Tòa thi đua, đương sự “thua đi”!

Cơ sở quan trọng nhất để tòa cấp trên đánh giá hiệu quả hoạt động trong năm của tòa cấp dưới chính là tỉ lệ phần trăm án đã giải quyết trên tổng số án thụ lý. Vì lẽ đó, từ lâu đã xuất hiện một thực trạng là tòa án các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM rất “ngại” thụ lý án dân sự trong thời điểm này. Lý do là bởi việc giải quyết án dân sự thường kéo dài, nếu đã thụ lý mà không giải quyết xong trước tháng 10 thì xem như án tồn qua năm mới, dẫn đến thành tích thi đua của tòa giảm xuống.

Điệp khúc “đầu tháng 10 quay lại” được lặp đi lặp lại ở hầu hết các tòa quận, huyện. Người dân đến nộp đơn, các tòa vẫn nhận nhưng không thụ lý. Có tòa không ghi ngày hẹn trên biên nhận, có tòa ghi ngày hẹn nhưng khi đương sự đến thì bảo chờ. Thậm chí đã lỡ thụ lý nhưng không kịp giải quyết xong trước tháng 10, có tòa còn động viên đương sự làm đơn xin tạm đình chỉ việc giải quyết vụ kiện, chờ đến tháng 10… kiện lại.

Đành rằng thi đua là công tác quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của các cấp tòa nhưng rõ ràng việc chạy theo thành tích mà kéo dài thời gian thụ lý án dân sự như trên là trái luật. Cụ thể, Bộ luật Tố tụng dân sự quy định trong vòng năm ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, tòa phải xem xét thụ lý hoặc trả lại đơn kiện, hoặc chuyển cho tòa án có thẩm quyền.

Đó là chưa kể thực trạng này đã gây ảnh hưởng lớn đến quyền lợi hợp pháp của đương sự. Đã có không ít trường hợp vì tòa chậm thụ lý mà người bị kiện có thời gian tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh nghĩa vụ thi hành án về sau. Hoặc có những vụ do chậm thụ lý nên người bị kiện có toàn quyền xuất cảnh ra nước ngoài khiến người đi kiện chỉ biết khóc ròng.

Nên chăng ngành tòa án cần có biện pháp cải tiến cách tính điểm thi đua để giảm bớt áp lực cho tòa cấp dưới, từ đó tạo điều kiện cho các cơ quan “cầm cân nảy mực” thực thi pháp luật nghiêm túc?

Luật sư LỮ BẠCH LINH (Đoàn Luật sư TP.HCM)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm