Truy tố đại gia Cát Vàng ở Cà Mau ra tòa

Cùng bị truy tố tội này còn có hai đồng phạm khác là Đỗ Lý Dũng và Nguyễn Hữu Danh.

Theo hồ sơ, do cần vốn làm ăn nên Công ty Cát Vàng vay của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Chi nhánh Cà Mau 9 tỉ đồng. Trong việc này, Cát Vàng được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) Chi nhánh Minh Hải cấp chứng thư bảo lãnh. Đến hạn trả nợ cho BIDV Cà Mau theo hợp đồng nhưng Công ty Cát Vàng chưa trả nên bị ngân hàng chuyển thành nợ quá hạn và phạt lãi theo quy định.

Tháng 10-2013, BIDV Cà Mau khởi kiện Công ty Cát Vàng để thu hồi nợ và đã được TAND huyện Cái Nước xử sơ thẩm vào tháng 9-2014. Theo đó, tòa tuyên buộc Công ty Cát Vàng trả cho BIDV Cà Mau trên 13 tỉ đồng gồm vốn và lãi. Nếu Cát Vàng không thực hiện nghĩa vụ thì VDB Minh Hải có trách nhiệm bảo lãnh trả nợ.

Không đồng ý với phán quyết này, VDB Minh Hải kháng cáo và TAND tỉnh Cà Mau đã thụ lý theo trình tự phúc thẩm vào cuối năm 2014. Trong thời gian này, ông Dân đã trả thêm nợ gốc cho BIDV Cà Mau 300 triệu đồng. Trước đó, ông Dân cũng trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng này trên 3 tỉ đ ồng.

Tuy nhiên, sau đó các cơ quan tố tụng ở Cà Mau chuyển sang xử lý hình sự vì cho rằng hồ sơ Cát Vàng gửi VDB Minh Hải để được cấp chứng thư bảo lãnh là có sự gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngày 29-10-2015, ông Dân bị bắt tạm giam và mới đây, VKSND tỉnh Cà Mau đã ra cáo trạng truy tố ông Dân cùng hai thuộc cấp của ông. VKS cho rằng những người này có hành vi gian dối để chiếm đoạt 9 tỉ đồng của BIDV Cà Mau.

Bà Lâm Lệ Thu, vợ ông Dân, có đơn gửi các cơ quan tố tụng kêu oan cho chồng vì cho rằng đây chỉ là quan hệ dân sự. Trao đổi với PV, ông Hà Thanh Hùng, Chánh án TAND tỉnh Cà Mau, cho biết tòa này đã cử thẩm phán thụ lý xét xử vụ án hình sự này. Về đơn kêu oan của vợ ông Dân, Chánh án Hà Thanh Hùng nói theo nguyên tắc độc lập xét xử, tòa án và cả thẩm phán thụ lý không thể đưa ra quan điểm gì trước khi xét xử vụ án.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm