Vợ Thiếu úy Lữ Anh Dồi: 'Hãy vững tin vào công lý!'

Sáng 23-2, tại Văn phòng Chính phủ, cuộc họp liên ngành dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã đi đến thống nhất cơ bản đủ điều kiện công nhận liệt sĩ cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi. Cuộc họp có sự tham dự của các bộ, ngành liên quan cùng UBND tỉnh Cà Mau theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ. Ông Dồi là người bị hai đồng đội biến chất sát hại 38 năm trước trong một vụ án nổi tiếng ở tỉnh Minh Hải (nay là tỉnh Cà Mau).

Các cơ quan cùng quan điểm

Theo nguồn tin riêng của Pháp Luật TP.HCM,Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, TAND Tối cao, UBND tỉnh Cà Mau… đều có báo cáo tại cuộc họp. Nội dung các báo cáo đều cơ bản cho rằng bản án của Tòa án Quân sự Trung ương gần 30 năm trước đã minh oan, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng phục hồi quyền lợi chính trị cho ông Dồi. Sau khi tòa xử, Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Minh Hải cũ cũng đã có giấy báo tử xác nhận ông Dồi là liệt sĩ. Tuy nhiên, quy định pháp luật liên quan đến công nhận liệt sĩ cho người hy sinh trong thời bình có những điểm chưa rõ. Vì thế quá trình giải quyết chế độ cho ông Dồi đã bị kéo dài, nay cần giải quyết dứt điểm, sát với thực tiễn.

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan tham dự cũng có ý kiến khá đồng thuận về việc ông Lữ Anh Dồi đủ điều kiện công nhận là liệt sĩ. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kết luận: Giao Bộ Quốc phòng cùng Bộ LĐ-TB&XH vận dụng pháp luật, hoàn tất hồ sơ công nhận liệt sĩ cho Thiếu úy Lữ Anh Dồi để trình cấp có thẩm quyền ra quyết định cuối cùng. Văn phòng Chính phủ sẽ ra văn bản thông báo chính thức kết quả cuộc họp này để các cơ quan liên quan sớm có cơ sở thực hiện.

Bà Mai xúc động khi nhận tin kết quả cuộc họp (ảnh nhỏ) và đứng lặng bên bàn thờ chồng. (Ảnh chụp chiều 23-2). Ảnh: TRẦN VŨ

Vì một cái kết có hậu

Theo thông tin từ Cục Người có công và Bộ LĐ-TB&XH, hồ sơ xét công nhận liệt sĩ cho ông Dồi sẽ làm theo quy định chung. Trước hết hồ sơ phải được đề xuất từ Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Cà Mau (cấp quản lý hồ sơ ông Dồi). Sau đó tỉnh sẽ trình lên Bộ Quốc phòng kiểm tra hồ sơ trước khi đề nghị Bộ LĐ-TB&XH thẩm định, trình Thủ tướng cấp bằng Tổ quốc ghi công cho ông Lữ Anh Dồi.

Cái chết oan khuất của Thiếu úy Lữ Anh Dồi được phơi bày khi 29 năm trước (năm 1988) bà Nguyễn Thị Mai gặp được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong một lần về tỉnh Minh Hải. Sau đó, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã chỉ thị lập ban chuyên án cấp trung ương trực tiếp điều tra làm rõ sự thật. Chỉ thời gian ngắn sau đó, phiên tòa xét xử hai đồng đội biến chất lập mưu sát hại ông Dồi đã diễn ra. Tuy nhiên, nhiều năm sau ông Dồi vẫn chưa được công nhận là liệt sĩ. Bà Mai lại tiếp tục đấu tranh cho chồng, bà ra tận Hà Nội yêu cầu phục hồi quyền lợi chính trị cho ông. Có giai đoạn các cơ quan, ban ngành Cà Mau cũng như Bộ Lao động, Bộ Quốc phòng đã quan tâm, xem xét. Nhưng do một số vướng mắc pháp lý mà việc công nhận liệt sĩ cho ông Dồi vẫn bị chựng lại.

Cuộc họp do Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chủ trì đã dứt điểm những vướng mắc, những quan điểm còn khác nhau ấy. Hy vọng thời gian tới các cơ quan liên quan sẽ tích cực và nhanh chóng xem xét hồ sơ để sớm phục hồi quyền lợi chính trị chính đáng cho ông Dồi.

“Xin cảm ơn mọi người!”

Chiều cùng ngày khi chúng tôi tới nhà thông báo tin vui, nước mắt lưng tròng, bà Mai mừng tủi chạy đến bàn thờ thắp nhang cho chồng, miệng khe khẽ: “Anh Dồi. Cuối cùng em đã làm được!”. Bà Mai mừng lắm vì bà luôn có lòng tin vào công lý và lẽ công bằng. Bà dự định cuối tuần này sẽ cùng người thân và những người hàng xóm tốt bụng tổ chức một mâm cơm để cúng chồng.

Bà bảo: “Hôm nay là ngày đáng nhớ nhất trong cuộc đời tôi vì nó tạo ra niềm hy vọng rất lớn lao”. Năm 1991, sau khi kết thúc phiên tòa, Bộ đội biên phòng tỉnh Cà Mau đã gửi giấy báo tử về nhà công nhận ông Dồi là liệt sĩ. Rồi đến đầu năm 2016, khi các cơ quan trong tỉnh Cà Mau đồng thuận gửi hồ sơ đề nghị, bà cũng mừng nhưng đều thất vọng. “Giờ đây tôi mừng quá, không biết nói gì nữa. Tôi xin cảm ơn tất cả, tất cả mọi người. Tôi muốn nhắn với những ai còn có nỗi oan khuất hãy vững tin vào công lý…” - bà Mai nói.

“Thật vậy sao? Tôi xin chúc mừng bà Mai và báo Pháp Luật TP.HCM” - ông Phạm Văn Tri, nguyên Quyền Tổng biên tập báo Minh Hải, nói như reo. Ông Tri là người trực tiếp chỉ đạo PV viết bài phản ánh về nỗi oan khuất của ông Lữ Anh Dồi nên ông hiểu rõ vụ việc. Ông tâm sự: “Thời gian vụ án vẫn trong bóng tối cho đến ngày nay, vai trò của báo chí trong vụ này không hề nhỏ. Nhưng nếu thiếu sự tiếp sức của các lãnh đạo liêm chính thì cũng khó thành công. Nếu trước đây không nhờ một số lãnh đạo tỉnh Minh Hải âm thầm ủng hộ thì bà Mai không thể gặp được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Đến nay nhờ sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của người có thẩm quyền mà vụ án đã sắp kết thúc tốt đẹp”.

Pháp Luật TP.HCM đồng hành cùng vụ việc

Tháng 7-2016, Pháp Luật TP.HCM khởi đăng loạt bài về vụ việc bắt đầu từ sự kiện các cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau họp thống nhất đề nghị công nhận ông Lữ Anh Dồi là liệt sĩ. Hồ sơ đề nghị được Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau gửi về Bộ LĐ-TB&XH và Cục Người có công. Báo đã phác họa lại sự kiện cái chết oan khuất của ông Dồi đến hành trình cơ quan chức năng phá án, cũng như theo bước chân của bà Nguyễn Thị Mai ròng rã hơn 37 năm đi tìm lẽ phải cho chồng. Bao nhiêu hy vọng chất chứa của bà Mai đã được nhóm.

Thế rồi cuối năm 2016, những ngày cận kề Tết Nguyên đán, tin không vui ập đến với bà Mai khi Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh Cà Mau có công văn bác toàn bộ hồ sơ với hai lý do. Thời điểm này báo tiếp tục có nhiều bài phản ánh và tìm những căn cứ pháp lý để phân tích và chứng minh rằng hai căn cứ ấy không thuyết phục. Những bài báo cùng với tấm lòng sắt son của bà Mai đã lay động đến ông Phan Diễn (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư), cũng là người tham gia viết tiểu sử của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Chính ông Phan Diễn đã gửi thư đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, xem xét việc công nhận liệt sĩ, phục hồi trọn vẹn chế độ chính trị cho ông Dồi. Từ thông tin vui này báo lại tiếp tục phản ánh cho đến cận kề những ngày cuộc họp diễn ra.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm