Tòa xác định sai bị đơn

Báo Pháp Luật TP.HCM ngày 31-1 đã phản ánh việc TAND huyện Long Thành (Đồng Nai) thụ lý một vụ kiện khá hi hữu, trong đó bị đơn là các tổ trưởng tự quản do người dân trong ấp bầu lên. Đó là các ông Nguyễn Công Hợp (tổ trưởng tổ 6), ông Nguyễn Văn Lợi (tổ trưởng tổ 7) và ông Nguyễn Văn Minh ở ấp Thanh Bình, Lộc An (Long Thành). Ba ông này bị bốn người dân khởi kiện đòi bồi thường giá trị sử dụng đất tương ứng với diện tích đất làm đường đi công cộng. Trước đó, con đường này do UBND huyện Long Thành làm rồi bị các nguyên đơn phá hủy, sau đó người dân trong khu vực xắn tay áo làm lại đường nên các nguyên đơn khởi kiện… ba ông tổ trưởng tự quản.

Tòa nói thụ lý đúng

Sau khi báo phản ánh, ông Hợp, ông Lợi, ông Minh đã gửi đơn khiếu nại đến TAND huyện Long Thành, cho rằng việc các nguyên đơn “chọn” ba ông để kiện đòi bồi thường là sai vì các ông không hề lấn chiếm đất của các nguyên đơn. Diện tích con đường đi công cộng có nguồn gốc của ông Phạm Đình Thanh (chủ đất cũ) tự nguyện hiến cho UBND huyện Long Thành làm đường đi chung cho 70 hộ dân. Ngoài ra, tòa đã xác định thiếu người tham gia tố tụng như UBND huyện Long Thành và 70 hộ dân sử dụng con đường đi nói trên. Từ đó ba bị đơn yêu cầu tòa trả lại đơn khởi kiện và đình chỉ giải quyết vụ án.

Mới đây, TAND huyện Long Thành đã ra quyết định bác khiếu nại của ba bị đơn với lý do tòa đã thụ lý đúng. Theo tòa, sau khi thụ lý vụ án, tòa ra thông báo gửi cho bị đơn là để họ biết mình bị ai kiện, kiện về việc gì và yêu cầu khởi kiện như thế nào, từ đó bị đơn sẽ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng. Việc ba bị đơn cho rằng mình không lấn chiếm đất của nguyên đơn thì họ phải chứng minh bằng các chứng cứ, quá trình giải quyết vụ án tòa sẽ xem xét. Ngoài ra trong quá trình tham gia tố tụng, ba bị đơn xét thấy nội dung tranh chấp có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì có quyền đề nghị tòa hoặc tòa sẽ tự đưa họ tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.


Ông Nguyễn Công Hợp, tổ trưởng tổ 6 (ấp Thanh Bình, xã Lộc An) trên con đường công cộng. Ảnh: TIẾN DŨNG

Chuyên gia bảo sai

Vấn đề pháp lý đặt ra trong vụ án này là việc TAND huyện Long Thành xác định các ông tổ trưởng tự quản nói trên là bị đơn có đúng quy định? Lập luận của tòa để bác đơn khiếu nại có hợp lý?

TS Nguyễn Văn Tiến (Trưởng bộ môn Luật tố tụng dân sự - hôn nhân gia đình Trường ĐH Luật TP.HCM) cho biết: Theo khoản 3 Điều 56 BLTTDS, bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức khác do luật này quy định khởi kiện để yêu cầu tòa giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm hại. Nói cách khác, bị đơn phải là người đã có hành vi gây thiệt hại hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.

Đối chiếu với quy định trên, TS Tiến phân tích trong vụ án, tòa xác định tư cách bị đơn chưa chính xác:

Thứ nhất, tổ trưởng tự quản là do người dân trong ấp bầu lên, chức danh này không nằm trong tổ chức bộ máy nhà nước, họ không được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Do vậy nếu cho rằng tổ trưởng tự quản là chức danh đại diện cho cơ quan nhà nước là sai về mặt lý luận chung. Tức là tòa không thể xác định các ông tổ trưởng tự quản đại diện cho chính quyền hoặc cho người dân trong khu vực để phải tham gia tố tụng.

Thứ hai, nếu cho rằng cá nhân các ông tổ trưởng tự quản có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho nguyên đơn thì cũng phải xác định toàn bộ những người dân tham gia làm con đường đó có vai trò ngang bằng với họ. Tức là tòa chỉ có thể xác định các ông tổ trưởng này là đồng bị đơn, người có trách nhiệm liên đới trong việc bồi thường (nếu có). Tất nhiên đây chỉ là vấn đề xác định tư cách tham gia tố tụng, còn nội dung vụ kiện chúng ta chưa bàn tới.

Theo TS Tiến, đúng ra khi thấy các nguyên đơn xác định chưa đúng đối tượng bị kiện thì tòa phải trả đơn và hướng dẫn họ làm lại, đằng này tòa lại thụ lý ngay là sai luật.

Về lập luận của tòa rằng nguyên đơn khởi kiện đúng thủ tục thì tòa thụ lý, các bị đơn cứ việc chứng minh mình không lấn chiếm đất trong quá trình tòa giải quyết vụ án, TS Lê Minh Hùng (giảng viên Trường ĐH Luật TP.HCM) nói không ổn. Bởi BLTTDS quy định yêu cầu khởi kiện phải có căn cứ và hợp pháp thì tòa mới thụ lý. Khi có người khởi kiện thì tòa phải xác định ba vấn đề là quan hệ tranh chấp, thẩm quyền giải quyết và tư cách đương sự trong vụ án. Trách nhiệm chứng minh về mặt chứng cứ là của đương sự nhưng họ không có nghĩa vụ phải chứng minh tư cách chủ thể tham gia tố tụng mà do tòa xác định theo luật. Quan hệ tranh chấp trong vụ này, theo tòa là yêu cầu bồi thường thiệt hại nên tòa phải xác định được chủ thể gây thiệt hại cũng như hành vi trái pháp luật gây thiệt hại chứ không thể nói cứ thụ lý rồi xem xét.

UBND xã cũng phản đối tòa

Trong văn bản gửi TAND huyện Long Thành, UBND xã Lộc An cho rằng việc các nguyên đơn khởi kiện ông Lợi, ông Hợp, ông Minh là không đúng. UBND xã giải thích thêm do lúc UBND huyện Long Thành làm con đường đi công cộng này không có quyết định thu hồi đất nên ủy ban không điều chỉnh trong giấy đỏ phần diện tích mà chủ đất cũ hiến làm đường. Tuy nhiên, con đường (cắt ngang qua thửa 298) đã được thể hiện trên bản đồ quy hoạch sử dụng đất của xã. Năm 2010, một trong bốn nguyên đơn nhận chuyển nhượng trọn thửa đất 298 nên Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện không đo đạc thực tế, lập bản vẽ mà chỉ trích lục bản đồ địa chính để chuyển nhượng. Nguyên đơn này đã đứng tên giấy đỏ thửa 298 bao gồm luôn cả diện tích đường đi mà chủ đất cũ từng hiến.

Năm 2011, phía nguyên đơn đã phá bỏ con đường, người dân trong khu vực phải đi nhờ qua đất của một công ty. Khi công ty này bít đường, người dân phải mở lại con đường cũ đúng vị trí đường trước đây. Khi người dân khôi phục đoạn đường, UBND xã Lộc An có đến hiện trường để ghi nhận.

Tạo tiền lệ xấu

Trong vụ này tòa đã chưa làm hết trách nhiệm của mình và có sự chủ quan trong việc xác định đối tượng bị kiện. Nếu vụ án này được đưa ra xét xử thì chắc không ai dám làm tổ trưởng tự quản vì cứ xảy ra chuyện gì của cộng đồng thì họ cũng có thể bị khởi kiện.

Việc làm lại con đường được chính quyền xã và huyện chấp thuận cho phép, vậy nếu các nguyên đơn cho rằng mình bị thiệt hại thì đâu có thể loại trừ trách nhiệm của chính quyền hai cấp nói trên? Từ đây tòa phải đặt ra vấn đề trách nhiệm bồi thường (nếu có) chỉ là trách nhiệm cá nhân hay có trách nhiệm trong việc thi hành công vụ, trách nhiệm hành chính? Do có rất nhiều vấn đề liên quan nên tòa phải thận trọng chứ không chỉ thấy cứ có người kiện là xác định các tổ trưởng tự quản là bị đơn.

Theo tôi, tòa cần phải đình chỉ giải quyết vụ án, trả lại đơn khởi kiện và hướng dẫn cho các nguyên đơn xác định lại quan hệ tranh chấp và đối tượng khởi kiện. Nếu tòa không xác định rõ ràng, chuẩn xác thì sẽ tạo ra tiền lệ tố tụng xấu là ai thích kiện ai cũng được cho dù người đó không liên quan.

Luật sư NGUYỄN MINH LUẬN,
Văn phòng Luật sư Sài Gòn Công Lý

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm