Trình Quốc hội phê chuẩn 15 thẩm phán TAND Tối cao

Trước đây, thành viên HĐTP TAND Tối cao do Ủy ban Thường vụ QH phê chuẩn theo đề nghị của chánh án TAND Tối cao nhưng nay quyền này đã được chuyển lên QH. Theo quy trình, sau khi QH bỏ phiếu phê chuẩn thẩm phán TAND Tối cao, Chủ tịch nước sẽ ký lệnh bổ nhiệm thẩm phán TAND Tối cao trên cơ sở danh sách phê chuẩn của QH.

Danh sách ứng viên HĐTP TAND Tối cao nhiệm kỳ này gồm 15 người, trong đó có năm phó chánh án TAND Tối cao gồm các ông Bùi Ngọc Hòa, Nguyễn Sơn, Tống Anh Hào, Nguyễn Văn Thuân, Nguyễn Văn Hạnh. Bốn vị khác là thành viên HĐTP TAND Tối cao đương nhiệm gồm các ông Nguyễn Văn Du, Đặng Xuân Đào, Chu Xuân Minh, Trần Văn Cò. Ba vị chưa từng tham gia HĐTP TAND Tối cao nhưng là thẩm phán lâu năm, đang công tác tại TAND Tối cao gồm bà Lương Ngọc Trâm, hai ông Nguyễn Trí Tuệ, Lê Văn Minh. Đáng chú ý, có ba ứng viên hiện công tác ngoài ngành tòa án gồm bà Đào Thị Xuân Lan (Ủy viên chuyên trách Ủy ban Tư pháp), bà Nguyễn Thúy Hiền (Thứ trưởng Bộ Tư pháp), bà Nguyễn Thị Hoàng Anh (Đại sứ tại CHLB Đức). Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, bà Lan từng nhiều năm là thẩm phán với cương vị cao nhất trước khi chuyển sang QH là chánh Tòa Hành chính TAND Tối cao. Bà Hiền công tác lâu năm trong các lĩnh vực liên quan tới thi hành án, bổ trợ tư pháp. Còn bà Hoàng Anh là chuyên gia đầu ngành về công pháp quốc tế.

Theo Luật Tổ chức TAND 2014, ngoài các thẩm quyền truyền thống như giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị; ban hành các nghị quyết hướng dẫn ngành tòa án áp dụng pháp luật thống nhất... thì theo luật mới, HĐTP TAND Tối cao còn có chức năng phát triển án lệ. Theo đó, HĐTP lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của chính mình cũng như các bản án, quyết định có tính chuẩn mực trong ngành để tổng kết, phát triển thành án lệ, công bố để tòa án các cấp nghiên cứu vận dụng trong xét xử.

Ngoài ra, Luật Tố tụng hành chính 2010 và Luật Tố tụng dân sự sửa đổi năm 2011 còn trao cho HĐTP thẩm quyền xem xét lại quyết định giám đốc của chính mình khi bị phát hiện có vi phạm hay xuất hiện tình tiết mới. Thủ tục đặc biệt với “án đụng trần” này cũng đã được đưa vào dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi, đang được trình QH cho ý kiến tại kỳ họp này. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết từ khi thủ tục này xuất hiện đến nay, trong tố tụng dân sự và tố tụng hành chính chưa có vụ việc nào phải xét lại theo quy trình này.

Còn trong tố tụng hình sự, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật, trong đợt giám sát về oan sai vừa qua đã phát hiện vụ án liên quan đến tử tù Nguyễn Văn Chưởng dù đã qua phiên giám đốc thẩm của HĐTP nhưng có dấu hiệu xử sai nghiêm trọng. “Thủ tục đặc biệt trong tố tụng hình sự vẫn còn đang dự thảo nên chưa thể đưa ra HĐTP TAND Tối cao xem xét lại theo cách tố tụng dân sự, tố tụng hành chính được. Chúng tôi vẫn sẽ kiến nghị để TAND Tối cao tìm hướng tháo gỡ” - ông Luật cho biết.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm