Vì là 'vợ chồng Ngâu' nên tình duyên dang dở...

Ông H. (sinh năm 1973, thường trú tại Vĩnh Long, tạm trú tại TP.HCM) và bà M. (sinh năm 1981, ngụ Vĩnh Long) kết hôn vào năm 2008 và có một con chung tám tuổi. TAND quận Bình Thạnh vừa chấp nhận cho hai ông bà ly hôn.

Theo bà M., khi cưới xong bà ở với cha mẹ chồng tại Vĩnh Long còn chồng thì làm việc và sinh sống tại TP.HCM, cuối tuần ông mới về thăm vợ con một lần. Việc này khiến bà cảm thấy không có tình yêu thương, chăm sóc của chồng. Vợ chồng bà vì vậy cũng thường xuyên xảy ra cãi vã.

Cũng theo bà M. chồng bà còn gian dối lấy tiền của bà. Cụ thể là vào khoảng tháng 4-2012, ông H. tới cơ quan nơi bà đang làm việc dùng danh nghĩa của bà để lừa gạt tiền của đồng nghiệp khiến bà phải tới cơ quan công an làm việc. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến bà nộp đơn xin ly hôn vào năm 2013.

Tuy nhiên, sau khi hòa giải, bà đã rút đơn với mong muốn tạo cơ hội hàn gắn tình cảm vợ chồng. Thế nhưng cuộc sống hôn nhân vẫn không được cải thiện khi hai vợ chồng vẫn sống ở hai nơi.

Đến tháng 8-2015, bà và con đã chuyển về nhà ngoại sống tại xã Phú Quới, huyện Long Hồ, Vĩnh Long và cho cháu đi học tại đây.

Ngày 26-8-2015, bà M. lại tiếp tục nộp đơn xin ly hôn tại TAND quận Bình Thạnh.

Ngày 28-6, TAND quận Bình Thạnh đã đưa vụ án ly hôn của hai ông bà ra xét xử.

Tại tòa, bà M. khai mâu thuẫn vợ chồng đã xảy ra từ lâu, đây là lần thứ hai bà xin ly hôn với chồng vì nhận thấy cuộc sống hôn nhân với ông H. không còn ý nghĩa.

Theo bà, vào tháng 4-2016, ông H. tự ý rút học bạ của con đang học tại xã Phú Quới, huyện Long Hồ, Vĩnh Long khiến suốt một năm qua con đi học tại xã Phú Quới nhưng không có học bạ làm ảnh hưởng đến quyền lợi của con.

Bà đã nhiều lần yêu cầu ông trả lại học bạ nhưng ông không đồng ý và liên tục làm đơn khiếu nại đến nhà trường, UBND để cản trở việc học của trẻ. Vì thế, bà M. mong muốn HĐXX giải quyết nhanh chóng việc ly hôn để con bà ổn định việc đi học.

Ngược lại, chồng bà - ông H. lại cho rằng mâu thuẫn giữa vợ chồng không trầm trọng, mâu thuẫn vợ chồng chỉ mới phát sinh từ tháng 8-2016. Việc vợ ông nộp đơn xin ly hôn vào năm 2013 không phải do hai vợ chồng mâu thuẫn mà do mẹ vợ ông tác động. Theo ông H., mẹ vợ ông là người mê tín dị đoan, cho rằng vợ ông phải có hai đời chồng nên xúi giục vợ ông ly hôn.

Hiện nay, do bà M. không chịu gặp ông và ông không liên lạc được với bà chứ ông H. nhận thấy tình cảm vợ chồng vẫn bình thường, ông vẫn yêu thương bà M. nên không đồng ý ly hôn.

Ông H. khai rằng ông bị gia đình vợ cản trở trong việc thăm con, mỗi lần ông từ Sài Gòn chạy về Vĩnh Long thăm con đều bị gia đình vợ làm khó dễ, dẫn con đi trốn và không cho dắt con đi chơi. Việc ông rút học bạ của con với mong muốn nhập học cho con tại TP.HCM để bảo đảm quyền lợi cho con hơn. Vì theo ông H.. khi ông tới trường nơi con ông đang học xin xác nhận rằng con ông đang học ở đó thì trường học cho hay chỉ đang “học chơi” nên không xác nhận. Và nếu tòa chấp nhận yêu cầu ly hôn của bà M., ông H. mong muốn được nuôi con.

Những ý kiến này của ông H. đều bị vợ phản bác hết.

Bà M. còn cho rằng vì ông H. không chịu trả học bạ cho con, khiến con đã học tới lớp 2 mà vẫn không có học bạ…

Sau thời gian nghị án, HĐXX nhận thấy hôn nhân giữa bà M. và ông H. phát sinh nhiều mâu thuẫn, từ tháng 8-2015 hai vợ chồng đã sống ly thân, tình cảm vợ chồng không còn nên chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của bà M.

Về phía con chung, HĐXX nhận định hiện nay trẻ đang sinh sống với mẹ và đã ổn định việc học tập, để tránh làm thay đổi cuộc sống và tâm sinh lý của trẻ nên tiếp tục giao trẻ cho bà M. chăm sóc, nuôi dưỡng.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...