Vì sao nhà mạng thắng vụ đòi khách hơn 1 tỉ đồng?

Mới đây, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) kiện bà Sỹ Truyền Hoàng Ngân đòi hơn 1 tỉ đồng cước điện thoạiPháp Luật TP.HCM từng thông tin. Trái ngược với cấp sơ thẩm, tòa phúc thẩm đã tuyên VNPT thắng kiện khách hàng.

Tòa phúc thẩm: Hợp đồng có hiệu lực

Theo tòa phúc thẩm, hợp đồng mà hai bên ký kết đúng quy định pháp luật nên có hiệu lực thi hành.

Tòa phúc thẩm phân tích: Theo giải thích của phía VNPT, chữ “mở QT” ghi trong hợp đồng là mở dịch vụ cuộc gọi quốc tế, chữ “+RM” là cộng thêm dịch vụ roaming. Bà Ngân cũng thừa nhận đây là yêu cầu mở dịch vụ gọi chuyển vùng quốc tế, cho thấy ý chí của bị đơn là yêu cầu nhà mạng cung cấp dịch vụ gọi quốc tế cùng dịch vụ gọi chuyển vùng quốc tế và được đáp ứng.

Theo kết quả giám định, số thuê bao của bà Ngân được đăng ký dịch vụ chuyển tiếp cuộc gọi. Khi sử dụng dịch vụ chuyển tiếp cuộc gọi, thuê bao của bà Ngân đã nhận được nhiều cuộc gọi trong cùng một thời gian, tổng đài đã chuyển tiếp các cuộc gọi này đến một tổng đài khác và các thuê bao khác.

Tổng đài ghi nhận lưu lượng và tính cước đối với thuê bao của bà Ngân là chính xác. Toàn bộ 4.380 cuộc gọi trưng cầu giám định chính xác và được ghi nhận trên toàn bộ dữ liệu cước gốc của các tổng đài. Bà Ngân không đồng ý với kết quả giám định nhưng không đưa ra chứng cứ chứng minh kết quả giám định không chính xác hoặc nội dung kết luận không đầy đủ nên tòa không tiến hành giám định bổ sung hoặc giám định lại.

Cước phát sinh từ dịch vụ gọi quốc tế

Theo tòa phúc thẩm, tòa sơ thẩm đi sâu vào phân tích dịch vụ roaming được đăng ký nhưng nhà mạng không giải thích rõ cho bà Ngân, từ đó loại trừ trách nhiệm của bà Ngân khi sử dụng dịch vụ gọi quốc tế. Tuy nhiên, tòa sơ thẩm không làm rõ hai loại dịch vụ khác nhau đã được đăng ký đó là dịch vụ gọi quốc tế (viết tắt là “mở QT”) và dịch vụ roaming (viết tắt là “mở RM”), được liên kết với nhau bởi dấu “+”. Đáng lưu ý, cước phát sinh trong vụ án này không phải phát sinh từ dịch vụ mở roaming mà phát sinh từ dịch vụ gọi quốc tế.

Trong khi đó, dịch vụ chuyển cuộc gọi được mở cùng với dịch vụ cuộc gọi. Trong trường hợp thuê bao sử dụng dịch vụ gọi trong nước thì sẽ thực hiện chuyển trong nước, còn khi đăng ký dịch vụ gọi quốc tế thì sẽ thực hiện chuyển quốc tế. Dịch vụ chuyển cuộc gọi không cần yêu cầu hay đăng ký mà được cung cấp bởi tất cả mạng điện thoại trong nước cũng như hầu hết mạng điện thoại trên thế giới. Tuy nhiên, không phải mọi cuộc gọi đến đều được thực hiện chuyển cuộc gọi mà người sử dụng cần phải cài đặt một số mã tương ứng. Cách thực hiện được hướng dẫn phổ biến trên các phương tiện truyền thông.

Theo tòa phúc thẩm, ngay cả trong trường hợp bà Ngân không đăng ký dịch vụ roaming, chỉ đăng ký dịch vụ gọi quốc tế thì cước chuyển cuộc gọi quốc tế vẫn phát sinh khi sử dụng. Khi đăng ký dịch vụ gọi quốc tế, người sử dụng phải biết và phải chịu trách nhiệm về cước chuyển cuộc gọi quốc tế phát sinh khi sử dụng.

Số tiền bà Ngân ký quỹ 5 triệu đồng là thực hiện đảm bảo cho dịch vụ roaming. Do vậy, việc tòa sơ thẩm giải thích 5 triệu đồng ký quỹ là ngưỡng quốc tế là không có cơ sở. Tòa sơ thẩm cho rằng hợp đồng có nội dung không rõ ràng, các bên không thống nhất với nhau về việc giải thích nội dung hợp đồng để áp dụng giải thích hợp đồng có lợi cho bên yếu thế là không có căn cứ.

Từ đó, tòa phúc thẩm đã tuyên buộc bà Ngân phải trả tiền cho VNPT.

Sáu ngày, cước điện thoại hơn 1 tỉ đồng

Tháng 7-2013, bà Ngân ký hợp đồng với VNPT và được cung cấp một SIM điện thoại trả sau. Ngoài gọi trong nước, bà còn được gọi chuyển vùng quốc tế đối với các máy điện thoại khác, không bị giới hạn bởi vị trí của máy gọi, vị trí máy nhận cuộc gọi, loại máy. Bà Ngân đóng tiền ký quỹ 5 triệu đồng, nếu không sử dụng dịch vụ thì được nhận lại tiền.

Sau đó, nhà mạng phát hiện từ ngày 1 đến 6-7-2013 (sáu ngày), số điện thoại này đã sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế làm phát sinh cước hơn 1 tỉ đồng. Nhà mạng ngừng cung cấp dịch vụ, thông báo yêu cầu thanh toán cước nhưng bà Ngân không thanh toán nên khởi kiện.

Theo bà Ngân, bà từng cho một người Pakistan sử dụng SIM điện thoại này. Sau đó bà không liên lạc được, cũng không biết người này ở đâu nên đã yêu cầu công an làm rõ. Bà Ngân cho rằng mình chỉ đăng ký sử dụng dịch vụ chuyển vùng quốc tế trong trường hợp thuê bao ở nước ngoài. Hợp đồng giao kết không có thỏa thuận về việc gọi quốc tế không bị giới hạn bởi vị trí máy gọi, máy nhận. Nhân viên giao dịch giải thích về số tiền ký quỹ 5 triệu đồng rằng nếu cước phí quá số tiền này thì sẽ bị chặn cuộc gọi. Trong hợp đồng, giao dịch viên ghi thêm chữ “ngưỡng 500” và giải thích là ngưỡng cuộc gọi trong nước một tháng không quá 500.000 đồng.

Tháng 9-2014, TAND quận 11 xử sơ thẩm nhận định hợp đồng ký kết có nội dung không rõ ràng, các bên không thống nhất được về cách giải thích hợp đồng, không có chứng cứ chứng minh nguyên đơn đã giải thích rõ ràng cho bị đơn về những nội dung viết tắt trong hợp đồng. Theo đó, trong trường hợp bên mạnh thế đưa vào nội dung bất lợi cho bên yếu thế thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên yếu thế… nên bác yêu cầu khởi kiện của VNPT.

Vắng đại diện VKS cũng không vi phạm

Tại phiên phúc thẩm, đại diện VKSND TP.HCM đề nghị hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì nguyên đơn là doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước nhưng đại diện VKSND quận 11 không tham gia phiên tòa sơ thẩm là vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Mặt khác, tòa trưng cầu Bộ TT&TT giám định là không đảm bảo được tính khách quan vì Bộ là cơ quan chủ quản của nguyên đơn.

Theo tòa phúc thẩm, trường hợp DN nhà nước góp vốn trong các DN liên doanh có vốn đầu tư theo Luật DN, Luật Đầu tư thì DN được tự chủ chiếm hữu, sử dụng tài sản và chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với tài sản trong sản xuất, kinh doanh. Khi có yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với tài sản đó, tòa tiến hành hòa giải để các bên thỏa thuận về việc giải quyết vụ án theo thủ tục chung. Do đó, tòa sơ thẩm đã thực hiện tống đạt hợp lệ đến lần thứ hai cho VKSND quận 11 và xét xử vắng mặt đại diện VKS là đúng quy định.

Cạnh đó, tòa phúc thẩm cho rằng việc giám định đã được thực hiện theo đúng quy định của Luật Giám định tư pháp 2012, Thông tư 24/2013 của Bộ TT&TT ngoài chức năng quản lý nhà nước, các dịch vụ trong các ngành thuộc phạm vi quản lý, bộ này còn thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực thông tin truyền thông, có thẩm quyền giám định tư pháp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm