Tra tấn là hình thức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất

Sáng 23-10, Sở Tư pháp TP.HCM tổ chức hội nghị phổ biến nội dung cơ bản của công ước chống tra tấn và các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn. Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10-12-1984 và có hiệu lực từ ngày 26-6-1987) là một trong những điều ước quốc tế đa phương quan trọng về quyền con người của Liên hợp quốc thể hiện ý chí của nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, mong muốn sớm loại bỏ hành vi đối xử hoặc hình phạt tàn bạo, vô nhân đạo ra khỏi đời sống xã hội.
Ngày 7-11-2013, nước ta đã ký tham gia Công ước trên và được Quốc hội phê chuẩn ngày 28-11-2014.

Đại úy, ThS Võ Thị Thu Lan, Phó Đội trưởng Phòng Tham mưu Công an  TP.HCM báo cáo viên của hội nghị sáng 23-10.

Đại úy Võ Thị Thu Lan, Công an A TP (báo cáo viên của hội nghị) chia sẻ, chống tra tấn là vấn đề vừa mang tính pháp lý, vừa mang tính đạo đức, văn hóa. Ở góc độ đạo đức, văn hóa, tra tấn bị lên án như là một trong những hành vi vô nhân đạo và đê hèn nhất mà con người phạm phải bởi đồng loại. Dưới góc độ pháp lý, theo pháp luật về nhân quyền quốc tế, tra tấn là một trong những hình thức vi phạm nhân quyền nghiêm trọng nhất, bị chỉ trích gay gắt nhất.
Trước khi tham gia Công ước chống tra tấn, để bảo vệ quyền con người, quyền công dân, pháp luật Việt Nam đã quy định tương đối cơ bản và đầy đủ cơ chế bảo đảm quyền không bị tra tấn, đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc bị hạ nhục. Cụ thể, tại khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.

Bộ luật Hình sự không quy định tội danh riêng và không đưa ra khái niệm “tra tấn”. Tuy nhiên, mọi hành vi có tính chất tra tấn được xác định là hành vi phạm tội, được quy định trong tội dùng nhục hình, tội bức cung, tội mua chuộc hoặc cưỡng ép người khác khai báo gian dối, cung cấp tài liệu sai sự thật. Hành vi có tính chất tra tấn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các tội như tội giết người; tội làm chết người trong khi thi hành công vụ; tội bức tử; tội đe dọa giết người; tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ; tội hành hạ người khác; tội làm nhục người khác; tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật...

Bên cạnh đó, Đại úy Lan cũng cung cấp thông tin cho hội nghị về các nguyên tắc của BLTTHS năm 2015 là nghiêm cấm tra tấn, bức cung, dùng nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, tính mạng, sức khỏe con người (Điều 10); bảo hộ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của cá nhân (Điều 11)…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm