Vụ Vinasun kiện Grab: Tòa kiến nghị xem lại Đề án 24

Sau thời gian xét xử từ ngày 17-10 và có thời gian tạm dừng phiên tòa cho hai bên tự hòa giải, ngày 28-12, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam - đơn vị sở hữu thương hiệu taxi Vinasun (Vinasun) kiện Công ty TNHH GrabTaxi Việt Nam (Grab) đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng 41,2 tỉ đồng.

Grab có một phần lỗi với Vinasun

HĐXX nhận định Vinasun kiện đòi Grab bồi thường 41,2 tỉ đồng chứ không yêu cầu giải quyết việc cạnh tranh không lành mạnh nên việc Grab cho rằng việc giải quyết tranh chấp này của Bộ GTVT là không có căn cứ.

Xét hoạt động của Grab, tòa cho rằng Grab đã trực tiếp kinh doanh taxi, điều chỉnh giá bán, khuyến mãi, thưởng điểm cho tài xế… Grab cũng thừa nhận có xử phạt tài xế. Trong khi đó, Quyết định 24/2016 của Bộ GTVT không cho phép Grab làm điều này.

Để kinh doanh vận tải bằng ô tô thì doanh nghiệp phải đảm bảo những điều kiện như niên hạn xe, đóng các loại bảo hiểm cho người lao động... Tuy nhiên, Grab không đáp ứng các điều kiện này. HĐXX cho rằng Grab đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam về kinh doanh vận tải. Ngoài ra, Grab còn có một số vi phạm đã bị cơ quan chức năng xử phạt.

Tại tòa, HĐXX có hỏi Grab mức chiết khấu về quãng đường khác nhau trong khi cùng một điều kiện nhưng Grab không trả lời được. Điều này cho thấy Grab chủ động điều chỉnh mức chiết khấu. Giao dịch của Grab không phải là hợp đồng điện tử như Grab nói, bởi vì không có điều khoản cơ bản, quyền nghĩa vụ của hai bên, phương thức giải quyết tranh chấp... Từ những điều này cho thấy việc Grab cho rằng công ty này chỉ hoạt động cung ứng phần mềm là không có cơ sở chấp nhận. Hoạt động Grab đã và đang thực hiện là hoạt động kinh doanh vận tải taxi.

Tòa cũng dẫn chứng vụ kiện đối với Uber tại Tòa Công lý châu Âu với phán quyết theo hướng Uber cũng là công ty kinh doanh dịch vụ vận tải. HĐXX nhận định Grab vi phạm Đề án 24, Luật Thương mại... Bởi lẽ Grab chỉ được phép cung ứng dịch vụ kết nối nhưng lại trực tiếp kinh doanh vận tải taxi. Đây là hành vi có lỗi của Grab, vi phạm nghiêm trọng quy định pháp luật.

Đại diện Vinasun và Grab đang nghe tòa tuyên án. Ảnh: PL

Việc Vinasun khởi kiện cho rằng thời gian qua Grab kinh doanh vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun là có căn cứ.

Về mối quan hệ nhân quả, dựa vào tài liệu thu thập cho thấy từ đầu năm 2016, số lượng xe đăng ký phù hiệu xe hợp đồng của Grab tăng đột biến thì xe Vinasun nằm bãi càng nhiều. Như vậy, hành vi vi phạm của Grab dẫn đến thiệt hại cho Vinasun vì xe nằm bãi không kinh doanh là có mối quan hệ nhân quả. Tuy nhiên, về vấn đề giảm vốn hóa thị trường của Vinasun còn có nhiều yếu tố, không xác định cụ thể được phần nào do Grab gây ra...

Do đó, HĐXX chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu Grab bồi thường hơn 4,8 tỉ đồng; bác yêu cầu đòi Grab 36,3 tỉ đồng.

VKS thay đổi quan điểm

Đáng chú ý, trình bày quan điểm giải quyết vụ án tại tòa, đại diện VKS bất ngờ đã thay đổi quan điểm so với lần nhận định trước đó. Cụ thể, VKS cho rằng Grab có những hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho Vinasun và thiệt hại thực tế có thể lớn hơn rất nhiều so với yêu cầu bồi thường của nguyên đơn. Tuy nhiên, Vinasun lại không đưa ra được những căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của Grab là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại cho mình. Vì vậy không đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun buộc Grab phải bồi thường số tiền là 41,2 tỉ đồng.

Tuy nhiên, cũng phần phát biểu quan điểm giải quyết vụ án trước đó vào ngày 23-10, đại diện VKSND TP.HCM đã khẳng định Grab lợi dụng Đề án 24 để kinh doanh vận tải taxi, vi phạm Luật Doanh nghiệp về kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp…; có hành vi khuyến mãi trái quy định… VKS đã đề nghị HĐXX chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun, buộc Grab bồi thường một lần số tiền thiệt hại trên 41,2 tỉ đồng.

HĐXX đã kiến nghị xem lại Đề án 24 vì tuy thời gian qua đề án này mang lại những tiện ích nhưng cũng còn nhiều bất cập trong quản lý. Việc phát triển ồ ạt xe kết nối qua phần mềm của Grab gây ách tắc nghiêm trọng giao thông, nhất là trong các thành phố lớn. 

Bộ GTVT cần xem Grab là đơn vị kinh doanh vận tải để có phương pháp quản lý phù hợp như quy định về thuế, về điều kiện vận chuyển và giá cước vận chuyển, quy định về trách nhiệm với người lao động... Do đó, cần xem lại khung pháp lý để bảo đảm kinh doanh công bằng, cạnh tranh lành mạnh, chống độc quyền, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ người lao động. Ngoài ra, Vinasun cũng cần cải thiện chất lượng để đáp ứng chất lượng và tình hình kinh doanh trong tình hình mới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm