Vụ BS Lương: Quy trình lọc thận và trách nhiệm của Bộ Y tế

Đến thời điểm hiện tại, cơ quan tố tụng xác định nguyên nhân dẫn tới chín cái chết của các bệnh nhân trong quá trình chạy thận tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình là do tồn dư hóa chất trong nguồn nước RO. Như vậy, một trong những điểm then chốt còn lại của vụ án là xác định những ai phải chịu trách nhiệm về chất lượng nguồn nước trước khi bác sĩ (BS) ra y lệnh lọc máu cho bệnh nhân.

Tuy nhiên, qua năm ngày xét xử liên tục, câu hỏi trên dường như vẫn chưa có đáp án. Năm bị cáo từ người từng là lãnh đạo cao nhất cho đến nhân viên của BV, kể cả BS Hoàng Công Lương đều khẳng định trách nhiệm đảm bảo nguồn nước RO không thuộc về mình.

Bộ Y tế có thiếu sót nghiêm trọng

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Hòa Bình, trong vụ án này nói riêng và kỹ thuật thận nhân tạo nói chung, Bộ Y tế đã có những “thiếu sót, sơ hở nghiêm trọng”. Có lẽ thiếu sót, sơ hở này chính là một phần nguyên nhân dẫn tới việc đi tìm “chiếc chìa khóa trách nhiệm” trong vụ án ở Hòa Bình khá khó khăn.

Cụ thể, cáo trạng nhận định kỹ thuật thận nhân tạo được thực hiện ở nhiều BV các tuyến trên của cả nước. Tuy nhiên, cho đến ngày 29-5-2017 (ngày xảy ra sự cố y khoa tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) Bộ Y tế vẫn chưa ban hành hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo đầy đủ để áp dụng trong thực tiễn. Đặc biệt, Bộ Y tế càng không có quy trình kiểm soát và đảm bảo chất lượng nước RO để chạy lọc thận.

Chỉ đến ngày 13-4-2018, Bộ Y tế mới có Quyết định số 2482 ban hành tài liệu hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo với 52 quy trình kỹ thuật cơ bản. Đến nay, Bộ Y tế cũng chưa có văn bản nào hướng dẫn hoặc quy định cụ thể về chủ thể nào đủ điều kiện, tiêu chuẩn để sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế hệ thống lọc nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo.

Bộ Y tế cũng thiếu những quy định cần thiết để quản lý đầy đủ, chặt chẽ hoạt động liên kết đặt máy chạy thận nhân tạo giữa BV và nhà sản xuất, cung ứng, cũng như việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các đơn vị thực hiện chức năng chữa bệnh suy thận bằng kỹ thuật thận nhân tạo.

Đặc biệt, VKS cho rằng Bộ Y tế có dấu hiệu buông lỏng trong quản lý nhà nước về kiểm soát chất lượng nước dùng để lọc máu thận nhân tạo nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh. Đây được xác định là một trong những thiếu sót, sơ hở nghiêm trọng, là điều kiện góp phần dẫn đến sự cố y khoa đặc biệt nghiêm trọng khiến chín người chết ở Hòa Bình.

Các bị cáo Hoàng Công Lương, Trương Quý Dương, Hoàng Đình Khiếu, Trần Văn Thắng và Trần Văn Sơn tại tòa.

Tòa không triệu tập đại diện Bộ Y tế đến phiên xử

Cùng đó, quá trình điều tra vụ án cũng xác định BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Bộ Y tế chưa có các hoạt động kiểm tra, thanh tra thường xuyên, chuyên sâu về hoạt động lọc máu chu kỳ tại đơn nguyên lọc máu BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Do vậy, VKS cho biết sẽ ban hành kiến nghị đối với BV đa khoa tỉnh Hòa Bình, Sở Y tế tỉnh Hòa Bình và Bộ Y tế cần có biện pháp khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý nhà nước. Qua đó, các cơ quan này rà soát, sửa đổi, bổ sung những quy định liên quan và tăng cường thanh tra, kiểm tra sâu sát, toàn diện đối với hoạt động lọc máu chu kỳ bằng phương pháp thận nhân tạo tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng như các cơ sở y tế trên cả nước.

Đáng chú ý, dù cáo trạng xác định Bộ Y tế có “thiếu sót, sơ hở nghiêm trọng” như vậy nhưng trong quyết định đưa vụ án ra xét xử, TAND TP Hòa Bình lại không triệu tập đại diện của bộ này.

Trách nhiệm lòng vòng, không ai nhận

Như đã nói ở trên, việc không có hướng dẫn về quy trình kỹ thuật thận nhân tạo đầy đủ cũng như không có quy trình kiểm soát và đảm bảo chất lượng nước RO có lẽ là một phần nguyên nhân dẫn tới việc xác định trách nhiệm đảm bảo nguồn nước tại đơn nguyên thận nhân tạo của BV đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Trong năm ngày xét xử, hầu hết các cá nhân có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến quá trình thực hiện chạy thận cho bệnh nhân tại đơn nguyên đã được tham gia tố tụng. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có đáp án rõ ràng cho câu hỏi “ai là người phải chịu trách nhiệm về nguồn nước RO”.

Xuyên suốt từ phiên sơ thẩm hồi tháng 5-2017 đến nay, bị cáo Hoàng Công Lương (cựu BS khoa Hồi sức tích cực) khẳng định nguyên dân dẫn tới cái chết của chín nạn nhân là do tồn dư hóa chất, không phải do việc điều trị của BS. Về đảm bảo nguồn nước RO, Lương cho rằng trách nhiệm thuộc về kỹ sư của phòng Vật tư thiết bị y tế và đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng.

Còn với ông Trương Quý Dương (cựu giám đốc BV), bị cáo này cho hay đơn nguyên thận nhân tạo thuộc khoa Hồi sức tích cực nhưng hoạt động theo cơ chế khoa Lọc máu. Vì vậy, trách nhiệm trên thuộc về trưởng khoa, trưởng khoa phân cho ai là quyền của họ (?!).

Đến lượt mình, ông Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc BV) giải thích đơn nguyên thận nhân tạo không phải là khoa nên không có kỹ sư, kỹ thuật viên. Khi hệ thống RO hỏng, trưởng khoa (lọc máu) sẽ phải báo với phòng Vật tư thiết bị y tế và đương nhiên việc sửa chữa máy móc là trách nhiệm của phòng này.

Và như thế, ông Khiếu lại đẩy trách nhiệm cho ông Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng Vật tư thiết bị y tế). Đến lượt ông Thắng lại cho rằng ông đã phân công cho cấp dưới là Trần Văn Sơn (cựu cán bộ phòng Vật tư thiết bị y tế) quản lý hệ thống máy lọc nước ở đơn nguyên thận nhân tạo.

Là người cuối cùng trong “chuỗi” trách nhiệm, Trần Văn Sơn sẽ đá quả bóng cho ai? Thì đây, tại tòa, Sơn khẳng định mình không được đào tạo về chất lượng nguồn nước RO mà chỉ được giao quản lý, giám sát sửa chữa. Thậm chí bị cáo này còn nói “rất bất ngờ” và lần đầu tiên nghe thấy Hoàng Công Lương cho rằng việc đảm bảo nguồn nước thuộc về ông.

Đáng chú ý, tòa cũng triệu tập ông Hoàng Công Tình, trưởng khoa Hồi sức tích cực. Trước đó, bị cáo Khiếu từng khai có quyết định giao cho ông Tình quản lý hệ thống RO 2. Tuy nhiên, ông Tình phủ nhận và khẳng định bản thân ông cũng như mọi người trong khoa không ai biết việc phân công này.

Dự kiến phiên tòa còn diễn ra trong nhiều ngày. Hy vọng rằng HĐXX, đại diện VKS cùng các luật sư sẽ làm sáng tỏ câu hỏi trách nhiệm trên để tìm ra “chiếc chìa khóa” trách nhiệm khiến chín bệnh nhân chạy thận chết oan.

BV Chợ Rẫy: Quy trình kiểm tra, bàn giao chặt chẽ

Nguồn nước lọc thận tiếp xúc trực tiếp với máu, cơ thể của bệnh nhân nên việc đảm bảo chất lượng nguồn nước, dịch lọc nước đạt chuẩn là việc tối quan trọng. Nếu một trong các chỉ số hóa sinh, vi sinh trong nước không đạt, bệnh nhân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng sức khỏe, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Chẳng hạn, nồng độ nhôm trong nước nếu ở mức cao sẽ ảnh hưởng đến nồng độ nhôm trong cơ thể bệnh nhân nếu chạy thận lâu dài, nồng độ clo cao thì gây ảnh hưởng hư màng lọc RO, vào máu với nồng độ cao sẽ gây tán huyết cho bệnh nhân.

Tại khoa Thận nhân tạo BV Chợ Rẫy, trước khi Quyết định 2482 của Bộ Y tế hướng dẫn kỹ thuật thận nhân tạo áp dụng vào tháng 4-2018, ngoài thực hiện theo các quy trình chạy thận ban hành từ năm 2004, khoa cũng đưa vào các quy định cụ thể trước khi sử dụng máy móc, nguồn nước lọc thận cho bệnh nhân.

Theo đó, BV có ký kết với công ty chuyên về thiết bị vật tư y tế khoảng sáu tháng sát trùng đường ống lọc thận một lần. Khi sát trùng đường ống xong, công ty này sẽ bàn giao các xét nghiệm hóa sinh, vi sinh lại cho khoa. BS trưởng khoa sẽ là người kiểm tra lần nữa các chỉ số này đạt chuẩn thì mới đưa vào sử dụng cho bệnh nhân. Tất cả quyết định, văn bản nghiệm thu phải có đầy đủ chữ ký của các bên.

Nếu một trong các chỉ số chưa đạt chuẩn thì khoa sẽ yêu cầu công ty vật tư y tế kiểm tra lại, sát trùng máy lại cho đến khi các thông số đạt chuẩn.

Các quy định về chạy thận trước đây có quy định về màng lọc, hệ thống xử lý nước còn chung chung và chưa có văn bản quy định trách nhiệm cụ thể. Vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 2482, hướng dẫn quy trình kỹ thuật thận nhân tạo gồm 52 quy trình kỹ thuật cụ thể, rõ ràng, qua đó góp phần làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan khi chạy thận cho bệnh nhân hơn.

BS NGUYỄN MINH TUẤNTrưởng khoa Thận nhân tạo, BV Chợ Rẫy

HOÀNG LAN ghi

Hệ thống xử lý nước: Khâu quan trọng nhất!

Quy trình lọc thận nhân tạo có nhiều khâu, bao gồm hệ thống xử lý nước, máy chạy thận nhân tạo, vật tư tiêu hao (màng lọc, dây, dịch lọc), con người (BS, điều dưỡng, kỹ thuật viên phụ trách hệ thống xử lý nước, máy móc, thiết bị…).

Trong quy trình lọc thận nhân tạo, mọi khâu đều quan trọng. Tuy nhiên, khâu quan trọng nhất phải kể đến là hệ thống xử lý nước. Cho dù các thiết bị, máy móc, vật tư tiêu hao đã đầy đủ, kể cả BS, điều dưỡng, kỹ thuật viên được đào tạo bài bản nhưng hệ thống xử lý nước chưa hoàn chỉnh thì cũng không thể vận hành quy trình lọc thận nhân tạo.

BS TẠ PHƯƠNG DUNGTrưởng khoa Nội thận - Miễn dịch ghép,
BV Nhân dân 115, TP.HCM

TRẦN NGỌC ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm