Viện không nghe tòa thì tòa nghe viện

TAND huyện Củ Chi, TP.HCM vừa đưa ra xét xử và tuyên án vụ ông Trần Anh Tuấn (ngụ xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi) sau hơn hai năm thụ lý giải quyết. Tòa đã tuyên phạt ông Tuấn sáu năm tám tháng 16 ngày tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, các cơ quan tố tụng huyện Củ Chi có quan điểm khác nhau về tội danh.

Nhận tiền của dân nhưng không nộp

Theo hồ sơ, ông Tuấn là tổ trưởng Tổ cán sự xã hội tình nguyện xã Tân Thạnh Đông, có hưởng lương hằng tháng. Tháng 8-2012, UBND xã Tân Thạnh Đông ký hợp đồng với Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Củ Chi làm đại lý thu mua BHYT. Ông Tuấn được xã giao làm đại diện để giao dịch với BHXH huyện.

Từ tháng 5 đến tháng 7-2014, ông Tuấn thu tiền mua BHYT tự nguyện của người dân với tổng số tiền hơn 222 triệu đồng nhưng không nộp về BHXH huyện để làm thẻ BHYT cho người dân. Ngày 15-7-2014, UBND xã thông báo đình chỉ công tác ông Tuấn, giao công an xã lập hồ sơ chuyển công an huyện xử lý.

Tháng 11-2014, Cơ quan CSĐT Công an huyện Củ Chi khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Tuấn để điều tra về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

UBND xã đã ứng tiền ngân sách để mua BHYT tự nguyện cho người dân đã nộp tiền mà chưa có thẻ. Quá trình điều tra, ông Tuấn đã khắc phục hậu quả cho xã gần 109 triệu đồng.

VKSND huyện Củ Chi cho rằng ông Tuấn đã có hành vi lợi dụng lòng tin của xã trong việc được giao nhiệm vụ để chiếm đoạt tiền người dân nộp cho xã làm thẻ BHYT tự nguyện. Vì vậy, Viện truy tố ông tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo điểm a khoản 3 Điều 140 BLHS (khung hình phạt 7-15 năm tù).

Tòa nghe theo lập luận của VKS

Ngày 8-7-2016, TAND huyện Củ Chi đưa vụ án ra xét xử. Sau phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhằm làm rõ hành vi của ông Tuấn vì cho rằng hành vi của ông có dấu hiệu phạm tội tham ô tài sản.

Tòa cho rằng ông Tuấn là người được giao làm đại diện để làm đại lý thu tiền mua BHYT tự nguyện của người dân, nộp cho BHXH huyện rồi nhận thẻ BHYT giao lại cho người dân nhưng ông đã không làm. Điều này có nghĩa là ông Tuấn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản mà mình có trách nhiệm quản lý… Nếu bị truy tố tội tham ô với mức thiệt hại trên 200 triệu đồng như trường hợp này thì vụ án của ông Tuấn sẽ do cơ quan tố tụng cấp TP giải quyết.

Sau đó, VKS có quan điểm cho rằng BHXH huyện ký hợp đồng với UBND xã làm đại lý, xã được hưởng huê hồng từ BHXH. Theo hợp đồng đại lý, ông Tuấn được cử kiêm nhiệm đại diện để giao dịch với BHXH. Trong quá trình giao nhiệm vụ, UBND xã không có quyết định cụ thể mà chỉ phân công và thực hiện theo hợp đồng đại lý đã ký. Cơ quan BHXH cũng cho biết là cơ quan này chỉ ký hợp đồng đại lý với phó chủ tịch xã, xã cử người đại diện là ông Tuấn.

Theo VKS, quá trình thực hiện, người dân đến xã nộp tiền cho ông Tuấn, ông có viết phiếu thu, ký nhận tiền nhưng phiếu thu này ông Tuấn tự ghi để theo dõi rồi lập danh sách trình xã ký tên, đóng dấu. Ông Tuấn trực tiếp liên hệ BHXH để nộp tiền và nhận thẻ BHYT giao cho người dân. Lợi dụng nhiệm vụ được giao, sau khi đã thu tiền của người dân, ông Tuấn chiếm đoạt tiêu xài, lấy tiền người sau để mua thẻ cho người trước...

Như vậy, việc mua BHYT tự nguyện được thực hiện thông qua các thủ tục của UBND xã và BHXH huyện. Mặc dù là hợp đồng đại lý nhưng xã đã cử ông Tuấn làm đại diện. Thực tế, theo quy trình làm đại lý thì ông Tuấn là người chịu trách nhiệm thu hồi rồi chuyển cho BHXH để mua thẻ BHYT cho người dân. UBND xã không quản lý số tiền này nên không thể coi là tham ô tài sản. Ông Tuấn đã lợi dụng lòng tin của xã để chiếm đoạt tiền, gây thiệt hại cho xã...

Sau cùng, tại phiên tòa cuối tháng 4 vừa qua, TAND huyện Củ Chi đã chấp nhận quan điểm của VKS cùng cấp, tuyên bố ông Tuấn phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm