Vụ hối lộ đường sắt: VKS đề nghị mức án cao nhất 13 năm tù

Chiều 26-10, sau phần thẩm vấn, VKS đã đề nghị mức án với các bị cáo nguyên là quan chức Ban Quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt VN - RPMU.

Theo đó, nguyên phó giám đốc RPMU Phạm Hải Bằng bị đề nghị 11-13 năm tù, truy nộp số tiền 3,6 tỉ đồng.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Bị cáo Nguyễn Nam Thái (nguyên trưởng phòng thực hiện dự án 3, RPMU): 10-12 năm tù, truy nộp 2,8 tỉ đồng.

Trần Văn Lục (nguyên giám đốc RPMU): 6-8 năm tù, thu 100 triệu đồng là số tiền hưởng lợi bất chính mà bị cáo đã nộp cho cơ quan điều tra.

Bị cáo Trần Quốc Đông (nguyên giám đốc RPMU, nguyên phó tổng giám đốc Tổng Công ty Đường sắt VN) mức án 7-9 năm tù, thu 30 triệu đồng tiền hưởng lợi bất chính mà bị cáo đã nộp cơ quan điều tra

Nguyễn Văn Hiếu (nguyên giám đốc RPMU): 7-9 năm tù giam, truy nộp số tiền 50 triệu đồng mà bị cáo đã hưởng lợi bất chính.

Phạm Quang Duy (nguyên phó giám đốc RPMU): 8-10 năm tù, truy nộp hơn 2,3 tỉ đồng. VKS đề nghị kê biên tài sản của Phạm Hải Bằng, Nguyễn Nam Thái và Phạm Quang Duy để bảo đảm thi hành án.

Đại diện VKS tại phiên xử 

Trước đó, trong phần nhận định, đại diện VKS cho rằng hành vi các bị cáo vi phạm quy định pháp luật về Luật cán bộ, công chức; Vi phạm Khoản 2 Điều 40 Luật Phòng chống tham nhũng, trong đó quy định cán bộ không được nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất của người khác liên quan phạm vi quản lý của mình.

Các bị cáo cũng vi phạm nguyên tắc ứng xử trong đầu thầu vốn ODA của Nhật Bản trong văn bản ngày 5-6-2009 của Bộ KHĐT…

VKS một lần nữa khẳng định hành vi phạm tội của các bị cáo rất nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam, làm ngừng trệ chế độ vận hành dự án, xâm phạm đến lợi ích quốc gia trong quan hệ vay và sử dụng vốn ODA cũng như quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đặc biệt, làm xấu đi hình ảnh của VN trên trường quốc tế trong thời kỳ hội nhập sâu rộng như hiện nay.

 

Có bị điên mới ném tiền muốn tiêu gì tiêu

Trước khi VKS đề nghị mức án, chủ tọa “vặn” bị cáo Bằng về số tiền 11 tỉ đồng không có chứng từ quyết toán:

Có ai ném tiền, muốn tiêu gì thì tiêu không cần báo lại không? người ta có bị điên không? Có phải người bình thường không?

Khi Bằng nói: “Họ không yêu cầu chứng tứ quyết toán”, chủ tọa đọc lại lời khai của Bằng về các mục chi tiêu cá nhân, chi quản lý bồi dưỡng riêng cho ban quản lý dự án thực hiện trong các ngày nghỉ lễ, nghỉ tết, nghỉ mát, công đoàn, đoàn thành niên, phục vụ cho việc mua máy tính, di chuyển văn phòng…

“Hoạt động tư vấn có quy định chi phí di chuyển văn phòng do tư vấn trả không? Các bị cáo hiểu đó là tiền gì? Quy chế của cơ quan bị cáo có cho phép nhận quà biếu không…”

Sau khi nêu hàng loạt vi phạm, chủ tọa nói: Với tư cách là phó ban quản lý dự án đường sắt, bị cáo thừa biết quy chế của Bộ Kế hoạch đầu tư về sử dụng tiền đầu tư cho xây dựng cơ bản; về quy định nhận quà biếu mà các bị cáo vẫn nhận tiền là đã thực hiện hành vi trái với công vụ.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm