Vì con, sui gia dẫn nhau ra tòa

Ngày 17-3, TAND TP Cần Thơ bác kháng cáo của bà NTN, giữ nguyên bản án sơ thẩm của TAND huyện Thốt Nốt, buộc ông T. phải bồi thường cho bà N. gần 11 triệu đồng.

Sui gia mâu thuẫn vì con

Theo bà N. (nguyên đơn) trình bày, con gái bà kết hôn với con trai ông T. được khoảng 11 năm nay. Nhà bà, nhà ông T. và nhà con bà đều ở gần nhau tại phường Trung Nhứt (Thốt Nốt) nên khi con cái xảy ra cãi vã thì cả hai nhà đều biết. Vì mâu thuẫn của các con dẫn đến hai bên sui gia cũng ghét nhau, kéo dài không dứt.

Tháng 8-2014, vợ chồng con bà N. lại cãi nhau, giận nhau khiến hai bên sui gia cũng mâu thuẫn theo. Chiều 17-8-2014, bà N. trên đường về nhà thì gặp ông T. đang lùa vịt. Ông T. chửi bà là “đồ thú vật rừng”. Bà N. không trả lời mà tiếp tục đi về nhà. Khi ông T. đi ngang qua nhà bà vẫn tiếp tục chửi nên bà mới hỏi: “Ông làm gì mà chửi tôi hoài vậy?”. Bà thấy ông T. ngoắc tay kêu bà ra, bà tưởng ông kêu bà ra làm hòa, ai ngờ bà vừa ra thì ông đánh bà. Sau đó, người nhà phải đưa bà đi bệnh viện điều trị.

Ban đầu, bà N. làm đơn tố cáo ra Công an phường Trung Nhứt yêu cầu xử lý hình sự ông T. về hành vi cố ý gây thương tích. Sau khi xem xét, công an cho rằng bà N. chỉ bị bầm tím ngoài da, thương tích không đáng kể, hành vi của ông T. chưa thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm nên chỉ xử phạt hành chính ông T.

Sau đó, bà N. khởi kiện ra TAND huyện Thốt Nốt đòi ông T. phải bồi thường tổng cộng hơn 65 triệu đồng tiền nằm bệnh viện điều trị trong 28 ngày cùng các chi phí ăn uống, đi lại, thu nhập bị mất, tổn thất tinh thần.

Tòa chỉ chấp nhận một phần

Ra tòa, ông T. thừa nhận có đánh bà N. nên chấp nhận bồi thường nhưng mức bồi thường phải theo quy định của pháp luật. Theo ông T. và người làm chứng (em rể ông), chiều 17-8-2014, khi đang cùng em rể lùa vịt về thì ông chỉ nói phong long là “thấy mặt không muốn nhìn” chứ không chửi là “đồ thú vật rừng” như lời bà N. nói. Lúc đó ông cũng đã uống sương sương rồi. Bà N. đi ngang qua nghe được nên hai bên cự cãi. Khi ông đi ngang nhà bà N. thì bà xông ra gây chuyện, đánh ông trước nên hai bên mới xô xát…

Tháng 5-2015, TAND quận Thốt Nốt xử sơ thẩm đã buộc ông T. phải bồi thường cho bà N. gần 11 triệu đồng gồm tiền điều trị tại bệnh viện, tiền mất thu nhập thực tế của bà N. và người nuôi bệnh, tiền đền bù tổn thất tinh thần. Sau đó, bà N. kháng cáo.

Tại phiên xử phúc thẩm vừa qua, TAND TP Cần Thơ bác kháng cáo của bà N. vì cho rằng cấp sơ thẩm xử như trên là đã có lợi cho bà. Theo tòa, thực tế toa thuốc của bà tại bệnh viện không chỉ điều trị chấn thương phần mềm ngoài da mà còn cả những bệnh không liên quan đến việc bị đánh như cao huyết áp, đái tháo đường type 2… Mặt khác, cấp sơ thẩm chấp nhận tiền mất thu nhập thực tế của vợ chồng bà là 80.000-100.000 đồng/ngày để buộc ông T. bồi thường nhưng lại không lập luận đầy đủ, rõ ràng trong bản án. Tuy nhiên, do ông T. không kháng cáo nên tòa không xem xét phần này và giữ nguyên án sơ thẩm.

Kết thúc phiên tòa, ông T. cho biết: “Từ ngày đó đến giờ tôi đã bỏ rượu luôn rồi. Nói chung là tôi rất xấu hổ với hàng xóm nên tôi sẽ tu cái miệng, không để xảy ra chuyện gì với bả nữa”.

Đánh người, khi nào bị khởi tố?

Người cố ý đánh người khác nếu làm nạn nhân bị tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên sẽ bị khởi tố về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104 BLHS). Trong trường hợp tỉ lệ thương tật của nạn nhân dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau thì người đánh cũng bị khởi tố: Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người; gây cố tật nhẹ cho nạn nhân; phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người; đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ…

Trường hợp đánh người gây thương tích mà không đủ yếu tố để xử lý hình sự thì người đánh sẽ bị xử phạt hành chính theo Nghị định 167/2013 của Chính phủ (xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình). Cụ thể, điểm a khoản 2 Điều 5 nghị định này quy định phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi: Đánh nhau hoặc xúi giục người khác đánh nhau. Ngoài ra, về trách nhiệm dân sự, người đánh còn phải bồi thường thiệt hại cho người bị đánh.

Luật sư PHẠM MINH TÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

Vụ án ông Tô Hoài Dân: Phản cung toàn diện

(PLO)- Cả 3 bị cáo trong vụ án lừa đảo liên quan ông Tô Hoài Dân ở Cà Mau đều phản cung, cho rằng mình không có chiếm đoạt của Nhà nước 7,3 tỉ đồng như cáo buộc.