Tranh luận về vai trò của VKS trong tố tụng hành chính, dân sự

Trình bày tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH ngày 14-10, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng trong tố tụng hành chính và cả tố tụng dân sự, VKS chỉ có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp chứ không phải là một bên có quyền có ý kiến phân xử vụ kiện. Vai trò đó hoàn toàn khác với vai trò của VKS trong tố tụng hình sự. Do đó, không nên coi VKS là cơ quan tiến hành tố tụng mà nên gọi thẳng tên là cơ quan kiểm sát. Khái niệm cơ quan tiến hành tố tụng chỉ nên sử dụng trong tố tụng hình sự mà ở đó, cơ quan điều tra, VKS, tòa án là các cơ quan thực hiện công quyền trong từng giai đoạn tố tụng để nhân danh Nhà nước điều tra, truy tố, xét xử.

 Kiểm sát viên đang tranh luận tại tòa

Theo ông Hiện, để thống nhất quan điểm này, Ủy ban Tư pháp đã họp bàn, tranh luận với nhiều ngành liên quan. Đến nay, Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, TAND Tối cao đều ủng hộ.

Chia sẻ với cơ quan thẩm tra dự luật, ông Phan Trung Lý (Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật) còn đề nghị phải sửa luật một cách căn bản hơn, sát với tinh thần, giá trị mới trong Hiến pháp 2013, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc tranh tụng. “Đã tranh tụng là bình đẳng, ngang hàng. Không nên phân “chiến tuyến” theo cách cũ: Một bên là cơ quan tiến hành tố tụng ngồi trên, một bên là người tham gia tố tụng mà thực ra là người dân ngồi dưới” - ông Lý nói.

Ông Đỗ Văn Đương (Ủy viên Ủy ban Tư pháp) cũng cho rằng trong tố tụng hành chính, tố tụng dân sự thì chỉ nên gọi rõ tên chức danh tư pháp như chánh án, thẩm phán, viện trưởng VKS, kiểm sát viên... gắn với chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cụ thể.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu lại không muốn sửa đổi. Dẫn Hiến pháp, ông Lưu khẳng định các chức năng, nhiệm vụ liên quan tới VKS không thay đổi, vẫn là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Vậy nên quy định trước đây thế nào, giờ nên giữ nguyên. Hơn nữa, vai trò của VKS thế nào thì còn ý kiến khác nhau, tức là chưa chín muồi, cần gác lại, nghiên cứu thêm.

Ý kiến của ông Lưu cũng là mong muốn của Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ông Bình phát biểu: “Theo luật hiện hành, VKS là cơ quan tiến hành tố tụng. Chúng tôi không thấy lý do gì để phải chuyển sang khái niệm mới theo cách gọi VKS là cơ quan kiểm sát cả”.

Trao đổi thêm với Pháp Luật TP.HCM sau buổi họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết: Các tranh luận này xuất phát từ lo ngại rằng nếu tiếp tục coi VKS là cơ quan tiến hành tố tụng thì phát biểu, ý kiến của đại diện VKS trong giải quyết vụ kiện hành chính, dân sự có thể gây “lệch cán cân” giữa các bên đương sự, làm sai lệch bản chất của “việc dân sự cốt ở đôi bên”. Theo bà Nga, do có những ý kiến khác nhau nên sẽ phải báo cáo với QH thành hai phương án để QH quyết định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm