Vụ chạy thận: Luật sư nói chết do đầu độc có bị 'treo giò'?

Như đã đưa tin, sáng 21-1, phiên sơ thẩm xét xử vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp tục làm việc.

Đáng chú ý, HĐXX đã thông tin về kết quả xác định đối với chứng cứ “đầu độc chết người” mà LS Phạm Quang Hưng, người bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn, giám đốc công ty CP Thiên Sơn, đưa ra vào chiều ngày 19-1.

HĐXX bác bỏ chứng cứ của LS Phạm Quang Hưng cho rằng có dấu hiệu "đầu độc chết người"

Theo HĐXX, sau khi thảo luận và làm các thủ tục tiếp nhận có sự tham gia chứng kiến của đại diện VKS, LS không cung cấp được chứng cứ gì mà chỉ đưa bản đề nghị xem xét dựa trên suy luận cho rằng nguyên nhân gây chết người là do nguyên nhân khác.

HĐXX cho rằng tất cả chứng cứ mới đều đã được đưa ra tại phiên tòa. Việc cung cấp này đã ảnh hưởng đến quá trình xét xử, ảnh hưởng nhận thức và dẫn đến "suy diễn sai lệch của những người không hiểu biết". HĐXX đề nghị LS khi cung cấp chứng cứ phải chính xác, tránh mập mờ để nhân dân không hiểu theo hướng sai.

Về phía VKS, kiểm sát viên cho rằng LS Hưng chỉ có bản đề nghị xem xét lại hướng điều tra vụ án, đây là quan điểm và phân tích mang tính cá nhân của LS. VKS xác định việc này gây ảnh hưởng đến phiên tòa, dẫn đến cơ quan báo chí và dư luận hiểu sai về vụ án. Do đó, đề nghị HĐXX xử lý đối với LS Phạm Quang Hưng.

Trong trường hợp này, LS Hưng sẽ bị xử lý thế nào theo quy định của pháp luật?

LS Trương Anh Tú, Đoàn LS TP Hà Nội:

Chưa có cơ sở để xử lý

Trong một phiên tòa, LS có quyền được đưa ra các chứng cứ mới, còn việc đánh giá chứng cứ đó ra sao thì thuộc về thẩm quyền của HĐXX.

Thực tế, mỗi LS đều được cấp chứng chỉ hành nghề, nghĩa là họ đủ năng lực, nhận thức và trách nhiệm đối với bản thân. Khi LS đưa ra một chứng cứ mới, họ đứng dưới góc độ nhận thức của mình dựa trên những tài liệu có trong hồ sơ vụ án chứ không phải thích nói gì là nói.

Quan điểm cho rằng việc đề nghị cung cấp chứng cứ mới làm ảnh hưởng tới quá trình xét xử cũng cần phải đánh giá một cách toàn diện, bởi vụ án được xét xử trong nhiều ngày, không thể nói vì LS cung cấp chứng cứ mới mà phải tạm dừng, dẫn tới ảnh hưởng tới phiên tòa.

Cần thấu đáo đánh giá khi cho rằng việc LS Phạm Quang Hưng cung cấp chứng cứ mới gây hiểu nhầm cho dư luận và người dân về vụ án. Bởi như đã nói ở trên, LS hoàn toàn dựa vào hồ sơ vụ án cũng như quan điểm riêng của mình. Do vậy, việc đề nghị xử lý là chưa có cơ sở.

LS Vũ Thị Nga, VP luật sư Công Lý Việt):

Phải chứng minh được động cơ, mục đích

Tất cả hành vi bị xử lý phải dựa trên đầy đủ các yếu tố mà pháp luật hình sự quy định, trong đó cơ quan ra quyết định xử lý phải chứng minh được LS Hưng có động cơ, mục đích… như nhận định của đại diện VKS hay không.

Tại phiên tòa, LS có quyền đưa ra những chứng cứ, phát biểu quan điểm dựa trên hồ sơ vụ án và các tình tiết, diễn biến trong quá trình thu thập chứng cứ. Đánh giá chứng cứ thuộc thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng, cụ thể ở đây là HĐXX.

Việc đại diện VKS cho rằng đề nghị của LS Hưng đã gây ảnh hưởng đến quá trình xét xử, dẫn đến dư luận hiểu sai về sự thật khách quan của vụ án là còn chủ quan, bởi lẽ trong giai đoạn xét xử, thẩm quyền quyết định cho dừng phiên tòa hay không là thuộc HĐXX chứ LS Hưng không có quyền quyết định dừng phiên tòa.

Mặt khác, không thể chỉ dựa trên đề nghị của LS mà có thể làm cho dư luận hiểu sai về sự thật khách quan của vụ án.

Tôi cũng cho rằng quyết định cho dừng phiên tòa (ngày 19-1) của HĐXX là không cần thiết, bởi vụ án đang trong giai đoạn xét xử, thẩm quyền thuộc TAND, những người tham gia tố tụng khác muốn cung cấp chứng cứ thì phải cung cấp trực tiếp cho HĐXX chứ không phải là CQĐT hay VKS. Do đó, HĐXX có quyền từ chối việc dừng phiên tòa và yêu cầu LS cung cấp các tình tiết mới cho thư ký.

Trong trường hợp HĐXX chứng minh được động cơ, mục đích của LS Hưng nhằm khiến cho dư luận hiểu sai hoặc làm gián đoạn, mất thời gian của HĐXX… thì phải chuyển cho CQĐT làm rõ theo thủ tục tố tụng. Khi có kết quả xác định cuối cùng thì mới có đủ căn cứ xem xét trách nhiệm.

LS Dương Văn Quốc, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Chưa gây hậu quả vì chưa công khai tại tòa

Đây chỉ đơn thuần là quan điểm và phân tích mang tính cá nhân của LS Hưng được đưa ra không đúng lúc.
Hành vi của LS Hưng là sai nhưng như đã nói, đó chỉ là bản đề nghị và nội dung chi tiết trong bản đề nghị chưa được công bố nên việc này chưa gây hậu quả “suy diễn sai lệch của những người không hiểu biết”. Vì vậy, HĐXX đã nhắc nhở các LS khi cung cấp chứng cứ phải chính xác, tránh mập mờ để nhân dân không hiểu theo hướng sai là phù hợp.
Tuy nhiên, nếu bản đề nghị này được công khai tại tòa và có những nội dung bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo ai đó trước cơ quan có thẩm quyền thì Luật sư có thể bị xử lý về tội Vu khống (Điều 156 BLHS 2015). Đồng thời những người bị vu khống có quyền khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm bị xâm phạm.
LS Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Vi phạm quy tắc ứng xử của luật sư

Theo quy định thì những suy đoán, quan điểm của người bào chữa không thể coi là chứng cứ của vụ án. Tuy nhiên, trong vụ án này, LS tuyên bố rằng đang nắm trong tay chứng cứ để cho rằng “có việc cố ý đầu độc giết người” và đặt điều kiện với HĐXX mới cung cấp. Điều này có thể làm cho HĐXX, VKS, báo chí và dư luận hiểu rằng đang có tình tiết nào đó làm thay đổ cơ bản nội dung vụ án, để rồi HĐX phải tiến hành hội ý, xem xét. Nhưng khi yêu cầu xuất trình thì LS lại chỉ đưa ra quan điểm của mình.
Như vậy, trong trường hợp này LS đã tạo ra dư luận không tốt và có thể thấy LS đã “cố tình trì hoãn, gây trở ngại cho việc xét xử bằng những phương cách bất hợp lý hay trái đạo đức”. Thậm chí, có quan điểm cho rằng LS này “chiêu trò” và tạo ra sự kiện mang tính “giật gân” để phục vụ cho mục đích động cơ cá nhân. Điều này là vi phạm Điều 23 quy định về ứng xử của luật sư trong quan hệ với cơ quan tiến hành tố tụng (Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam): “Tại phiên tòa, luật sư chấp hành nội quy phiên tòa, tôn trọng hội đồng xét xử, đại diện viện kiểm sát; có thái độ ứng xử đúng mực, có văn hóa khi thực hiện quyền xét hỏi người làm chứng và những người tham gia tố tụng khác; không suy đoán chủ quan mang tính chất kích động, quy chụp, kết tội người khác hoặc có những lời lẽ gây bất lợi cho khách hàng của mình; không cố tình trì hoãn, gây trở ngại cho việc xét xử bằng những phương cách bất hợp lý hay trái đạo đức”.
Trong trường hợp này, Đoàn LS cần phải kiểm điểm, kỷ luật LS theo Điều 40 Điều lệ Liên đoàn LS Việt Nam để tránh những trường hợp tương tự.

 Kỷ luật đối với luật sư

Luật sư có hành vi vi phạm quy định của Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Nội quy Đoàn Luật sư, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư và các quy định khác của Liên đoàn, Đoàn Luật sư thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức sau đây:

a) Khiển trách;

b) Cảnh cáo;

c) Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư từ 6 tháng đến 24 tháng;

d) Xoá tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn Luật sư.

(Trích Điều 40 Điều lệ Liên đoàn LS Việt Nam)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

Hôm nay, chủ tịch Tân Hoàng Minh hầu tòa

(PLO)- Cáo trạng xác định có hơn 6.600 khách hàng đã ký hợp đồng đầu tư trái phiếu, hợp đồng chuyển nhượng và bị Tập đoàn Tân Hoàng Minh chiếm đoạt 8.600 tỉ đồng.

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

Ngẫm chuyện bồi thường và quy hoạch treo

(PLO)- Chậm chân, vướng quy hoạch nên không thể chuyển mục đích sử dụng đất khiến hai mảnh đất liền kề chênh lệch 10 lần về giá bồi thường vì bên đất nông nghiệp, bên đất ở. Đây là thực tế đáng suy ngẫm về công tác quy hoạch và chính sách bồi thường...