Thí điểm quản lý tiền lương đối với Viettel

Theo đó, người quản lý doanh nghiệp, người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng; người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người đại diện phần vốn của công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp tiếp tục xếp lương, phụ cấp hưởng theo thang lương, bảng lương và phụ cấp lương ban hành kèm theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14-12-2014 về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Người không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp thì thực hiện xếp lương theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 52/2016/NĐ-CP ngày 13-6-2016 của Chính phủ quy định tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với người quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Nghị định cho phép công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội được giao ổn định đơn giá tiền lương (tính theo chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí chưa có tiền lương) trong giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở đơn giá tiền lương thực hiện bình quân của giai đoạn 2011-2015 khi đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh được giao; nộp ngân sách Nhà nước theo quy định; mức tăng tiền lương bình quân phải thấp hơn mức tăng năng suất lao động bình quân và lợi nhuận thực hiện hằng năm phải cao hơn lợi nhuận thực hiện của năm trước liền kề ít nhất 3%.

Tiền lương của người quản lý doanh nghiệp được tính trong đơn giá tiền lương và quỹ tiền lương thực hiện của công ty mẹ - Tập đoàn Viễn thông Quân đội.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10-10-2016; các quy định nêu trên được thực hiện từ ngày 1-1-2016 đến hết ngày 31-12-2020.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm