Vụ 'Con ruồi trong chai nước’: Tranh cãi bất phân thắng bại

Tranh luận, góp ý với diễn đàn lần này đặc biệt có sự tham gia nhiệt tình của rất nhiều các luật gia, luật sư trên cả nước. Các ý kiến đã chia thành hai “phe” rõ rệt.
Một bên cho rằng anh Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) khi "đe dọa gửi cho báo chí, in tờ rơi phân phát khắp nơi" để buộc Tân Hiệp Phát phải chi ra một khoản tiền lớn để nhận sự im lặng là hành vi "tống tiền" cần phải bị xét xử theo quy định tại Điều 135 của BLHS về tội Cưỡng đoạt tài sản.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác không đồng tình và cho rằng công ty THP đã hành xử không đẹp khi "gài bẫy người tiêu dùng", đẩy một nhân vật "thấp cổ bé họng" vào vòng lao lý để trốn tránh trách nhiệm với một sản phẩm bị lỗi…
Các bên đều có những lý lẽ chắc chắn để bảo vệ ý kiến của mình.
Ép buộc chi tiền mới im lặng: không thể là thỏa thuận dân sự được
Nhiều ý kiến cho rằng, với số tiền “khủng” đòi bồi thường thiệt hại như vậy là không cân xứng với… chai nước. Hơn nữa, nói là bồi thường thiệt hại thì cũng chưa thấy có thiệt hại xảy ra. Như vậy, anh Minh đòi THP phải “chung” 1 tỉ (sau này giảm giá xuống còn 500 triệu đồng) nếu không “sẽ đưa thông tin cho 10 tờ báo và in tờ rơi phát tán để nhiều người biết” rõ ràng là có dấu hiệu phạm tội hình sự.
Bạn đọc Vĩnh Phú khẳng định: “Anh Minh, nói trắng ra là làm tiền. Thiệt hại của anh Minh trong vụ này là gì để mà đòi bồi thường với mức như vậy? Thương lượng cũng năm bảy đường thương lượng. Gọi là thương lượng để đòi bồi thường trong dân sự cũng phải trên căn cứ có lỗi và có sự gây thiệt hại chứ. Đây chẳng qua là sự ra giá và ngã giá thôi!”. Ý kiến này nhận được khá nhiều “Like” đồng tình.
Bạn đọc có nick LJB thì phân tích: “Với nội dung trên báo nêu thì không thể là thỏa thuận dân sự được vì sau khi phát hiện con ruồi trong chai nước và dùng chai nước đó để ép buộc THP phải chấp nhận yêu cầu, không thì sẽ "giao cho báo chí và in tờ rơi để phát tán cho nhiều người cùng biết". Chính điều này đã buộc THP phải chấp nhận "một phần" của yêu cầu. Với hành vi đó đủ yếu tố cấu thành tội, xâm phạm đến lợi ích chính đáng của THP (không cần phải có thiệt hại). Do đó, đây không phải là mối quan hệ dân sự mà phải là hình sự".
Bạn Lưu Quang Đạo, Lê Lương, Vĩnh Phú và nhiều bạn khác cùng có chung phân tích “Nếu là thỏa thuận dân sự thì anh Minh chỉ có thể đòi THP bồi thường cho những tổn thất, thiệt hại mà anh gánh chịu do việc dùng phải chai nước có ruồi. Ở đây không có chuyện đó, vì bản thân anh Minh dường như cũng không thấy mình bị thiệt hại gì mà đòi bồi thường. Chỉ có chuyện anh Minh đòi một khoản tiền lớn, bằng không anh sẽ làm mất uy tín của THP bằng cách này cách nọ. Như vậy ở đây có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản. Hành vi này cũng giống như, ví dụ, một người biết ai đó léng phéng bồ bịch, bèn chụp ảnh trộm rồi đòi người kia chi tiền, nếu không sẽ làm um lên. Cái này không thể gọi là "thỏa thuận dân sự" được, kể cả khi người kia buộc phải giả vờ đồng ý, rồi báo công an”; “không thể gọi là thương lượng đòi bồi thường mà đích thị là lợi dụng cơ hội để hù dọa, tống tiền doanh nghiệp. Hành vi này không là cưỡng đoạt tài sản thì là gì. Các luật sư không nên chẻ chữ, dùng các khái niệm để tung hỏa mù nhằm biện hộ cho hành vi vụ lợi quá đáng này được”;
“Qua diễn biến cho thấy hành vi của ông Minh không thể gọi là thương lượng dân sự giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp được”- bạn Tứ Đại Hộ Pháp comment.
Bạn đọc Thành còn cho rằng: “Thử hỏi anh ta đã bị thiệt hại những gì mà đòi tới 500 triệu? Nếu chấp nhận những hành vi này thì xã hội loạn mất, bởi doanh nghiệp nào mà chẳng có sản phẩm bị lỗi”.
Bạn Thiên đồng tình: “Không xử hình sự thì còn nhiều sự việc để làm tiền công ty, doanh nghiệp nữa thôi. Luật pháp nếu không nghiêm thì sẽ còn nhiều việc diễn ra. Vì lẽ đó, phải xử lý hình sự đối với ông Minh này, đồng thời cảnh báo, răn đe những người muốn làm tiền người khác bằng cách này.
Bạn Vĩnh Phú còn nêu ý kiến “Giao dịch dân sự gì mà đi đòi DN bỏ ra cả tỷ đồng để mua sự im lặng”, bạn TinhLe lại có ý kiến khác trả lời: “500 triệu này là thương hiệu và uy tín đó bạn. Không nhiều chút nào đâu”.

Vụ 'Con ruồi trong chai nước’: Tranh cãi bất phân thắng bại ảnh 1
 Anh Võ Văn Minh bị bắt cùng tang vật

Giao dịch dân sự thì phải giải quyết bằng Bộ luật Dân sự
Trái lại, với lý lẽ không kém phần sắc sảo, nhiều bạn đọc lại cho rằng anh Minh không đáng phải bị truy tố tội hình sự, vì anh Minh đang thực hiện quyền của người tiêu dùng theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Anh Minh thực hiện thương lượng và đã đạt được thỏa thuận, như vậy đây chỉ đơn thuần là một giao dịch dân sự.
Bạn Hương trăn trở: “Tôi thấy khởi tố anh Minh là không ổn, ép dân lắm!!!”
Bạn có nick Người Tiêu Dùng thì bức xúc: “Việc côn trùng trong chai nước là có thật, nếu có căn cứ cho rằng không có côn trùng trong chai nước thì người sản xuất có quyền tố cáo hành vi của anh Minh. Trong trường hợp này người sản xuất đã chấp nhận bồi thường là lĩnh vực dân sự”.
Bạn Hải Hà lại có ý kiến: “Không nên khởi tố. Nếu DN tự nguyện sửa sai thì đây là thỏa thuận của DN và người tiêu dùng. Trong trường hợp này không nên ép anh Minh”.
Luật sư Phùng Thanh Sơn đã có một comment phân tích khá dài cho rằng cơ quan điều tra đang hình sự hóa một giao dịch dân sự:
"Mọi hành vi phạm tội đều là trái đạo đức xã hội, trái trật tự công cộng nhưng không phải mọi hành vi trái đạo đức xã hội, trái trật tự công cộng đều là tội phạm. Chỉ khi nào thực hiện những hành vi được quy định trong BLHS thì mới được xem là tội phạm…
Nếu anh Minh được xem là người tiêu dùng thì căn cứ vào Điều 8 và Điều 31 của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng anh Minh có quyền thông báo cho THP và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Hiện tại, không có bất kỳ một điều luật nào cấm hay hạn chế người bị thiệt hại phải đưa ra mức bồi thường chính xác với thiệt hại thực tế cả! Việc xác định đâu là thiệt hại thức tế, mức bồi thường như thế nào là hợp lý đó là nhiệm vụ của tòa án chứ không phải là nhiệm vụ của người bị thiệt hại. Nếu đưa ra yêu cầu vô lý thì người bị hại sẽ bị bác và chịu án phí cho phần không được tòa chấp nhận. Do đó, việc anh Minh thực hiện quyền mà luật pháp quy định thì không thể cho đây là 'thủ đoạn" được đề cập tại Điều 135 BLHS.
Mặc khác, các bên đã có thỏa thuận bằng văn bản về việc THP đưa cho anh Minh 500 triệu đồng và anh Minh đưa lại chai Number One có con ruồi bên trong nên căn cứ vào Điều 121 BLDS 2005. Do đó, nếu THP cho rằng mình bị ép buộc phải ký thỏa thuận này thì THP có quyền khởi kiện một vụ án dân sự để yêu cầu tòa án tuyên Thỏa thuận này vô hiệu do bị đe dọa theo quy định tại Điều 132 BLDS 2005. Do đó, nếu cơ quan điều tra vẫn cố tình khởi tố và bắt tạm giam anh Minh thì vô tình đã phủ nhận giá trị pháp lý của Bộ Luật Dân sự 2005 và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm là bất kỳ chủ thể nào khi tham gia vào một giao dịch dân sự có đền bù bằng tài sản đều có thể bị khởi tố về tội cưỡng đoạt tài sản nếu một bên giao dịch nại ra được lý do A,B,C để nói rằng mình đã bị uy hiếp tinh thần để ký hợp đồng với giá cao/thấp”.
Không đồng tình với ý kiến luật sư Sơn, Luật gia Nam cho rằng: Người tiêu dùng có thể yêu cầu nhà sản xuất, doanh nghiệp bồi thường thiệt hại với điều kiện phải có thiệt hại xảy ra. Chẳng hạn bạn mua một cái ti vi, không làm gì mà nó hư thì bạn có thể yêu cầu nơi bán, nhà sản xuất đổi lại cái ti vi khác hay hoàn lại tiền. Nếu thỏa thuận không được, bạn có thể nhờ Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng có ý kiến giúp bạn hoặc bạn khởi kiện ra tòa. Nếu kiện ra tòa, ngoài yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất (mà bạn phải có chứng cứ chứng minh), bạn cũng có thể yêu cầu bị đơn bồi thường một khoản tổn thất tinh thần (khoản này hai bên có thể thương lượng, thương lượng không được thì để tòa quyết - tối đa không quá 10 tháng lương nhà nước tối thiểu). Như vậy, để được xem là "thương lượng", "thỏa thuận" hơp pháp và chính đáng thì TRƯỚC HẾT BẠN PHẢI CÓ THIỆT HẠI và yêu cầu bồi thường trên cơ sở thiệt hại đó. Còn ở đây, việc anh Minh lợi dụng 1 chai nước có ruồi mà đòi Tân Hiệp Phát phải chi 1 tỷ đồng, nếu không sẽ cung cấp thông tin cho báo chí là SỰ UY HIẾP để cưỡng đoạt tài sản chứ không phải yêu cầu bồi thường (bởi có thiệt hại cái gì đâu ngoài 2 chai nước khách mua trả lại). Tức anh Minh muốn nắm thóp THP sợ bị báo chí đưa tin thì ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu, bị người tiêu dùng ghê sợ tẩy chay sản phẩm, làm giảm doanh thu.... nên sẽ phải cắn răng chi tiền”.
Luật sư Phùng Thanh Sơn phân tích thêm: “Khái niệm "giao dịch dân sự" không liên quan và không phụ thuộc vào mục đích của chủ thể trong giao dịch dân sự là gì, miễn là nó làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt nghĩa vụ dân sự. Trong thỏa thuận giữa THP và anh Minh đã thể hiện rõ nghĩa vụ đưa tiền của THP và nghĩa vụ đưa chai Number One có con ruồi và phải im lặng của anh Minh. Thỏa Thuận này không phải giao dịch dân sự thì là gì? [Trong trường hợp này, giao dịch này sẽ bị vô hiệu, không được pháp luật thừa nhận nhưng không phải nghiêm trọng đến mức phải xử lý hình sự].
Bạn Lưu Quang Đạo đáp lời: “Theo luật Dân sự thì giao dịch này vô hiệu. Đồng thời theo luật Hình sự thì việc anh Minh đe dọa THP đã thỏa mãn mặt khách quan của tội cưỡng đoạt tài sản; việc anh Minh đòi THP chi 500 triệu thì mới không thực hiện các việc mà anh đe dọa (chính là cái mà Ls gọi là "giao dịch dân sự" đấy!) đã thỏa mãn dấu hiệu "mục đích cưỡng đoạt tài sản" của mặt chủ quan của tội này. Vậy là đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm”.
Nên là người tiêu dùng khôn ngoan
Việc THP có lỗi hay anh Võ Văn Minh phạm tội cần phải có kết quả từ cơ quan điều tra và kết luận của cơ quan có thẩm quyền chúng ta mới biết được. Tuy nhiên, từ vụ việc này mọi người có thể rút ra được nhiều điều bổ ích cho bản thân và rút kinh nghiệm cho cách hành xử nếu rơi vào tình huống tương tự.

Trong trường hợp phát hiện sản phẩm không đảm bảo chất lượng, người tiêu dùng nên hành động một cách sáng suốt để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình cũng như cho cộng đồng.

Theo đó, người tiêu dùng ngoài việc có quyền yêu cầu bên sản xuất, cung ứng hàng hóa bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, nếu không được giải quyết một cách hợp lý thì có quyền khiếu nại đến cơ quan nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Trung ương hoặc địa phương, hoặc Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tùy tính chất vụ việc còn có thể khởi kiện ra Tòa án.

Ngoài ra, gặp trường hợp hàng hóa bị lỗi, theo quy định của pháp luật, người tiêu dùng còn có nghĩa vụ phải thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan để có biện pháp khắc phục để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng theo đúng quy định tại Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

Theo Điều 30, 31 và 32 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Người tiêu dùng có quyền thương lượng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ (gọi tắt là nhà sản xuất). Thương lượng là một trong nhiều phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất. Người tiêu dùng có quyền gửi yêu cầu đến nhà sản xuất để thương lượng khi cho rằng quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm phạm. Nhà sản xuất có trách nhiệm tiếp nhận, thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá bảy ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu. Kết quả thương lượng thành được lập thành văn bản, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm