Tòa từ chối thụ lý, dân xử bằng luật rừng

“Tòa án có được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do không có điều luật áp dụng hay không” là một trong những câu chuyện tranh luận chưa có hồi kết tại các phiên thảo luận về dự án luật tố tụng dân sự (TTDS) sửa đổi, sáng 23-5.

Xử theo lẽ phải?

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu hết sức thận trọng vấn đề này. Bởi kinh nghiệm quốc tế cho thấy quy định này chủ yếu được áp dụng ở các nước theo hệ thống án lệ, nơi mà tòa án có quyền giải thích luật và án lệ là nguồn luật. Còn ở nước ta, án lệ không phải là nguồn luật, TAND xét xử các vụ án, giải quyết các vụ việc trên cơ sở các quy định của Hiến pháp và pháp luật.

“Quy định như dự thảo không phù hợp với thực tiễn nước ta, đa số ý kiến Ủy ban Tư pháp đề nghị bỏ quy định này” - báo cáo thẩm tra nêu.

Trong khi đó, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng BLDS (sửa đổi) mà tới đây QH sẽ thảo luận có gần 500 điều nhưng điều chỉnh các quan hệ dân sự thì 5.000 điều có khi cũng chưa hết, bởi đời sống xã hội rất phong phú, muôn hình muôn vẻ, quy định của pháp luật không bao giờ theo kịp. Vì vậy, dự thảo luật cũng đã bổ sung nguyên tắc áp dụng án lệ dân sự.

“Có thực tế là tòa để cho nhàn, để cho đỡ rủi ro thì những điều không có trong luật, họ từ chối xét xử. Nhưng khi cơ quan quyền lực nhà nước như tòa, viện đã vì sự khiếm khuyết của pháp luật mà từ chối xét xử các khiếu kiện dân sự của dân thì xã hội sẽ ứng xử bằng luật rừng. Người ta có thể dùng “đầu gấu” hay dao, búa để ứng xử với nhau…” - ông Bình nói.

Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (trái) đang phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự án luật TTDS sửa đổi vào sáng 23-5. Ảnh: Đ.MINH

Ông Bình tiếp: “Tôi thấy thẩm định của Ủy ban Tư pháp chỗ nào cũng nói “cần thận trọng”, “nghiên cứu kỹ”. Đọc lại thì thấy nhiều chỗ thận trọng quá. Quan điểm của tôi là cần quy định nguyên tắc này: dân đã kiện là tòa phải xử. Nếu không có luật thì chúng ta vận dụng tương tự và vận dụng theo lẽ phải”.

Ông Bình nêu giả định vợ chồng ly dị nhau, về lý thuyết nhà cửa chia đôi, tài sản có 10 đồng thì mỗi anh năm đồng, ai nuôi con thì thêm được một đồng nữa. Nhưng cũng có những trường hợp không thể chặt chẽ được như thế. Ông chồng khả năng hiện tại chỉ kiếm được 10 đồng nhưng trong tương lai có thể kiếm được nhiều tiền hơn. Khi người vợ yếu thế thì người ta có thể vận dụng lẽ phải để cho người vợ được hưởng nhiều hơn.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng khiếm khuyết của dự thảo là cơ chế để bảo đảm thực hiện nguyên tắc này chưa rõ.

Tránh chuyện “tòa chỉ tuyên chơi chơi”

Một vấn đề quan trọng khác được TAND Tối cao xin ý kiến QH là có quy định trong dự thảo việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn liền với việc khởi kiện hay không? Quan điểm của TAND Tối cao là “chưa quy định” mà một trong những nguyên nhân được lý giải do điều này có tác động tiêu cực rất lớn cho người bị yêu cầu áp dụng, trong khi đây là vấn đề chưa được nghiên cứu thấu đáo về phạm vi cũng như hậu quả của việc áp dụng…

Ủy ban Tư pháp cũng đánh giá quy định này đáp ứng yêu cầu thực tiễn và thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, đây là vấn đề mới, phức tạp, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm nên ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu làm rõ các căn cứ, điều kiện áp dụng và trình tự, thủ tục ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn liền với việc khởi kiện để bảo đảm tính khả thi.

Ông Nguyễn Hòa Bình một lần nữa đề nghị “cần đưa vào” và cần quy định cụ thể hơn. “Có đơn vị của ta nợ nần nhiều khiến tàu của họ phải trốn, thậm chí phải đi thuê cờ nước ngoài bởi chỉ cần lộ ra là tàu của đơn vị đó thì cập cảng sẽ bị thu giữ luôn để cấn trừ nợ. Tàu của đơn vị này cũng đã bị bắt mấy cái ở nước ngoài vì nợ nhiều quá” - ông Bình thông tin.

“Quốc tế bắt, còn ta thì thận trọng không quy định quyền khẩn cấp giải quyết các vấn đề dân sự. Các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam nhiều, có trường hợp nợ lương, nợ bảo hiểm, nợ thuế… nhưng xuất cảnh một cái là xong” - ông Bình phân tích.

Vì vậy, theo người đứng đầu ngành kiểm sát, việc áp dụng các biện pháp như tạm dừng xuất cảnh, giữ máy bay, giữ tàu thủy, phong tỏa tài khoản… (không gắn liền với việc khởi kiện) nhằm bảo đảm thi hành án, tránh được thực tế “tòa chỉ tuyên chơi chơi, chả giải quyết được chuyện gì”.

“Tòa làm thay đương sự nhiều việc quá”

Bản dự thảo này mới chỉ sửa những tiểu tiết chứ chưa đổi mới căn bản về thủ tục tố tụng. Án dân sự hiện nay rất phức tạp, bình quân xảy ra 100.000 vụ tranh chấp/năm và ngày càng gia tăng. Hiện hàng chục ngàn đơn khiếu nại còn tồn đọng, nhiều vụ lòng vòng xử đi xử lại 10, 20 năm mà công lý không đạt được... Ở nước mình thủ tục hành chính đã rườm rà, thủ tục tư pháp còn rườm rà hơn. Thủ tục như thế này đốt tiền Nhà nước vô cùng, giống đốt 1 lít dầu cho một que diêm vậy.

Vậy phải cải cách thủ tục tư pháp này theo hướng như thế nào? Trong dự án luật, tôi thấy chưa có sự phân biệt thời hạn tố tụng, thủ tục tố tụng, trình tự tố tụng giữa vụ án dân sự phức tạp với việc dân sự đơn giản. Có rất nhiều vụ án đơn giản thì phải rút gọn trình tự, một thẩm phán xử lý là được rồi chứ cứ để kéo dài trình tự làm gì cho tốn kém, rườm rà ra...

Thứ nữa, theo luật TTDS hiện hành, tòa án làm thay đương sự nhiều việc quá. “Việc dân sự cốt ở hai bên” nghĩa là quyền định đoạt là của hai bên. Các bên tự đưa ra chứng cứ, tài liệu giấy tờ để chứng minh quyền, lợi ích hợp pháp của mình... nhưng lâu nay, tòa án vừa là người đi xác minh thu thập chứng cứ, làm hồ sơ đồng thời là người xét xử. Như thế không khách quan...

Thường trực Ủy ban Tư pháp ĐỖ VĂN ĐƯƠNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm