VỤ "GIÁM ĐỊNH KHI THẾ NÀY, LÚC THẾ KHÁC"

Trưng cầu giám định tùm lum vì… quên luật

Trong đó, giám định lần đầu nạn nhân bị thương tật (tạm thời) 32%. Ba lần giám định sau đó kết quả lần lượt là 37%, 3% và 4%. Cơ quan điều tra TP Huế đã căn cứ vào kết quả giám định sau cùng (và đơn xin rút yêu cầu khởi tố của nạn nhân) để đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra bị can. Tuy nhiên, VKSND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã hủy quyết định đình chỉ, sau đó cơ quan tố tụng căn cứ vào kết quả giám định ban đầu để truy tố, xét xử bị cáo.

ý kiến cho rằng trường hợp này sử dụng kết quả giám định lần đầu để truy cứu hình sự bị cáo là đúng, có người lại cho rằng phải dùng kết quả giám định lần sau cùng để xem xét.

Theo quy định tại Điều 33 Pháp lệnh giám định tư pháp thì việc giám định lại (lần hai) chỉ được thực hiện trong trường hợp có nghi ngờ về kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc giám định lại lần hai do Hội đồng giám định thực hiện. Hội đồng giám định do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quản lý về lĩnh vực cần giám định quyết định thành lập. Hội đồng giám định gồm có ít nhất ba thành viên là những người có trình độ chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định. Trong trường hợp đã thực hiện giám định lại lần thứ hai thì không thực hiện giám định lại nữa, trừ trường hợp đặc biệt do viện trưởng VKSND Tối cao quyết định.

Về lý luận cũng như thực tiễn xét xử từ trước đến nay, việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi cố ý gây thương tích là lấy kết quả giám định tỉ lệ thương tật tạm thời. Nếu kết quả giám định vừa có tỉ lệ thương tật tạm thời, vừa có tỉ lệ thương tật vĩnh viễn thì cộng hai tỉ lệ thương tật đó với nhau làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Tuy nhiên, về trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì tòa án chỉ căn cứ vào tỉ lệ thương tật vĩnh viễn; nếu giữa bị cáo và người bị hại không thỏa thuận được mức bồi thường một lần thì trong bản án tòa án phải dành quyền khởi kiện cho người bị hại khi vết thương đã lành và có kết luận chính thức của hội đồng giám định y khoa.

Nếu kết quả giám định lần đầu, cơ quan tố tụng hoặc người tham gia tố tụng còn nghi ngờ thì phải yêu cầu giám định lại theo quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp chứ không được tùy tiện trưng cầu giám định.

Trở lại vụ án báo nêu, lần thứ nhất Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên-Huế có kết luận giám định nạn nhân bị thương tật 32% tạm thời. Nhưng sau đó cũng chính trung tâm pháp y này giám định lại và cho ra kết quả thương tích 37%. Rồi bốn tháng sau, cũng chính trung tâm pháp y này lại có kết luận giám định mới với thương tật chỉ có 3%. Rõ ràng việc Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên-Huế ba lần giám định cho ra ba kết quả khác nhau là vi phạm pháp luật. Về nguyên tắc, chỉ có kết quả giám định lần một là đúng pháp luật, còn hai lần sau vì vi phạm pháp luật nên không thể căn cứ vào kết quả giám định đó mà giải quyết vụ án được.

Việc Cơ quan CSĐT Công an TP Huế ra quyết định trưng cầu giám định của Viện Pháp y Quốc gia cũng không đúng với quy định của Pháp lệnh giám định vì Viện Pháp y Quốc gia không phải là cơ quan giám định lại. Nếu CSĐT Công an TP Huế nghi ngờ về kết quả giám định lần đầu của Trung tâm Pháp y tỉnh Thừa Thiên-Huế thì có thể trưng cầu giám định nhưng hội đồng giám định phải do bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ quản lý về lĩnh vực cần giám định quyết định thành lập thì mới hợp pháp.

Như vậy, trong một vụ án mà có tới bốn bản giám định thương tật là vi phạm nghiêm trọng tố tụng.

Vấn đề giám định tư pháp là vấn đề rất phức tạp, kéo dài nhiều năm gây khó khăn cho việc giải quyết vụ án của cơ quan tố tụng, nhất là đối với tòa án. Tuy nhiên, nếu thực hiện đúng các quy định của Pháp lệnh giám định tư pháp thì việc giải quyết vụ án sẽ bớt khó khăn hơn. Rất tiếc, hiện nay nhiều người tiến hành tố tụng không nắm chắc các quy định về giám định, cứ làm theo lối cũ, trưng cầu giám định tùm lum, không theo một nguyên tắc nào nên mới dẫn đến tranh cãi vô bổ.

Thiết nghĩ nhân sự việc này, các cơ quan tiến hành tố tụng ở trung ương cũng nên có một văn bản hướng dẫn để cấp dưới “ôn lại” kiến thức, tránh việc giải quyết vụ án kéo dài hoặc phải hủy đi hủy lại.

ThS ĐINH VĂN QUẾ,
nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm