VỤ “KHI VIỆN TRƯỞNG LÀ CỘT CHÈO VỚI BỊ HẠI”

VKS tỉnh nên rút hồ sơ lên để xử lý

Báo Pháp Luật TP.HCMsố ra hôm qua (10-11) có bài Khi viện trưởng là cột chèo với bị hại” phản ánh một bị can đề nghị thay đổi viện trưởng VKSND thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Lý do bị can này đưa ra là ông viện trưởng là anh em cột chèo với người bị hại.

Không thân thích nhưng có thể không vô tư, khách quan

Tại Điểm e Điều 4 BLTTHS năm 2015 (Giải thích từ ngữ) cũng chỉ nói: “Người thân thích của người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng là người có quan hệ với người tham gia tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm vợ, chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, bố nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; cụ nội, cụ ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột” (chấm hết).

Như vậy, anh em cột chèo thì không phải là người thân thích theo quy định của BLTTHS.

Tuy nhiên, tại Điều 14 BLTTHS năm 2003 quy định: “Thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra (CQĐT), điều tra viên, viện trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát, kiểm sát viên, chánh án, phó chánh án tòa án, thẩm phán, hội thẩm, thư ký tòa án không được tiến hành tố tụng hoặc người phiên dịch, người giám định không được tham gia tố tụng, nếu có lý do xác đáng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình”.

Điều 21 BLTTHS năm 2015 cũng quy định: “Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người phiên dịch, người dịch thuật, người giám định, người định giá tài sản, người chứng kiến không được tham gia tố tụng nếu có lý do cho rằng họ có thể không vô tư trong khi thực hiện nhiệm vụ”.

Như vậy, pháp luật về tố tụng nói chung, tố tụng hình sự nói riêng đều có những quy định nhằm bảo đảm sự vô tư của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng.

Thực tiễn xét xử cũng đã có một số trường hợp, tuy người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng không phải là người thân thích nhưng rõ ràng nếu để họ tiến hành tố tụng thì không bảo đảm sự vô tư, khách quan (như bị cáo là đồng đội cũ cùng tiểu đội với thẩm phán; kiểm sát viên là chị em kết nghĩa với người bị hại…).

"Người" hay "cơ quan tiến hành tố tụng"?

Đã có nhiều chuyên gia cho rằng việc nhà làm luật quy định thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT; viện trưởng, phó viện trưởng viện kiểm sát; chánh án, phó chánh án tòa án là người tiến hành tố tụng là chưa chính xác. Bởi những người này khi thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình họ nhân danh cơ quan tiến hành tố tụng chứ không nhân danh người tiến hành tố tụng. Vì vậy, không có chuyện họ bị thay đổi, trừ trường hợp họ trực tiếp điều tra, kiểm sát điều tra, ngồi ghế công tố, là thành viên HĐXX thì họ mới nhân danh người tiến hành tố tụng.

Tuy nhiên, ý kiến này cho đến BLTTHS 2015 vẫn không được chấp thuận và vẫn quy định họ là người tiến hành tố tụng.

Cho dù họ vẫn được pháp luật quy định là người tiến hành tố tụng thì dù có nhân danh cơ quan tiến hành tố tụng hay nhân danh người tiến hành tố tụng thì yêu cầu tối thượng là họ phải vô tư, khách quan. Nếu có lý do chính đáng để cho rằng họ không vô tư, khách quan thì họ phải “tránh sang một bên” để người khác thực hiện nhiệm vụ.

VKS thị xã không nên “ôm” hồ sơ vụ án

Trở lại vụ án báo nêu, dù ông viện trưởng VKSND thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa có nói gì đi nữa thì rõ ràng khi thực hiện nhiệm vụ cũng không thể vô tư, khách quan. Nhất là trường hợp cụ thể này, khi đã có đơn khiếu nại của người tham gia tố tụng về sự không khách quan của ông.

Có thể, để bảo đảm sự “vô tư, khách quan” nên ông viện trưởng đã giao cho phó viện trưởng ký bản cáo trạng nhưng dư luận cũng khó có thể tin rằng ông không có những chỉ đạo theo ý chủ quan của mình.

Thực tiễn cho thấy gặp những trường hợp tương tự, VKS cấp trên, mà cụ thể trong vụ án này là VKSND tỉnh Khánh Hòa, nên rút hồ sơ vụ án lên để thực hành quyền công tố và kiểm sát việc điều tra, truy tố, xét xử. Sau khi đã kết thúc điều tra thì ra cáo trạng và ủy quyền cho một kiểm sát viên VKSND thị xã Ninh Hòa, thậm chí cử một kiểm sát viên ở VKS đơn vị khác trong tỉnh đến VKSND thị xã Ninh Hòa thực hiện quyền công tố.

VKSND thị xã Ninh Hòa, nhất là ông viện trưởng, không nên cứng nhắc chỉ căn cứ vào quy định của BLTTHS rồi “ôm” vụ án để ra cáo trạng và thực hành quyền công tố, dẫn đến khiếu nại và dư luận không tốt.

Đó là chưa nói trong vụ này, giữa CQĐT Công an thị xã Ninh Hòa và VKS cùng cấp đã không thống nhất trong chủ trương xử lý vụ án (trong đó VKS theo hướng bất lợi cho bị can và có lợi cho người thân của người bị hại - là anh em cột chèo của viện trưởng). Vì thế, VKSND thị xã Ninh Hòa càng nên “tránh” để không chỉ người tham gia tố tụng mà cả dư luận khỏi cho rằng VKS và ông viện trưởng không vô tư, khách quan.

Hy vọng VKSND tỉnh Khánh Hòa nên vào cuộc để vụ án được giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tại sao bị can yêu cầu thay viện trưởng?

Theo hồ sơ, Nguyễn Phúc Thi cùng anh ruột và một người bạn có xô xát, đánh nhau với anh em ông Võ Văn Hậu, Võ Văn Lành ở phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa. Trung tâm Pháp y tỉnh Khánh Hòa kết luận tỉ lệ thương tích của ông Hậu là 30%. CQĐT Công an thị xã Ninh Hòa khởi tố, bắt giam Thi cùng anh trai và người bạn về tội cố ý gây thương tích.

Sau đó, CQĐT ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, đình chỉ điều tra cả ba bị can vì cho rằng kết luận giám định không khách quan. Tuy nhiên, VKS cùng cấp không đồng tình nên hủy bỏ các quyết định đình chỉ và đề nghị phục hồi điều tra. Khi phục hồi điều tra, CQĐT ra quyết định khởi tố ông Lành, em ông Hậu, nhưng VKS không phê chuẩn mà yêu cầu CQĐT hủy bỏ quyết định khởi tố này…

Anh Thi cho rằng ông viện trưởng VKSND thị xã Ninh Hòa là anh em cột chèo với ông Hậu nên ông này không vô tư, khách quan khi xử lý vụ án. Từ đó, anh Thi nhiều lần có đơn yêu cầu thay đổi viện trưởng nhưng không được chấp nhận. Trong văn bản trả lời, ông viện trưởng cho rằng theo quy định của BLTTHS thì bị can không có quyền yêu cầu thay đổi viện trưởng. Dù vậy, sau đó VKS thị xã đã phân công ông phó viện trưởng thay ông viện trưởng tiến hành tố tụng vụ án này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm