Tính thời gian nâng lương khi chuyển ngạch viên chức

Trong thời gian làm việc tại trung tâm, ông Thanh đã học và tốt nghiệp ĐH ngành kế toán vào tháng 12-2012. Tháng 1-2016, ông trúng tuyển viên chức ngành kế toán, được xếp lương bậc 1, ngạch chuyên viên (01.003). Thời gian nâng lương lần sau tính từ ngày 1-1-2014.

Ông Thanh hỏi cách xếp ngạch bậc lương và tính thời gian nâng bậc lần sau ở ngạch mới cho ông như vậy có đúng quy định không?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trả lời vấn đề này như sau:

Khoản 3 Điều 10 Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25-12-2012 của Bộ Nội vụ quy định thời gian công tác có đóng BHXH bắt buộc của người được tuyển dụng viên chức đã làm những công việc chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm được tuyển dụng (nếu có) tính vào thời gian xét nâng lương lần sau khi bổ nhiệm và xếp lương vào chức danh nghề nghiệp.

Theo khoản 3 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV ngày 25-5-2007 của Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức, trường hợp công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn và điều kiện được cấp có thẩm quyền quyết định chuyển loại công chức, viên chức từ loại A0 sang loại A1; từ loại B, loại C sang loại A (gồm A0 và A1) hoặc từ loại C sang loại B, thì thực hiện như cách xếp lương khi nâng ngạch công chức, viên chức hướng dẫn tại khoản 1 Mục II thông tư này như sau:

Trường hợp chưa hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung ở ngạch cũ thì căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ để xếp vào hệ số lương bằng hoặc cao hơn gần nhất ở ngạch mới. Thời gian hưởng lương ở ngạch mới được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới.

Thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới được tính như sau: Nếu chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch mới so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ bằng hoặc lớn hơn chênh lệch hệ số lương giữa hai bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm vào ngạch mới; nếu nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa hai bậc lương liền kề ở ngạch cũ, thì được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cũ.

Trường hợp ông Đỗ Ngọc Thanh giao kết hợp đồng lao động làm nhân viên kế toán tại một đơn vị sự nghiệp thuộc Sở từ tháng 1-2012, được xếp lương bậc 3/12 hệ số 2,26 theo thang lương viên chức loại B, ngạch cán sự (mã số 01.004) cho đến hết tháng 12-2015. Trong thời gian làm việc tại trung tâm, tháng 12-2012, ông Thanh tốt nghiệp ĐH chuyên ngành kế toán. Đến tháng 1-2016, ông trúng tuyển viên chức ngành kế toán, được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên (mã số 01.003).

Áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư số 15/2012/TT-BNV và khoản 3 Mục II Thông tư số 02/2007/TT-BNV, việc bổ nhiệm, xếp lương đối với ông Thanh thực hiện như sau:

Căn cứ vào hệ số lương đang hưởng ở ngạch cán sự (2,26) để xếp vào hệ số lương cao hơn gần nhất ở ngạch chuyên viên (2,34). Thời gian hưởng lương ở ngạch chuyên viên được tính kể từ ngày ký quyết định bổ nhiệm. Như vậy, việc xếp lương hệ số 2,34, bậc 1 ngạch chuyên viên và thời gian hưởng lương ngạch chuyên viên đối với ông Thanh là đúng quy định.

Về thời gian xét nâng bậc lương lần sau ở ngạch mới, do chênh lệch giữa hệ số lương được xếp ở ngạch chuyên viên (2,34) so với hệ số lương đang hưởng ở ngạch cán sự (2,26) bằng 0,08, nhỏ hơn chênh lệch hệ số lương giữa hai bậc lương liền kề ở ngạch cán sự (0,2), cho nên thời gian xét nâng bậc lương lần sau của ông Thanh ở ngạch chuyên viên được tính kể từ ngày xếp hệ số lương đang hưởng ở ngạch cán sự là tháng 1-2012 thì mới đúng.

                                                                             Luật sư Lê Văn Đài

                                                     VPLS Khánh Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm