Ra tòa vì chuyển giao công nghệ sáng chế bằng...giấy nợ

Sáng 22-2, TAND Cấp cao tại TP.HCM mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án liên quan đến... một chiếc máy rửa ly. Chiếc máy này do ông Nguyễn Duy Linh ở quận 3, TP.HCM sáng chế.

Bán công nghệ làm máy với giá 280 triệu đồng

Vào năm 2014, ông Linh sáng chế được một chiếc máy rửa ly, giá bán 5 triệu đồng/máy, có thể rửa từng ly sạch bong trong chỉ ba giây bằng nước lã mà không cần xà phòng. Chiếc máy này được giới thiệu là phù hợp với các quán nước, nhà hàng tại Việt Nam vốn nhiều kiểu, nhiều cỡ ly, nhu cầu rửa lẻ mẻ. Đây là ưu điểm so với máy ngoại nhập chỉ rửa vài kích cỡ ly, phải đồng bộ và đòi hỏi số lượng lớn cho một lần rửa.

Ông Nguyễn Hoàng Lâm muốn mua công nghệ chiếc máy rửa ly này.

Vào thời điểm đó, ông Linh chưa xin cấp bằng sáng chế. Vì vậy, hai bên ký biên bản thỏa thuận chuyển giao công nghệ với giá 280 triệu đồng, chia nhiều đợt thanh toán. Bên nào vi phạm thì bồi thường gấp đôi giá trị thiệt hại cho bên kia.

Hai bên cũng thỏa thuận ông Linh không được bán sản phẩm ra thị trường, phải chuyển số khách hàng còn lại cho ông Lâm, không chuyển giao công nghệ này cho bất cứ ai...

Ông Lâm thanh toán cho ông Linh 100 triệu đồng, lập hợp đồng vay tiền thời hạn vay là ba tháng, không lãi suất. Tại phiên phúc thẩm, ông Lâm cho rằng tiền này để ông Linh có thể trang trải chi phí làm hồ sơ, hoàn thiện công nghệ, chuẩn bị chuyển giao.

Ông Nguyễn Duy Linh bên chiếc máy rửa ly của mình tại nhà riêng vào chiều 22-2. Ảnh: QUỲNH NHƯ

Bên này đòi nợ, bên kia yêu cầu bồi thường

Theo biên bản, ông Linh phải đảm bảo sáng chế của mình được cấp bằng phát minh sáng chế và hỗ trợ cho ông Lâm đăng ký sáng chế. Thực hiện thỏa thuận, phía ông Lâm làm thủ tục đăng ký sáng chế, tên chủ đăng ký vẫn là tên ông Linh nhưng phía ông Lâm giữ toàn bộ giấy tờ.

Thế nhưng mâu thuẫn phát sinh từ đây khi ông Linh nghi ngờ ông Lâm muốn chiếm đoạt sáng chế của mình. Tại tòa, khi tòa hỏi, ông Linh cho rằng mình có gọi điện thoại hối thúc ông Lâm nhận công nghệ nhưng không liên lạc được. Thỏa thuận công nghệ trên lại không hề đưa ra mốc thời gian phải giao-nhận công nghệ.

Sau sáu tháng ký biên bản nói trên, ông Linh tự mình tiếp tục sản xuất chiếc máy rửa ly và bán máy ra thị trường. Sau đó ông Lâm đã khởi kiện, đòi ông Linh trả lại 100 triệu đồng đã đưa, thêm tiền lãi 17 triệu đồng phát sinh trong hai năm...

Khi tòa giải quyết vụ việc đòi nợ, ông Linh làm đơn phản tố. Ông cho rằng ông Lâm vi phạm thỏa thuận chuyển giao công nghệ, gây thiệt hại về kinh tế cho ông 450 triệu đồng. Về con số này, ông Linh tính bằng số máy rửa ly có thể bán được trong một tháng là 15 máy, tiền lời có thể có là 2,5 triệu đồng/máy, tính ra là 15 máy x 2,5 triệu đồng x sáu tháng x bồi thường gấp đôi là được 450 triệu đồng!

Chứng minh không được, phải xùy tiền ra

Tuy nhiên, khi tòa yêu cầu chứng minh, ông Linh không có hóa đơn để chứng minh việc mình có khả năng bán được số máy nói trên. Ông cho rằng việc bán máy trước đó của ông rất chạy, đã được đăng trên nhiều... tờ báo!

Ngược lại, phía ông Lâm cũng phản ứng rằng vì món lời bán máy này mà ông Linh đã thất hứa, không chuyển giao công nghệ máy rửa ly nữa nên cần trả lại tiền đã nhận. Bên ông Lâm tỏ ý vẫn muốn tiếp tục mua công nghệ nhưng ông Linh không đồng ý.

Cuối cùng, TAND Cấp cao tại TP.HCM tuyên giữ nguyên án sơ thẩm. Theo tòa, giấy vay nợ là giả tạo nhằm thanh toán cho biên bản chuyển giao công nghệ. Tuy nhiên, biên bản chuyển giao công nghệ khi ông Linh chưa có bằng sáng chế nên vô hiệu ngay từ khi xác lập. Việc không chuyển giao được công nghệ đều do lỗi của hai bên nên hai bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận. Do ông Linh không chứng minh được những thiệt hại của mình nên tòa không xem xét thiệt hại 450 triệu đồng như ông nói.

Tòa tuyên ông Linh phải trả lại ông Lâm 100 triệu đồng, không phải trả 17 triệu đồng tiền lãi. Ngoài ra, do ông Linh đòi bồi thường đến 450 triệu đồng nhưng không được tòa chấp nhận nên ông Linh phải trả án phí đến 22,5 triệu đồng.

Được biết ông Linh vẫn đang chờ Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp bằng sáng chế cho chiếc máy này.

Phải thận trọng khi muốn ngưng hợp đồng

Trong vụ việc trên, có thể các bên đã sơ suất không thỏa thuận các thời điểm thực hiện, nếu chậm trễ thì phải thông báo cho nhau thế nào... Bên bán cho rằng bên mua không đến nhận công nghệ dù mình đã sẵn sàng. Thế thì phải chứng minh là mình đã sẵn sàng thế nào, đã tốn kém những gì, hóa đơn chứng từ cụ thể. Đặc biệt là mình đã làm gì để thông báo cho bên kia, ràng buộc bên kia phải thực hiện nghĩa vụ nhận công nghệ và thanh toán tiền cho mình. Khi bên kia không hồi đáp thì mình đã thông báo chấm dứt hợp đồng hay chưa...

Đồng thời, các doanh nghiệp, cá nhân mua công nghệ cũng phải hết sức thận trọng xác minh về công nghệ chưa có bằng sáng chế, tránh rủi ro. Thông thường thời gian chờ cấp bằng khá lâu. Nếu các bên có ý định chờ cấp bằng đàng hoàng rồi mới tiếp tục hợp đồng chuyển giao công nghệ thì phải thỏa thuận rõ về thời gian chờ, cách xử lý trong thời gian chờ, tiền cọc xử lý thế nào...

Luật sư NGUYỄN THÀNH LONG,
Văn phòng luật sư Long Nguyễn

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.