Vụ chị làm KSV, em làm ĐTV cùng vụ án: Vi phạm tố tụng nghiêm trọng

Pháp Luật TP.HCM ngày 4-5 phản ánh một vụ án hình sự ở huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) có người chị làm kiểm sát viên (KSV) còn người em làm điều tra viên (ĐTV). Đặc biệt, một vụ trộm trong vụ án này lại xảy ra tại tiệm Internet nhà KSV này. Nhiều chuyên gia khẳng định điều này đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, vì vậy cần phải điều tra, truy tố lại từ đầu.

Kiểm sát viên có liên quan đến vụ án

TS Nguyễn Duy Hưng (Trưởng khoa Luật Trường ĐH Thủ Dầu Một, Bình Dương) cho rằng tình tiết quan trọng là một vụ trộm liên quan đến chuỗi hành vi phạm tội (nếu có) của các bị can xảy ra tại tiệm Internet nhà KSV. Tình tiết này chứng tỏ KSV kiểm sát điều tra và giữ quyền công tố tại phiên tòa có liên quan đến vụ án.

Nếu tài sản bị mất là máy móc, tiền bạc... của bản thân bà hoặc người thân trong gia đình tiệm Internet nhà KSV thì bà là người bị hại. Nếu tài sản bị mất là xe máy, tiền bạc, vật dụng... của khách đến sử dụng Internet thì bà là người liên quan đến vụ trộm đó (với tư cách là chủ tiệm). Cả hai trường hợp trên đều khẳng định KSV có liên quan trực tiếp đến vụ án đang được điều tra, truy tố, xét xử.

Theo quy định tại Điều 42 BLTTHS thì người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi nếu họ thuộc vào một trong các trường hợp sau đây: Họ đồng thời là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án; là người đại diện hợp pháp, người thân thích của những người đó hoặc của bị can, bị cáo; có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Như vậy, luật đã quy định rõ chỉ cần đồng thời họ là người liên quan đến vụ án thì sẽ không được tiến hành tố tụng trong vụ án đó. Ở đây cơ quan điều tra đã xác định các bị can thực hiện hành vi phạm tội tại nhà KSV thì rõ là bà bị loại trừ vì có liên quan trực tiếp tới vụ án để phòng ngừa việc không có sự khách quan, vô tư khi làm nhiệm vụ.

Điều tra viên cũng liên quan luôn

Về tình huống ĐTV là em ruột của KSV trong vụ án này, nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Tây Ninh Hoàng Văn Hải cho rằng điều này cũng là vi phạm nghiêm trọng tố tụng. Ông Hải phân tích, khoản 4 Mục I Nghị quyết 03/2004 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (hướng dẫn thi hành một số quy định trong phần chung của BLTTHS) hướng dẫn khá rõ Điều 42 nói trên. Theo đó, anh chị em ruột được coi là người thân thích của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.

Khi chúng ta xác định được KSV là người bị hại hoặc là người có liên quan đến vụ án thì ĐTV chính là người thân thích của KSV và cũng bị cấm tham gia tiến hành tố tụng trong vụ án đó. Nếu không có hướng dẫn thì còn có thể gây tranh cãi về khái niệm “người thân thích” nhưng khi hướng dẫn đã rõ ràng thì ĐTV này không thể tham gia. Theo luật, nếu bản thân họ không từ chối tham gia tiến hành tố tụng thì những người liên quan đến vụ án có quyền yêu cầu thay đổi.

Hủy hồ sơ hay chỉ cần đổi KSV?

Vấn đề pháp lý nữa trong vụ này là nếu đã xác định có vi phạm thì hậu quả pháp lý phải giải quyết là hủy toàn bộ quá trình điều tra, truy tố để tiến hành điều tra lại từ đầu hay chỉ cần thay đổi KSV (vì vụ án đã đến giai đoạn xét xử, ĐTV không còn trực tiếp tham gia nữa)?

Một giảng viên Phân hiệu Trường Đào tạo Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM (không muốn nêu tên) cho rằng phải chia ra hai trường hợp. Nếu ĐTV, KSV đó tham gia vụ án ngay từ đầu và tham gia suốt quá trình đến khi phát hiện thì buộc phải hủy hồ sơ vụ án để điều tra, truy tố lại. Còn nếu họ không tham gia vụ án từ đầu mà chỉ tiếp nhận hồ sơ ở giai đoạn sau này thì chỉ cần ra quyết định thay đổi ĐTV, KSV đó.

Theo giảng viên này, thẩm quyền thay đổi thuộc thủ trưởng cơ quan điều tra và viện trưởng VKSND cấp đó ra quyết định (căn cứ vào Điều 44 và Điều 45 BLTTHS). Người có quyền yêu cầu thay đổi theo quy định tại Điều 43 BLTTHS là bị can, bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự và người đại diện hợp pháp của họ; người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự.

Luật sư Trương Xuân Tám (Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Luật sư Việt Nam) cho rằng theo luật thì vụ án này phải hủy hồ sơ làm lại từ đầu vì đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Nếu trong quá trình điều tra, ĐTV phát hiện chị mình (là KSV) có liên quan đến vụ án thì ông này phải chủ động từ chối tham gia tiến hành tố tụng, đề nghị lãnh đạo phân công ĐTV khác. Còn nếu cố tình tham gia đến cuối thì có nghĩa là thuộc trường hợp có căn cứ rõ ràng để cho rằng ông không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Tương tự, đối với KSV cũng vậy, việc chủ động rút khỏi vụ án là cần thiết, nếu cố tình tham gia thì cũng vi phạm tố tụng, cần phải hủy những phần việc mà KSV này đã thực hiện. Khi kiểm sát điều tra đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chắc chắn quá trình giữ quyền công tố tại tòa cũng không thể khách quan. Nó cũng giống như trường hợp người vợ giữ quyền công tố tại tòa bảo vệ cáo trạng còn ông chồng thì ngồi ghế chủ tọa xét xử bị cáo, khả năng hai bên thống nhất với nhau về quan điểm giải quyết vụ án là rất cao.

Người thân thích của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, bị can, bị cáo là người có quan hệ sau đây với một trong những người này: Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột...

(Trích khoản 4 Mục I Nghị quyết 03/2004
của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm