Trả hồ sơ vụ chìm canô chết chín người

Tháng 10-2014, VKSND TP.HCM đã ra cáo trạng truy tố nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Séc Vũ Văn Đảo và nguyên giám đốc Công ty Cổ phần Vũng Tàu Marina Đinh Văn Quyết về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn (Điều 214 BLHS).

Lần thứ hai tòa trả hồ sơ

Theo cáo trạng, hai bị can trên đã có hành vi điều động ba canô cao tốc chở nhân viên Công ty Cổ phần Sản xuất Ống thép khí Việt Nam từ Tiền Giang đến khu du lịch Đảo Xanh (Vũng Tàu) khi các canô này chưa được Cục Đăng kiểm cấp giấy đăng kiểm, sử dụng sai mục đích, chở quá số người cho phép… Hậu quả là tai nạn thương tâm đã xảy ra khi chiếc canô BP 12-04-02 (chở 24 người) bị lật và chìm tại vùng biển Cần Giờ làm chín người thiệt mạng.

Sau khi thụ lý, tháng 4-2015, TAND TP.HCM đã từng trả hồ sơ yêu cầu VKS TP.HCM làm rõ nguyên nhân dẫn đến việc chìm canô, làm rõ căn cứ truy tố hai bị can về tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, một tháng sau VKS có công văn hoàn lại hồ sơ vụ án cho tòa, giữ nguyên quan điểm truy tố với lý do các yêu cầu của tòa là không có cơ sở.

Chiếc canô bị chìm sau tai nạn. Ảnh: T.TÙNG

Ba yêu cầu của tòa

Trong quyết định trả hồ sơ lần này, TAND TP.HCM đã yêu cầu VKS phải làm rõ ba vấn đề lớn:

Thứ nhất, cần trưng cầu giám định và có kết luận giám định canô BP 12-04-02 (do tài công Phạm Duy Phúc điều khiển) không bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng.

Thứ hai, trong công văn hoàn lại hồ sơ, VKS có nêu việc canô gây tai nạn được Công ty Việt Séc đóng mới, bán cho Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khi chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cho phép đăng kiểm là không bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng.

Tòa cho rằng quan điểm này chỉ có thể được xem xét nếu thỏa mãn đồng thời hai yếu tố: Một là VKS phải nêu rõ việc không công nhận kết quả của Phòng Đăng kiểm Hải quân Bộ Tư lệnh Hải quân và việc cơ quan này cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho canô này vào ngày 16-7-2013. Hai là VKS cho biết vận dụng quy phạm pháp luật nào để kết luận rằng khi phương tiện chưa được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy đăng kiểm thì không bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng.

Thứ ba, Cục Đăng kiểm Việt Nam xác định các nguyên nhân làm chìm canô là chở quá số lượng người cho phép, canô chạy ở vùng không được phép hoạt động, việc điều khiển canô không phù hợp.

Báo cáo điều tra của Cục Hàng hải Việt Nam kết luận các nguyên nhân gây ra tai nạn là sử dụng canô sai mục đích, chở số người gấp 2,5 lần cho phép, chạy trong vùng có sóng vượt quá giới hạn cho phép, người lái canô điều khiển chưa phù hợp với tình huống thực tế, không có chứng chỉ chuyên môn lái phương tiện thủy loại II tốc độ cao, canô rời nơi không được cho tàu thuyền neo đậu ra vào, rời cầu bến không được công bố cho việc đón, trả khách, không làm thủ tục vào, rời bến theo quy định.

Theo tòa, do VKS viện dẫn báo cáo trên nên VKS phải làm rõ ba vấn đề:

Một là nêu các căn cứ kết luận về việc sử dụng canô sai mục đích, chở số người gấp 2,5 lần cho phép, chạy trong vùng có sóng vượt quá giới hạn cho phép, người lái canô điều khiển chưa phù hợp với tình huống thực tế.

Hai là vì sao lại kết luận người lái canô không có chứng chỉ chuyên môn trong khi hồ sơ có tài liệu chứng minh người này có bằng lái tàu.

Ba là chuyện canô rời nơi không được cho tàu thuyền neo đậu ra vào, rời cầu bến không được công bố cho việc đón, trả khách, không làm thủ tục vào, rời bến theo quy định thì có liên quan gì đến nguyên nhân gây ra tai nạn?

Về nội dung này, ở lần trả hồ sơ trước, tòa cho rằng tất cả nguyên nhân trên đều không liên quan đến việc chứng minh hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra do hành vi đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn.

Không cấm đóng tàu bằng vật liệu mới PPC

Ngày 25-6, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã có công văn gửi các cơ quan tố tụng TP.HCM giải thích về giá trị đăng kiểm liên quan đến vật liệu mới PPC làm ra chiếc canô gặp nạn.

Theo Cục Đăng kiểm, Nhà nước không cấm đóng tàu thuyền bằng vật liệu PPC mà còn khuyến khích đầu tư. Cục cũng ủng hộ ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới để sản xuất tàu thuyền. Chiếc canô bị nạn thuộc quyền quản lý của cửa khẩu Biên phòng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc đăng kiểm thuộc quy định của Bộ Quốc phòng và nó đã được Phòng Đăng kiểm Hải quân đăng kiểm, cấp giấy chứng nhận để đưa vào sử dụng…

Xác định chất lượng canô

Một vấn đề gây nhiều tranh cãi trong vụ án là dấu hiệu bắt buộc của tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường thủy không đảm bảo an toàn (Điều 214 BLHS) đòi hỏi phải có kết luận phương tiện bị tai nạn do lỗi kỹ thuật hoặc do chất lượng con tàu không bảo đảm an toàn. Ngoài ra, chủ thể của tội danh trên phải là người biết rõ phương tiện không đảm bảo an toàn mà vẫn cho sử dụng. Trong khi theo cáo trạng, nguyên nhân nổi bật dẫn tới tai nạn lại là do lỗi của người điều khiển. Mặt khác, hai bị can chỉ mượn canô nên không thể biết lúc sử dụng nó có lỗi kỹ thuật gì hay không…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.