TP.HCM: 5 thẩm phán được đề nghị vinh danh thẩm phán giỏi

TAND Tối cao vừa công bố danh sách thẩm phán được đề nghị vinh danh Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu và Thẩm phán mẫu mực của ngành tòa án năm 2018.

Danh sách có một thẩm phán được đề nghị vinh danh Thẩm phán mẫu mực, 18 thẩm phán được đề nghị vinh danh Thẩm phán tiêu biểu và 50 thẩm phán được đề nghị vinh danh Thẩm phán giỏi.

Theo Quy chế thi tuyển danh hiệu Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu và Thẩm phán mẫu mực ban hành kèm theo Quyết định 223/2013 của chánh án TAND Tối cao thì sau bảy ngày kể từ khi đăng danh sách trên Cổng thông tin điện tử TAND Tối cao, nếu không có ý kiến gì thì hội đồng xét tặng trình chánh án TAND Tối cao quyết định tặng thưởng.

TAND quận 7 nhận danh hiệu Đơn vị thi đua xuất sắc năm 2017 do TAND Tối cao tặng.

Riêng ngành tòa án TP.HCM có một thẩm phán được đề nghị vinh danh thẩm tiêu biểu là thẩm phán Phạm Minh Triều - Chánh án TAND quận Bình Thạnh.

Và năm thẩm phán được đề nghị vinh danh thẩm phán giỏi gồm:

Thẩm phán Phạm Thị Thu Phương - Phó Chánh Tòa Gia đình và người chưa thành niên.

Thẩm phán Đỗ Quốc Đạt - Chánh án TAND quận 7

Thẩm phán Mai Trần Cảnh - thẩm phán sơ cấp TAND quận 7

Thẩm phán Bành Kim Phượng - Phó Chánh án TAND quận Tân Bình

Thẩm phán Nguyễn Thị Việt Hà - thẩm phán sơ cấp TAND quận Gò Vấp.

Điều 8. Tiêu chuẩn chung đối với danh hiệu Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu và Thẩm phán mẫu mực
1. Tiêu chuẩn chung đối với thẩm phán TAND các cấp tham gia kỳ thi tuyển chọn danh hiệu Thẩm phán giỏi và xét tặng danh hiệu Thẩm phán tiêu biểu, Thẩm phán mẫu mực:
a) Đã có ít nhất một nhiệm kỳ là thẩm phán.
b) Có phẩm chất đạo đức tốt; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế, kỷ luật lao động của cơ quan; trong thời gian xét tặng được công nhận là đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ.
c) Tận tụy với nghề; là tấm gương điển hình trong rèn luyện, thực hiện chức trách nhiệm vụ của thẩm phán.
d) Gương mẫu thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; tích cực tham gia các phong trào thi đua;
đ) Trong ba năm công tác trước thời điểm thi tuyển và xét tặng liên tục được tặng thưởng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở.
2. Đối với thẩm phán là thủ trưởng đơn vị, ngoài các tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 điều này thì đơn vị thuộc quyền quản lý phải được tặng thưởng danh hiệu Tập thể lao động tiên tiến ba năm liên tục trước thời điểm xét tặng, trong đó có hai lần được tặng thưởng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc; không có cán bộ bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị xử lý hình sự.
Điều 9. Tiêu chuẩn tham gia thi tuyển danh hiệu Thẩm phán giỏi
1. Thẩm phán TAND các cấp đạt tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 của quy chế này và có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được tham gia kỳ thi tuyển chọn danh hiệu Thẩm phán giỏi:
a) Số lượng vụ, việc đã làm chủ tọa phiên tòa xét xử hoặc được phân công trực tiếp giải quyết trong ba năm trước thời điểm thi tuyển phải cao hơn số lượng vụ việc bình quân của thẩm phán trong đơn vị đó.
(Đối với chánh án TAND các cấp thì số lượng vụ, việc đã làm chủ tọa phiên tòa xét xử hoặc được phân công trực tiếp giải quyết phải cao hơn 1/2 số lượng vụ việc bình quân của thẩm phán trong đơn vị; đối với phó chánh án TAND các cấp thì số lượng vụ, việc đã làm chủ tọa phiên tòa xét xử hoặc được phân công trực tiếp giải quyết phải cao hơn 2/3 số lượng vụ việc bình quân của thẩm phán trong đơn vị).
b) Tỉ lệ giải quyết các vụ, việc được phân công làm chủ tọa phiên tòa xét xử hoặc được phân công trực tiếp giải quyết phải cao hơn tỉ lệ trung bình của toàn ngành; trong ba năm công tác trước thời hạn xét tặng không có án quá hạn luật định vì lý do chủ quan; số án bị hủy vì lý do chủ quan dưới 1%, số án bị sửa nghiêm trọng vì lý do chủ quan dưới 2%.
c) Ban hành bản án, quyết định đúng pháp luật, rõ ràng, bảo đảm đúng quy định về hình thức văn bản.
2. Thẩm phán TAND các cấp có thể được đặc cách xét, tặng danh hiệu Thẩm phán giỏi mà không phải qua thi tuyển, nếu có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 8 của quy chế này và đã trực tiếp giải quyết, xét xử liên tục từ 300 vụ, việc trở lên mà không có án quá hạn luật định, không có án bị hủy vì lý do chủ quan, số án bị sửa vì lý do chủ quan dưới 2%.

... 

Danh hiệu Thẩm phán tiêu biểu phải được ít nhất 70% cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị cơ sở bỏ phiếu suy tôn.
...
Danh hiệu Thẩm phán mẫu mực phải được ít nhất 90% cán bộ, công chức, người lao động của đơn vị cơ sở bỏ phiếu suy tôn.
(Trích Quy chế thi tuyển danh hiệu Thẩm phán giỏi, Thẩm phán tiêu biểu và Thẩm phán mẫu mực ban hành kèm theo Quyết định 223/2013 của chánh án TAND Tối cao) 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm