Vỡ nợ “tín dụng đen”, kiểu nào chủ nợ cũng thiệt!

Các quy định của pháp luật hiện nay còn khá nhiều lấn cấn về trường hợp này. Vì vậy, có những vụ cơ quan điều tra khởi tố hình sự nhưng có vụ lại được giải quyết bằng con đường dân sự.

Vỡ nợ “tín dụng đen”, kiểu nào chủ nợ cũng thiệt! ảnh 1

Căn nhà sa hoa của Nguyễn Thị Cúc khiến nhiều người tin tưởng và “sa bẫy”. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Hình sự cũng được

Hầu hết khi biết được con nợ không còn khả năng chi trả, nhiều chủ nợ đã tụ tập bao vây nhà của con nợ để đòi nợ, gây mất an ninh trật tự. Vì vậy, khi nhận được thông tin, cơ quan công an phải vào cuộc làm rõ để ổn định tình hình an ninh trật tự.

Ngày 9-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phía Nam hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bị can Nguyễn Thị Hoàng Hoa (trú phường 12, quận 10, TP.HCM) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị can Hoa chuyên kinh doanh, mua bán hột xoàn tại các chợ An Đông (quận 5), Vườn Chuối, Bàn Cờ (quận 3). Đối tượng này huy động vốn từ các cá nhân với tiền lãi từ 10% đến 15%. Do hám lợi, nhiều người đã thế chấp tài sản, thậm chí vay mượn tiền để cho vay lại nhằm lấy lãi. Sau khi huy động được khoảng 500 tỉ đồng, trả được chút tiền lãi vào thời gian đầu, bà Hoa trì hoãn trả nợ hoặc “xù” nợ rồi bỏ trốn. Tháng 9-2010, Cục Cảnh sát hình sự phía Nam đã bắt giữ bà Hoa.

Vỡ nợ “tín dụng đen”, kiểu nào chủ nợ cũng thiệt! ảnh 2

Không khí ảm đạm tại chợ Phú Minh (thị trấn Phú Minh, Phú Xuyên) sau cơn bão vỡ nợ. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Trong một vụ khác, ngày 24-10, Công an huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Cúc về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Theo đó, khoản nợ mà Cúc đã chiếm đoạt là 230 tỉ đồng và hơn 600 lượng vàng. Có tháng, Cúc phải trả tiền lãi lên đến 10 tỉ đồng. Sau khi không còn khả năng chi trả, Cúc đã bỏ trốn để tránh mặt chủ nợ.

Ngoài hai vụ điển hình nói trên, còn rất nhiều vụ khác cơ quan điều tra cũng vào cuộc điều tra. Chẳng hạn vào ngày 19-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với Phạm Thị Chinh. Đồng thời, cơ quan công an cũng ra lệnh bắt, khám xét nơi ở của Chinh tại ngôi nhà trên và thu giữ được nhiều giấy tờ tài liệu liên quan đến việc vay nợ của Chinh. Theo kết quả điều tra ban đầu, Phạm Thị Chinh dùng mồi nhử bằng lãi suất cao nên đã vay được hàng chục tỉ đồng của nhiều người, sau đó trốn khỏi nơi cư trú...

Dân sự cũng xong

Ngoài một số vụ vỡ nợ bước đầu được xử lý theo hướng hình sự nói trên, cũng có không ít vụ vỡ nợ mà chủ nợ không đòi được tiền, thậm chí còn ôm hận khi con nợ thách thức “không trả thì làm gì được nhau”.

Năm 2010, TAND quận Phú Nhuận (TP.HCM) thụ lý giải quyết nhiều vụ kiện đòi nợ, tranh chấp hợp đồng mua bán nhà liên quan đến vụ vỡ nợ từ hơn ba năm trước của chủ doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Liêm. Sau khi doanh nghiệp có trụ sở tại quận Phú Nhuận này lâm vào tình trạng không thể chi trả với tổng số tiền hơn 100 tỉ đồng, các chủ nợ đã gửi đơn thư tố cáo với cơ quan điều tra về hành vi lừa đảo. Tuy nhiên, cơ quan điều tra kết luận đây chỉ là vụ việc dân sự nên hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa. Thụ lý vụ việc này, TAND quận Phú Nhuận đã phải giải quyết tới 28 vụ kiện khác nhau.

Vỡ nợ “tín dụng đen”, kiểu nào chủ nợ cũng thiệt! ảnh 3

Cơ quan điều tra Công an tỉnh Quảng Bình đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam một “con nợ”. Ảnh: HƯƠNG GIANG

Hay như một vụ khác, nhiều người dân tại quận 5 (TP.HCM) đứng ngồi không yên với số tiền hàng chục tỉ đồng có nguy cơ trắng tay. Trước đó, những người dân này đã đưa tiền cho Đàm Chấn Cường để tham gia đường dây hụi với lãi suất 40% mỗi tháng. Khi biết Cường không có khả năng chi trả, người dân làm đơn tố cáo đến cơ quan điều tra Công an quận 5. Tuy nhiên, cơ quan này cho rằng đây chỉ là việc dân sự nên không thuộc thẩm quyền xử lý. Vì vậy, cơ quan này hướng dẫn cho người dân khởi kiện vụ án dân sự tại TAND quận 5.

Trả lời phỏng vấn của báo chí mới đây, Thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm - Bộ Công an, cho rằng thiệt hại trong các vụ vỡ nợ vừa qua rất lớn nhưng cơ quan điều tra vẫn khó xử lý hình sự. Theo giải thích của ông Tuyến, quy định của luật hình sự hiện nay chỉ có thể xử lý những trường hợp huy động vốn với lãi suất gấp 10 lần lãi suất trần của Ngân hàng Nhà nước (14%). Thực tế, những vụ mà cơ quan điều tra xử lý được là những vụ vận dụng vào hành vi lừa đảo, chiếm dụng tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thực ra, ban đầu nó là quan hệ dân sự nhưng khi vỡ nợ rồi thì một số hành vi đã chuyển thành hình sự. Chẳng hạn, khi không còn khả năng chi trả nhưng con nợ vẫn dùng thủ đoạn để huy động vốn. Nếu làm rõ ý thức chủ quan này thì mới truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm. Còn những hợp đồng cho vay có tỉ lệ lãi suất dưới 140% lại được giải quyết bằng quan hệ dân sự theo quy định của pháp luật. Cũng theo ông Tuyến, với khoản nợ rất lớn và người huy động vốn đã dùng để đầu tư nhưng bị thua lỗ hoặc dùng để trả nợ xoay vòng nên khả năng thu hồi vốn là không cao.

Một cán bộ điều tra thuộc Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Bộ Công an tại TP.HCM cho biết trong nhiều năm trở lại đây, đơn thư tố giác hành vi lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gửi tới rất nhiều nhưng đơn vị chỉ điều tra được khoảng hơn 10 vụ về tội lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Vị cán bộ này giải thích, quá trình điều tra gặp rất nhiều khó khăn vì không thể chứng minh người vay nợ có gian dối hay không, mục đích sử dụng số tiền đó làm gì. Thường người vay nợ chỉ trả lời vòng vo, vay có mục đích chính đáng, nhưng đầu tư làm ăn bị đổ bể, thua lỗ dẫn tới không có khả năng chi trả chứ không cố ý lừa gạt.

 

TIẾN HIỂU

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 173)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm