Vụ án phạm tội với mẹ hay với con

Mới đây, TAND TP.HCM quyết định hoãn phiên xử phúc thẩm bị cáo Lý Nhựt Minh bị quy tội cướp giật tài sản để xem xét đánh giá thêm. Vụ án này gây tranh cãi ở tình tiết quan trọng là bị cáo có phạm tội với trẻ em hay không. Đây là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, quy định tại Điều 48 BLHS, vừa là tình tiết định tội hoặc định khung hình phạt quy định ở một số tội phạm.

Giữa ban ngày xông vào nhà giật iPad

Theo hồ sơ, khoảng 16 giờ 30 ngày 15-7-2016, Lý Nhựt Minh được đối tượng tên Long (không rõ lai lịch, địa chỉ) điều khiển xe máy Wave màu xanh (không rõ biển số) chở đi chơi. Khi đi, Long nói có thấy một chiếc máy tính bảng (iPad) để trên bàn ở trong nhà số 18/20A Trần Văn Hoàng, phường 9, quận Tân Bình và rủ Minh đi chiếm đoạt.

Tại đây, Minh thấy cửa khép hờ (nhà cửa kính lùa, không có cổng), trong nhà có một chiếc iPad để trên bàn gần cửa ra vào, kế bên có cháu Triệu Lạc Nhi đang ngồi chơi. Minh quan sát không thấy ai để ý liền dùng tay trái kéo cửa bước vào rồi dùng tay phải lấy chiếc iPad, cháu Nhi liền tri hô “có trộm”. Lúc này chị Huỳnh Thục Chân (mẹ Nhi) từ trong bếp chạy ra thấy Minh đang cầm chiếc iPad nên tri hô “cướp” và đuổi theo.

Minh cầm iPad chạy đến chỗ Long đang nổ máy chờ sẵn, Long chở Minh chạy khoảng 5 m thì va quẹt với người đi đường nên ngã xe, người dân bắt được Minh, còn Long thì bỏ chạy.

Bị cáo Lý Nhựt Minh  tại phiên tòa phúc thẩm  bị hoãn. Ảnh: HOÀNG YẾN

Ai là nạn nhân?

Xử sơ thẩm, TAND quận Tân Bình tuyên phạt bị cáo Minh hai năm tù về tội cướp giật tài sản. Sau đó, VKSND TP.HCM có kháng nghị án sơ thẩm. Theo đó, viện cho rằng iPad không được giám định trong tố tụng mà chỉ đi khảo sát giá là không đúng. Việc xác định đứa bé tám tuổi trong vụ án là người bị hại là không đúng mà bà mẹ mới là người bị hại.

Tại tòa bị cáo Minh cho rằng mình chỉ trộm chứ không phải cướp. Mẹ người bị hại thì khẳng định khi chạy lên nhà con chị bị xô té và khóc.

Chưa bàn đến tội danh, vụ án này còn có vấn đề gây tranh cãi, đó là việc xác định người bị hại là bé Nhi hay mẹ của bé. Theo lập luận của VKS thì tài sản (chiếc iPad) là của người mẹ nên phải xác định người bị hại là chị Chân.

Tuy nhiên, luật sư Đỗ Hải Bình và Trần Hải Đức (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng người bị hại trong vụ án này phải là cháu Triệu Lạc Nhi. Mặc dù cháu bé không phải là chủ sở hữu chiếc iPad nhưng chiếc iPad lúc ấy đang trong sự quản lý và sử dụng của cháu. Minh đã chiếm đoạt iPad khi bé đang quản lý, sử dụng nên bé là người bị hại. Vì vậy, Minh phạm tội với tình tiết tăng nặng là phạm tội đối với trẻ em.

Luật sư Bình nhấn mạnh phạm tội đối với trẻ em là trường hợp người phạm tội xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự và các quyền khác mà trẻ em có theo quy định của pháp luật. Điều 136 BLHS về tội cướp giật tài sản dù không quy định cụ thể như thế nào là cướp giật tài sản. Tuy nhiên, dựa vào lý luận khoa học hình sự cũng như thực tiễn xét xử thì có thể hiểu hành vi cướp giật tài sản là hành vi lợi dụng sơ hở của người khác, công khai, nhanh chóng giật lấy tài sản của người đó mà không cần dùng vũ lực hay đe dọa dùng vũ lực… Ở đây, Minh không biết iPad là của ai nhưng muốn chiếm đoạt chiếc iPad trong sự quản lý sử dụng của bé Nhi và đã tác động vào cháu bé, vì vậy cháu bé chính là người bị hại của vụ án.

Cháu bé là người bị hại của vụ án

Theo tôi, vụ án này người bị hại là đứa bé. Do cháu bé mới tám tuổi nên sẽ có đại diện hợp pháp cho cháu tham gia tố tụng… Nói cách khác, người bị hại trong vụ án là đối tượng bị cáo đã tác động để chiếm đoạt tài sản, còn tài sản của ai thì tính sau. Người chủ của tài sản đó là người liên quan hoặc nguyên đơn dân sự vụ án. Ví dụ minh họa điển hình nhất là bạn mượn điện thoại để sử dụng, khi bị giật thì người đang sử dụng là nạn nhân.

Ông VŨ PHI LONG,
nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...