Vụ hối lộ đường sắt: Bị cáo đầu vụ bị đề nghị 11-13 năm tù

Ngày 26-10, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử sáu cựu cán bộ đường sắt nhận 11 tỉ đồng ngoài hợp đồng từ Công ty Tư vấn Giao thông Nhật Bản - JTC (Pháp Luật TP.HCMđã từng đưa tin).

Bị truy tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo khoản 3, bị cáo Phạm Hải Bằng (bị cáo đầu vụ, nguyên phó giám đốc Ban Quản Lý (BQL) các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam) bị đề nghị mức án từ 11 đến 13 năm tù, các bị cáo khác bị đề nghị mức án 6-12 năm tù.

Cuối giờ chiều, phiên tòa tạm nghỉ và sẽ làm việc trở lại sáng nay với phần đối đáp của luật sư và đại diện VKS.

Xâm phạm lợi ích quốc gia

Trong phần luận tội, đại diện VKS khẳng định cáo trạng truy tố các bị cáo là chính xác, có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Các bị cáo đã vi phạm hàng loạt quy định mà cán bộ, công chức phải tuân thủ như không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình… Cạnh đó, các bị cáo cũng không giữ đúng quy tắc đạo đức và ứng xử trong đấu thầu liên quan đến vốn ODA Nhật Bản là không đưa, nhận hoặc đòi hỏi những thứ có giá trị hoặc những hình thức đãi ngộ của cá nhân và tổ chức có liên quan đến quá trình lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng.

Công tố viên nhấn mạnh hành vi phạm tội của các bị cáo rất nghiêm trọng, gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế, làm ngừng trệ quá trình vận hành dự án, đến nay chưa thể xác định được thiệt hại cụ thể. Hành vi của các bị cáo còn xâm phạm đến lợi ích quốc gia trong quan hệ vay và sử dụng vốn ODA cũng như quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản; đặc biệt, làm xấu đi hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế trong thời kỳ hội nhập…

 
Các bị cáo tại phiên tòa. Người đứng trong vành móng ngựa là bị cáo Phạm Hải Bằng. Ảnh: TN

Nhận tiền nhưng bảo không sai

Tại phiên tòa, bị cáo Phạm Hải Bằng thừa nhận đã nhận khoảng 11 tỉ đồng từ JTC nhưng không nhớ được số lần nhận tiền. Bị cáo khai chưa bao giờ chủ động đặt vấn đề yêu cầu JTC hỗ trợ tiền cho RPMU mà chỉ nêu những khó khăn của RPMU về chi phí triển khai dự án. Quá trình chuyển tiền sau đó, JTC tự thực hiện.

Ở một lời khai khác, bị cáo Bằng nói trách nhiệm của nhà tư vấn là phải chịu chi phí cho các hoạt động tới khi ra “sản phẩm” cuối cùng. Nhà tư vấn nhờ BQL chi hộ (vì không hiểu biết quy định của pháp luật Việt Nam…) nên chuyển số tiền này cho BQĹ. Số tiền 11 tỉ đồng này là chi phí cần thiết phải chi, thuộc trách nhiệm của nhà thầu. Vì vậy, cáo trạng buộc các bị cáo chịu trách nhiệm đối với khoản 11 tỉ đồng này là không phù hợp. Bị cáo không làm gì sai so với những văn bản mà bị cáo được giao nhiệm vụ.

Đa số các luật sư kiến nghị trả hồ sơ để điều tra bổ sung làm rõ thiệt hại của vụ án. Theo các luật sư, nguyên đơn trong vụ án này nếu có là JTC nhưng phía JTC không có văn bản yêu cầu. Vụ án không có nguyên đơn dân sự thì liệu các bị cáo có gây thiệt hại cho ai không?

Chi tiếp khách, nghỉ mát, thưởng tết…

Bị cáo Nguyễn Nam Thái (nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU) khai khi tiếp nhận các khoản tiền từ JTC, Thái thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Bằng, sử dụng chi phí cho dự án (như tiếp khách, đối ngoại…), một phần chuyển phòng dự án 3 để chi cho các hoạt động chung như thưởng lễ, tết, chi nghỉ mát,… Khi sử dụng số tiền này, Thái lập bảng Excel trên máy tính để theo dõi nhưng sau mỗi lần báo cáo chốt số liệu chi tiêu với bị cáo Bằng, Thái lại xóa các file đi.

Tương tự, Bằng cũng khai “chi xong bị cáo xóa đi”.

Chủ tọa hỏi: “Tại sao phải xóa?”. Bị cáo Bằng đáp: “Vì không phải quản lý những chi tiêu này, phía nhà thầu Nhật cũng không yêu cầu lưu giữ”.

Vị chủ tọa hỏi tiếp: “Bị cáo khai tư vấn có trách nhiệm thực hiện những chi phí này nhưng nhờ BQL đứng ra chi hộ. Vậy tiền “nhờ chi hộ” đó có chứng từ quyết toán không?”. Bị cáo Bằng bảo: “Không”.

Chủ tọa nhận xét: “Có ai ném tiền cho người khác muốn tiêu gì thì tiêu mà không cần báo lại không?”

Sau đó vị chủ tọa phiên tòa tiếp tục công bố lời khai của bị cáo Bằng tại cơ quan điều tra, theo đó bị cáo kê ra rất nhiều mục, trong đó có “mục chi tiêu cá nhân của tôi”; mục chi quản lý bồi dưỡng riêng cho BQL dự án thực hiện trong các ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ mát…

“Tư vấn có trách nhiệm phải trả chi phí di chuyển văn phòng của BQL không?” - chủ tọa hỏi. Bị cáo Bằng đáp “không” và lý giải đó là “tiền hỗ trợ”.

“Không suy nghĩ gì sâu sắc”

Trong vụ án này, có ba bị cáo nguyên là giám đốc RPMU qua các thời kỳ được nhận “phong bì” trích từ số tiền JTC chuyển. Tại tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hiếu phủ nhận việc nhận 50 triệu đồng “quà chúc tết” của RPMU dịp tết âm lịch 2014. Khi được đối chất tại tòa, bị cáo Bằng khai RPMU có đưa cho bị cáo Hiếu một phong bì 50 triệu đồng nhưng bị cáo trực tiếp đưa hay bị cáo Nguyễn Nam Thái đưa thì không nhớ.

Riêng bị cáo Trần Văn Lục thì khai chưa bao giờ nghe bị cáo Bằng báo cáo về việc tổ dự án có nhận khoản tiền hỗ trợ từ JTC. Dịp tết 2010, bị cáo Bằng đến nhà bị cáo chúc tết (lúc đó bị cáo đã chuyển khỏi BQL dự án được năm tháng) và có để lại một túi quà, cũng không nói gì với bị cáo về số tiền.

“Sau tết, khi kiểm tra lại các túi quà, thấy có 100 triệu đồng trong đó, bị cáo nghĩ Bằng đến chúc tết trên phương diện tình cảm. Thực tế, bị cáo và bị cáo Bằng có 10 năm gắn bó với nhau. Bị cáo trực tiếp tiếp nhận Bằng về ban, dìu dắt, giúp đỡ, đào tạo, quy hoạch, bồi dưỡng để Bằng từ cán bộ quy hoạch trở thành phó giám đốc và sau này còn được đưa vào danh sách quy hoạch làm giám đốc của ban nữa” - bị cáo Lục khai.

Khi được hỏi, bị cáo Bằng nói tiền đưa cho bị cáo Lục trích từ tiền nhận được của JTC, không phải tiền túi bị cáo.

Còn bị cáo Trần Quốc Đông cũng thừa nhận nhận từ Bằng 30 triệu đồng. “Bị cáo nghĩ đó là phong tục người Việt Nam. Thực tế cuộc sống, việc người thân quen có biếu quà nhau là phổ biến nên bị cáo nhận, không suy nghĩ gì sâu sắc” - bị cáo Đông trần tình.

VKS đề nghị mức án

1. Bị cáo Phạm Hải Bằng: 11-13 năm tù, truy nộp số tiền 3,6 tỉ đồng.

2. Bị cáo Nguyễn Nam Thái: 10-12 năm tù, truy nộp 2,8 tỉ đồng.

3. Bị cáo Trần Văn Lục: 6-8 năm tù, thu 100 triệu đồng là số tiền hưởng lợi bất chính mà bị cáo đã nộp cho cơ quan điều tra

4. Bị cáo Trần Quốc Đông: 7-9 năm tù, thu 30 triệu đồng tiền hưởng lợi bất chính mà bị cáo đã nộp cơ quan điều tra.

5. Bị cáo Nguyễn Văn Hiếu: 7-9 năm tù, truy nộp số tiền 50 triệu đồng mà bị cáo đã hưởng lợi bất chính.

6. Bị cáo Phạm Quang Duy: 8-10 năm tù, truy nộp hơn 2,3 tỉ đồng.

VKS đề nghị kê biên tài sản của bị cáo Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy để bảo đảm thi hành án.

Không đưa hối lộ thì khó làm việc

Tại phiên tòa, chủ tọa công bố lời khai của một trong những nhà thầu Nhật Bản (tại phiên xử ở Nhật hồi tháng 2 vừa qua). Cụ thể, người này khai: "Tại dự án này, trước khi bước vào đàm phán hợp đồng, ông Bằng đã yêu cầu Liên danh JKT ký hợp đồng với nhà thầu phụ, Bằng sẽ là người trung gian. Bằng nhận tiền dưới danh nghĩa là tiền giới thiệu nhà thầu phụ cho tôi. Tôi nghĩ chẳng phải ông Bằng đang làm béo bụng cá nhân ông ấy hay sao? Tôi cho rằng nếu từ chối yêu cầu đưa hối lộ thì đừng nói đến việc tham gia đàm phán hợp đồng"…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm