cũng thừa nhận việc người đại diện của MobiFone thu cước tại tòa là không đúng. Ông đã đề nghị MobiFone ngưng thu tiền.

Chỉ tạo thuận lợi cho MobiFone

Theo giải thích của ông Sơn - người đại diện của MobiFone, ông cũng đã khởi kiện nhiều vụ đòi nợ cước tại một số quận huyện khác và cũng được tòa tổ chức cho gặp khách hàng trước khi thụ lý tương tự như tại TAND Q.Tân Bình. Những lần trước nhiều người muốn trả cước mà phía công ty không thu, khách hàng không hài lòng, vì vậy công ty rút kinh nghiệm cho thu tiền ngay tại tòa.

Một khách hàng của MobiFone cho biết từng làm thủ tục khởi kiện đòi nợ tại tòa, thủ tục không đơn giản và không dễ được như MobiFone. Phải tới lui rất nhiều lần, bổ túc nhiều giấy tờ và tạm ứng án phí mới được tòa thụ lý. Khi đó, tòa mới cho mời các bên lên để hòa giải thương lượng. Một khách hàng khác sau khi đóng cước phí cho MobiFone đã nói thật: do không đồng ý với cách tính cước của MobiFone nên chưa đóng cước nhưng khi nhận được thư mời của tòa đành bấm bụng đóng vì không muốn phiền phức.

Luật sư Lê Đình Phạt (Đoàn luật sư TP.HCM):
TAND Q.Tân Bình làm trái quy định

Khi chưa thụ lý đơn kiện của Công ty MobiFone thì TAND Q.Tân Bình không thể mời hay triệu tập khách hàng của MobiFone đến làm việc.

Theo quy định của Luật tố tụng dân sự, nếu cho rằng khách hàng còn nợ cước phí mà không thanh toán, MobiFone có thể nộp hồ sơ nhờ tòa án giải quyết vụ kiện đòi nợ khách hàng. Thủ tục khởi kiện phải theo quy định của Luật tố tụng dân sự. Nguyên đơn (MobiFone) phải cung cấp đầy đủ hồ sơ: hợp đồng ký kết giữa khách hàng, biên lai cước phí còn thiếu, tên tuổi, địa chỉ khách hàng... để tòa xem xét hồ sơ thụ lý. Khi đã đủ hồ sơ, MobiFone phải nộp án phí theo mức tạm tính của tòa. Sau khi có biên lai đóng tạm ứng án phí của nguyên đơn thì tòa mới chính thức ra quyết định thụ lý vụ kiện.

Trong trường hợp nếu vụ kiện của MobiFone được thụ lý, TAND Q.Tân Bình phải gửi quyết định thụ lý vụ kiện đến khách hàng là bị đơn. Trường hợp đã thụ lý vụ kiện, tòa có thể gửi thông báo thụ lý vụ kiện qua đường bưu điện, hoặc sợ thất lạc thì có thể gửi thư mời bị đơn đến tòa để nhận.

Tuy nhiên, nếu chưa ra quyết định thụ lý vụ kiện của MobiFone thì TAND Q.Tân Bình gửi thư mời khách hàng “đến nhận thông báo thụ lý vụ kiện” là trái quy định. Việc TAND Q.Tân Bình gửi thư mời một đằng (đến nhận thông báo thụ lý vụ kiện) nhưng làm một nẻo (cho khách hàng tiếp xúc, thỏa thuận và đóng cước phí cho MobiFone) là không đúng.

Luật tố tụng dân sự không có quy định nào cho phép tòa án “tạo điều kiện” thuận lợi cho nguyên đơn như cách làm của TAND Q.Tân Bình. Dù vụ kiện đòi nợ cước điện thoại có đông bị đơn đến đâu thì cũng không thể vin vào lý do đó để làm trái pháp luật.

Theo CHI MAI (Tuổi Trẻ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm