Vì sao hoa hậu Phương Nga im lặng trước tòa?

Ngày 22-6, TAND TP.HCM mở lại phiên sơ thẩm xử vụ Trương Hồ Phương Nga (sinh năm 1987, ngụ Hà Nội, hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) và Nguyễn Đức Thùy Dung (sinh năm 1987, ngụ TP.HCM) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ án gây chú ý vì sau thời gian im lặng, khi ra tòa lần trước, hoa hậu Phương Nga đã khai về hợp đồng tình ái giữa cô và Cao Toàn Mỹ - người bị hại trong vụ án.

Bị cáo Phương Nga kiệm lời trước tòa

Ngay phần xét hỏi, bị cáo Nga đã xin chủ tọa được dùng quyền im lặng và giữ nguyên lời khai như phiên tòa ngày 21-9-2016 và không trình bày thêm.

Chủ tọa hỏi lý do thì bị cáo Nga xin phép không trình bày lý do. Thẩm phán công bố lại lời khai của đồng phạm Dung trước đó (cách ly với bị cáo khi xét hỏi - PV). Nghe xong, Nga cũng xác định không ý kiến và không trình bày gì thêm. Nga nhấn mạnh với HĐXX việc thực hiện quyền im lặng là do chủ ý của bị cáo và không bị ép buộc gì.

Trước những câu hỏi của công tố viên, bị cáo Nga đáp khá sắc để vẫn giữ quyền im lặng. Bị cáo Nga nói: “Bị cáo sẽ không trả lời bất kỳ câu hỏi nào của VKS ngày hôm nay. Bị cáo không tin tưởng VKS, không tin tưởng cơ quan điều tra…”; “không phải bị cáo không hợp tác mà bị cáo giữ quyền im lặng”.

Công tố viên nói: “Bị cáo có cho rằng mình im lặng sẽ bất lợi?”. Phương Nga đáp: “Bị cáo chấp nhận. Bị cáo không tin tưởng vào bất cứ ai vì bị cáo bị uy hiếp, ép buộc khai như thế này, khai như thế kia. Trước một tuần khi phiên tòa này mở ra, bị cáo mới đồng ý cho luật sư Nguyễn Văn Dũ ghi lời khai của mình”.

Nhiều lần cách lập luận của bị cáo này khiến cả phòng xử ồ lên. Khi VKS hỏi bị cáo Nga về các lời khai của người liên quan tại tòa, Nga không ý kiến và nói với công tố: “Sự im lặng không có nghĩa là nhận tội hay không nhận tội, sự im lặng chỉ là sự im lặng”. Đồng thời, Nga cũng nói mình “không có nghĩa vụ chứng minh mình vô tội, bị oan. Nghĩa vụ chứng minh tội phạm là trách nhiệm của các cơ quan tố tụng. Và với những bằng chứng ngụy tạo trong vụ án thì không thể kết tội bị cáo”.

Bị cáo Phương Nga và bị cáo Dung tại tòa. Ảnh: HOÀNG YẾN

“Số tiền này Nga quan hệ tình cảm vất vả mà có”

Quá trình xét hỏi, đôi lần chủ tọa nhắc bị cáo: “Nếu bản chất vụ án không như quá trình điều tra thì bị cáo phải trình bày để cơ quan tố tụng xác định sự thật vụ án”. Bị cáo Nga vẫn tiếp tục xin im lặng.

Tuy nhiên, bị cáo Nga có trình bày kịch bản mua bán nhà xuất hiện sau khi bị cáo bị ép viết giấy nợ tại quán karaoke và trước khi bị bắt. Theo đó, các giấy tờ này được bà Nguyễn Mai Phương hướng dẫn làm sau khi Cao Toàn Mỹ tố cáo Nga lần đầu tiên. Sau khi làm các giấy tờ trên, bà Phương nói sẽ đem nộp cho cơ quan điều tra nhưng sau đó các giấy tờ này lại do ông Cao Toàn Mỹ nộp cho cơ quan điều tra.

Còn bị cáo Dung trước đó khai rằng tháng 4-2012 Phương Nga kể cho bị cáo này nghe có quan hệ tình cảm yêu đương với ông Mỹ. Sau đó bị cáo có nghe Nga nói Mỹ yêu Nga và muốn giúp Nga số vốn kinh doanh làm spa, bớt thời gian làm việc ở ngoài, dành thời gian cho Mỹ nhiều hơn. Bị cáo có cho Nga mượn tài khoản để Mỹ chuyển tiền, vì Nga sợ người khác biết mối quan hệ với Mỹ do anh này đã có gia đình. Dung cũng khai “không tư lợi số tiền Mỹ chuyển vào tài khoản của bị cáo cho Nga, vì bị cáo biết số tiền này Nga quan hệ tình cảm vất vả mà có”.

Bị cáo Dung nói thời gian bị tạm giam cô bị áp lực rất nhiều. Bà Phương cũng nhiều lần tác động yêu cầu bị cáo không khai quan hệ tình cảm giữa Mỹ và Nga. Và theo Dung, ban đầu Nga và Dung rất tin vào kịch bản của bà Phương bày ra giúp mình.

Ông Mỹ lý giải gì về sự bất nhất?

Về phía người bị hại - ông Cao Toàn Mỹ thì phủ nhận quan hệ yêu đương với Nga. Ông Mỹ khai rằng ban đầu tố cáo Nga mượn 16,5 tỉ đồng mở spa nhưng không trả. Tuy nhiên, sau đó do Nga tố ngược lại nên ông Mỹ đã làm đơn tố cáo Nga và Dung lừa đảo mua bán nhà.

Tòa hỏi ông về các tài liệu được tung lên mạng nói về mối quan hệ tình cảm với Phương Nga, ông Mỹ nói ông không liên quan gì vì ông không dùng địa chỉ mail này. Về số lần xuất nhập cảnh thông tin trên mạng, ông Mỹ nói: “17 lần là bao gồm xuất và nhập cảnh nhưng đây là những lần đi công tác chung và có lúc tôi đi phù hợp với việc Phương Nga đi mua sắm. Phương Nga đi cùng bạn trai chứ không phải đi riêng với tôi”.

Nghe lời khai của Cao Toàn Mỹ, bị cáo Phương Nga cũng không có ý kiến gì.

Khi được hỏi về việc quen biết dẫn đến nhờ Nga mua nhà, Mỹ khai quen biết Nga vào năm 2009-2010 khi cô tham gia tuyển dụng vào một công ty. Hai bên có giúp đỡ nhau trong cuộc sống nhưng sau này phát sinh mâu thuẫn nên không còn qua lại. Nhưng ông có nhờ Nga mua căn nhà và hai bên có ký hợp đồng về việc nhờ này.

Chủ tọa hỏi ông Mỹ lý giải tại sao số tiền này không khớp với số lần chuyển tiền, ông Mỹ giải thích cũng không rõ hơn. Sau đó người này cho là tổng số tiền thì đúng, chỉ là nhầm lẫn số tiền trong mỗi lần chuyển.

Về các đơn tố cáo, ông Mỹ khai đơn tố cáo đầu do bản thân ông làm đơn. Chủ tọa hỏi có khi nào ông Mỹ khai với cơ quan điều tra là đơn này do người khác làm không và dẫn chứng đã từng khai người khác làm. Ông Mỹ lúng túng, lát sau ông vẫn khẳng định chính mình trực tiếp làm đơn.

Chủ tọa cũng thẩm tra ông Mỹ về các chứng cứ còn mâu thuẫn trong hồ sơ, như nội dung những tố cáo có thay đổi từ vay mượn tiền mở spa không trả sang lừa đảo thông qua giao dịch mua bán nhà. Ông Mỹ khai do ban đầu không muốn làm căng thẳng nhưng khi nghe tin Phương Nga tố cáo ngược lại mình nên ông Mỹ đã thay đổi nội dung tố cáo “đúng với bản chất sự việc”.

Hôm nay (23-6), tòa tiếp tục phần xét hỏi.

Nam nói lừa đảo, nữ bảo hợp đồng tình cảm

VKS cáo buộc Phương Nga quen ông Cao Toàn Mỹ, làm MC miễn phí trong một số sự kiện tại công ty của ông và bảo lãnh cho bạn mượn tiền của ông Mỹ. Đầu năm 2012 Nga nói với ông Mỹ mình có nhiều mối quan hệ tốt, uy tín với bạn bè trong giới địa ốc nên mua được nhà giá rẻ hơn thị trường. Nga giới thiệu cho ông lần lượt mua ba căn nhà ở đường Hùng Vương (quận 5), đường Trần Não (quận 2) và nhà số 7 Nguyễn Trãi (phường Bến Thành, quận 1).

Ông Mỹ đồng ý mua nhà và đã chuyển tiền cho Nga bằng hình thức chuyển khoản qua tài khoản do Dung đứng tên và giao tiền tại nhà có ghi biên nhận. Khi giao đủ 16,5 tỉ đồng nhưng không nhận được nhà như thỏa thuận, ông Mỹ làm đơn tố cáo Nga và Dung. Để đối phó, Nga và Dung bàn với nhau làm một hợp đồng giao dịch dân sự mua bán nhà không thành, đã trả lại tiền cho người mua. Đồng thời, Nga thuê người đe dọa ông Mỹ để ông rút đơn tố cáo…

Còn Nga trong quá trình điều tra thì im lặng, cho đến phiên xử tháng 9-2016 thì bị cáo này khai có mối quan hệ tình cảm với ông Mỹ. Số tiền 16,5 tỉ đồng là để thực hiện “hợp đồng tình cảm” giữa hai bên trong bảy năm chứ không phải lừa đảo.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...