Tạm giam bị cắt chế độ thương tật, giờ phục hồi?

Tháng 9-2013 tôi bị bắt tạm giam.Tháng 9-2015 sau hai năm bị tạm giam tôi được tại ngoại. Là thương binh tôi bị cắt chế độ trợ cấp thương tật từ tháng 10-2013. Nay tôi được tại ngoại về sinh hoạt tại địa phương tôi xin phục hồi chế độ trợ cấp từ tháng 10-2015 có được không?

MinhTam (minhtam3288@yahoo.com)

Luật sư LÊ VĂN HOAN, Đoàn luật sư TP.HCM, trả lời: Theo Điều 44 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng năm 2005, thì Thương binh là một trong những đối tượng Người có công với cách mạng và được hưởng các chế độ ưu đãi gồm có:

1. Người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi mà phạm tội không thuộc các tội xâm phạm an ninh quốc gia, bị phạt tù có thời hạn nhưng không được hưởng án treo thì trong thời gian chấp hành hình phạt tù bị tạm đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi.

2. Người có công với cách mạng đang hưởng chế độ ưu đãi mà phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc phạm tội khác bị phạt tù chung thân thì vĩnh viễn bị đình chỉ hưởng chế độ ưu đãi, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

Ngoài ra, theo Điều 67 Nghị định 31/2013 của Chính phủ quy định về việc xử lý đối với người đang hưởng chế độ ưu đãi theo Pháp lệnh mà phạm tội như sau:

1. Trường hợp người phạm tội quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 44 của Pháp lệnh bị bắt tạm giam thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tạm dừng chế độ ưu đãi từ tháng liền kề khi có quyết định tạm giam.

2. Trường hợp người phạm tội đã bị kết án thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm:

a) Ra Quyết định tạm đình chỉ chế độ ưu đãi đối với người phạm tội quy định tại Khoản 1 Điều 44 của Pháp lệnh trong thời gian chấp hành hình phạt tù từ tháng liền kề khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Ra quyết định phục hồi chế độ ưu đãi từ tháng liền kề khi có quyết định chấp hành xong hình phạt tù của cơ quan có thẩm quyền;

b) Ra quyết định đình chỉ chế độ ưu đãi đối với người phạm tội quy định tại Khoản 2 Điều 44 của Pháp lệnh từ tháng liền kề khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Như vậy, sau khi bạn chấp hành xong hình phạt như quy định nêu trên thì bạn liên hệ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan có thẩm quyền thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an để phục hồi quyền lợi của mình. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm