Vẫn tranh luận chuyện ‘dùng tiền thoát án tử’

Sáng 22-9, Bộ Tư pháp đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị góp ý dự thảo báo cáo của Chính phủ về kết quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo BLHS (sửa đổi) khu vực phía Bắc.

Không ân giảm với người phạm tội tham ô?

Dự thảo quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh; tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Theo dự thảo, đa số ý kiến tán thành quy định trên vì hạn chế được hình phạt tử hình, góp phần thực hiện chủ trương của Nghị quyết 49 về giảm hình phạt tử hình. Quan điểm của những người ủng hộ cho rằng mục đích chính của quy định này nhằm tạo cho người bị kết án tử hình cơ hội cuối cùng để được sống nhưng phải có sự nỗ lực, tích cực chuộc tội bằng những hành động cụ thể. “Quy định này cũng tạo cơ hội để khắc phục sai lầm có thể xảy ra trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với người bị kết án tử hình. Những điều này sẽ không thực hiện được nếu án tử hình được thi hành” - dự thảo báo cáo nêu.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến đề nghị không áp dụng quy định này đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản. vì tham nhũng vẫn đang là quốc nạn và ở khía cạnh nào đó, việc áp dụng quy định này dễ dẫn đến cách hiểu là “dùng tiền để thoát án tử hình”.

Đa số ý kiến tán thành với phương án không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân. Ảnh: CTV

Bên cạnh đó, đa số ý kiến tán thành với phương án không xét giảm án đối với người bị kết án tử hình được ân giảm xuống tù chung thân (khoản 3 Điều 63 dự thảo). Những người theo quan điểm này cho rằng việc áp dụng tù chung thân không giảm án đã tạo cơ hội cho người bị kết án tử hình được tiếp tục sống, lao động, gặp gỡ người thân.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến đồng tình với phương án cho đối tượng này được xét giảm án nhưng thời gian chấp hành hình phạt để được xét giảm lần đầu phải là 20 năm và phải bảo đảm thời hạn thực tế chấp hành hình phạt là 25 năm hoặc 30 năm. Theo những người ủng hộ phương án này, nếu buộc phạm nhân phải sống phần đời còn lại trong tù cho đến khi chết thì mục đích, ý nghĩa của việc giáo dục, cải tạo họ tiếp theo sẽ không đạt được. Họ không còn cơ hội, động lực để phấn đấu, cải tạo tốt với hy vọng sẽ có một ngày được trở về đoàn tụ với gia đình.

“Đây là vấn đề còn có ý kiến khác nhau, do vậy Chính phủ đề xuất trình cả hai phương án để Quốc hội quyết định” - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nói.

Vận chuyển ma túy thuê: Không bị tử hình?

Theo ông Đinh Trung Tụng, đa số ý kiến tán thành phương án bỏ hình phạt tử hình đối với các tội danh cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh. Riêng đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với hành vi phạm tội vận chuyển, tàng trữ trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy thì còn có ý kiến phản đối.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Nguyễn Văn Chiến đồng tình với đề xuất bỏ tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy. Theo luật sư Chiến, nhiều người bị lôi kéo làm việc này có hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn. Họ không đáng chết nhưng vì luật đã quy định “cứng” nên tòa phải tuyên án tử hình. Vừa qua, TAND Tối cao đã ra hướng dẫn không kết án tử hình các trường hợp như số lượng ít, tiền công vận chuyển không nhiều, người có hoàn cảnh đặc biệt… nhưng các thẩm phán không dám áp dụng.

Tuy nhiên, một số đại biểu phản đối, cho rằng tội phạm về ma túy ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Thời gian gần đây, nhiều vụ vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng đặc biệt lớn đã bị phát hiện. Việc bỏ hình phạt tử hình đối với tội phạm này không phù hợp với thực tế diễn biến tội phạm về ma túy ở nước ta, không đáp ứng được yêu cầu của cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, tạo kẽ hở pháp lý để tội phạm lợi dụng hoạt động. Một đại biểu đến từ Hà Tĩnh - địa bàn “nóng” về loại tội phạm này - còn lo ngại sẽ có những trường hợp “chuyển hóa” từ tội mua bán trái phép chất ma túy sang tội vận chuyển trái phép chất ma túy để thoát án tử hình.

Theo ông Đinh Trung Tụng, Chính phủ sẽ đề nghị tiếp thu ý kiến cho giữ lại hình phạt tử hình đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy nhưng cần quy định thật chặt chẽ về điều kiện áp dụng. Cụ thể, sẽ chỉ áp dụng hình phạt tử hình đối với người chủ mưu, chỉ huy, cầm đầu, người vận chuyển chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm hoặc người hoạt động đắc lực trong đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng đặc biệt lớn hoặc xuyên quốc gia để loại trừ các trường hợp vận chuyển thuê như thời gian qua.

Nên bỏ tội cố ý làm trái

Liên quan đến đề xuất thay thế tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng bằng những tội danh cụ thể trong các lĩnh vực kinh tế, các ý kiến góp ý cũng chia thành hai quan điểm khác nhau.

Đa số ý kiến đồng tình với quy định tại dự thảo vì cho rằng việc “cụ thể hóa” này sẽ bảo đảm tính công khai, minh bạch của BLHS, tránh tùy tiện trong việc áp dụng BLHS để xử lý tội phạm, qua đó góp phần bảo vệ quyền con người, quyền công dân theo tinh thần Hiến pháp 2013. “Lâu nay, những người làm công tác thực thi pháp luật và cả người dân đều nghĩ đây là cái “túi càn khôn”, cái gì không xử lý được đều quy hết vào tội này để xử lý bằng được. Như vậy là không minh bạch. Nên bỏ đi để minh bạch hóa BLHS, thay thế bằng các tội cụ thể…” - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Nguyễn Văn Chiến nói.

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khác cho rằng chưa nên bỏ tội cố ý làm trái…, chỉ cần thu hẹp phạm vi tội này vì chúng ta không thể lường hết được các trường hợp xảy ra nên có thể dẫn đến tình trạng bỏ lọt tội phạm.

Ba triệu lượt ý kiến

Tính đến hết ngày 20-9-2015, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của 16 bộ, ngành, cơ quan trung ương; 39 tỉnh, TP trực thuộc trung ương; 20 cơ quan, tổ chức và 15 cá nhân.

Qua tổng hợp các báo cáo, ước tính có khoảng ba triệu lượt ý kiến của nhân dân tham gia góp ý về dự thảo BLHS (sửa đổi).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm