Vụ trộm điện thoại khó xử: Kiến nghị đưa bị hại ra tòa

Các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn Cách vừa có đơn kiến nghị gửi TAND quận Thủ Đức, TP.HCM.
Theo đơn, các luật sư đề nghị tòa triệu tập ông Lê Văn Thanh - người mất chiếc ĐTDĐ Mobistar nhằm làm rõ những tình tiết chưa thuyết phục trong việc buộc tội Cách. Tòa nhiều lần đưa vụ án ra xét xử nhưng chưa từng triệu tập bị hại này.
Các luật sư cho rằng hồ sơ vụ án thể hiện nhiều tình tiết chưa được chứng minh làm rõ nhằm xác định nguồn gốc vật bị trộm có phải là của ông Thanh hay không.
Từ khi bị bắt đến khi ra tòa tháng 12-2016, các bị cáo đều khai giật chiếc ĐTDĐ Mobistar này của một phụ nữ đi đường chưa rõ lai lịch.
Tuy nhiên, sau khi tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì một số bị cáo khai lại rằng trộm chiếc ĐTDĐ này của ông Thanh bằng cách dùng cây tràm khều qua cửa sổ tại nhà trọ phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức vào một đêm đầu tháng 12-2015. Họ khai do trước đó nhầm lẫn nên khai báo chưa chính xác. Trong khi đó, cáo trạng lại kết luận do phòng ông Thanh không khóa cửa nên một bị cáo lẻn vào lấy trộm.

Các luật sư đề nghị triệu tập bị hại để làm rõ những tình tiết chưa thuyết phục trong việc buộc tội Cách.

Về giá trị chiếc ĐTDĐ Mobistar, ông Thanh khai mua 2,4 triệu đồng. Kết quả định giá tháng 11-2017 xác định ĐTDĐ này trị giá 2,07 triệu đồng. Tuy nhiên, căn cứ vào giá tham khảo trước đó và việc xác định giá theo công văn tháng 1-2016 của UBND quận Thủ Đức thì giá điện thoại chung của Mobistar chỉ là 500.000 đồng…

Ngoài ra, còn những lời khai bất nhất khác của bị hại về thời gian mua, giá cả, đời máy, thời gian mất.
Cạnh đó, cũng cần làm rõ điện thoại này đã được CQĐT giao trả cho ông Thanh chưa vì theo hồ sơ thì bị hại này đã nhận lại điện thoại nhưng theo chứng cứ do Cách cung cấp tại phiên tòa ngày 8-8-2018 thì bị hại này chưa được giao trả.
Ngày 28-8-2018, tòa tiếp tục ban hành quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung với nhiều yêu cầu, trong đó có yêu cầu điều tra chứng minh khi mua ĐTDĐ Mobistar này, Cách có biết tài sản đó do phạm tội mà có hay không. 
Theo hồ sơ buộc tội, từ ngày 1-11 đến 14-12-2015, Tạ Ngọc Linh cùng ba người khác đã thực hiện 10 vụ trộm cắp.
Tạ Ngọc Linh đã hai lần mang hai chiếc điện thoại lấy trộm được đem bán cho Cách. Khi mua ĐTDĐ, Cách biết rõ đó là của gian nên bị truy cứu tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Tháng 12-2015, CQĐT Công an quận Thủ Đức khởi tố cả năm người về các tội trộm cắp tài sản và tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Đến nay, cơ quan tố tụng vẫn chưa chứng minh được Cách có biết rõ hai chiếc ĐTDĐ này là của gian hay không. Quá trình tố tụng hơn hai năm qua, VKS đã ban hành ba cáo trạng.
Sau khi được tại ngoại điều tra và tại các phiên tòa, Cách kêu oan, cho rằng mình kinh doanh, mua bán ĐTDĐ cũ, mới, có người bán thì mua chứ không thể biết là đồ gian. Hơn nữa, ĐTDĐ là động sản, theo quy định chủ sở hữu không cần phải đăng ký quyền sở hữu nên không cần thiết phải truy xuất nguồn gốc tài sản...
Cách cũng trình bày tại tòa và có đơn tố cáo về việc Cách bị CQĐT khám xét tiệm ĐTDĐ và thu giữ tài sản nhưng từ tháng 12-2015 đến tháng 3-2017, qua nhiều phiên tòa, hồ sơ vẫn không thể hiện có việc thu giữ tài sản của bị cáo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm