Xử hình sự pháp nhân về tội gì?

Song song với đề xuất xử lý hình sự pháp nhân, dự thảo BLHS (sửa đổi) cũng đề xuất một loạt tội danh mà pháp nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm.

Đề xuất 32 tội danh

Cụ thể, theo Điều 76 dự thảo, pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự về 32 tội danh, trong đó có các tội thuộc nhóm tội phạm môi trường, kinh tế, tham nhũng:

Trong nhóm tội phạm môi trường, dự thảo quy định truy cứu hình sự pháp nhân các tội gây ô nhiễm môi trường; tội vi phạm quy định về xử lý chất thải nguy hại; tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam; tội hủy hoại nguồn lợi thủy sản; tội hủy hoại rừng…

Trong nhóm tội phạm kinh tế, dự thảo quy định truy cứu hình sự pháp nhân các tội buôn lậu; tội trốn thuế; tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động; tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu sự thật trong hoạt động chứng khoán… Trong nhóm tội phạm tham nhũng có hai tội đưa hối lộ và tội nhận hối lộ.

Cạnh đó, dự thảo cũng quy định hệ thống chế tài hình sự đối với pháp nhân phạm tội: Hình phạt chính bao gồm phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tước quyền sử dụng giấy phép vĩnh viễn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Hình phạt bổ sung bao gồm cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; cấm huy động vốn; phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính).

Ngoài ra, các biện pháp tư pháp áp dụng với pháp nhân phạm tội theo dự thảo gồm tịch thu vật, tiền, hàng hóa, phương tiện trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; khôi phục lại tình trạng ban đầu...

Người dân phải đắp đập ngăn dòng nước thải gây ô nhiễm từ nhà máy của Công ty TNHH Plastic Tuấn Cường (Hưng Yên). Tháng 7-2014, UBND tỉnh Hưng Yên đã phạt công tynày gần 220 triệu đồng. Ảnh: INTERNET

Nên xử tội đưa hối lộ, nhận hối lộ?

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, các chuyên gia ủng hộ việc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân vi phạm trong lĩnh vực môi trường, chứng khoán nhưng riêng hai tội đưa hối lộ, nhận hối lộ thì còn có những ý kiến khác nhau.

Luật sư Nguyễn Hương Quê (Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên) ủng hộ việc truy cứu trách nhiệm hình sự pháp nhân trong hai tội đưa hối lộ, nhận hối lộ. Theo luật sư Hương Quê, hành vi đưa-nhận hối lộ do người của pháp nhân thực hiện, vì lợi ích của pháp nhân luôn có mức độ nguy hiểm cao, gây ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế, làm lũng đoạn thị trường, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, thậm chí liên quan đến các trường hợp phạm tội có tổ chức, xuyên quốc gia, rửa tiền...

Đồng tình, ông Nguyễn Văn Đực (Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành) cũng cho rằng việc quy định xử lý hình sự pháp nhân đối với hai tội đưa hối lộ, nhận hối lộ là khó nhưng cần thiết phải có để răn đe, phòng ngừa tội phạm. Tuy nhiên, theo ông Đực, việc xử lý hình sự pháp nhân cũng chỉ là một biện pháp, chưa chắc đã tránh được tệ đưa-nhận hối lộ trong hoạt động của pháp nhân. “Tôi ví dụ một năm nước ta làm hàng trăm ngàn công trình nhưng có mấy công trình phát hiện được tham nhũng đâu. Ngoại trừ khi ăn chia không sòng phẳng, người ta tố nhau hoặc công trình chất lượng quá tệ nên bị điều tra rồi phanh phui. Công ty A hứa trích hoa hồng cho công ty B để được nhận thầu thi công công trình, giữa hai bên có sự đồng thuận về khoản phí này. Giữa chủ đầu tư và giám sát, tư vấn cũng có sự thông đồng để làm ngơ cho nhau, làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình và tài sản của xã hội” - ông Đực nói. Từ đó ông Đực đề xuất ngoài việc xử lý hình sự pháp nhân để răn đe, phòng ngừa các hành vi bắt tay bòn rút tiền này thì cần có các phương pháp khác như tổ chức đấu thầu rộng rãi, công khai; rà soát lại dự toán, định mức...

Trong khi đó, luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) phản đối việc xử lý hình sự pháp nhân trong hai tội đưa hối lộ, nhận hối lộ. Ông lập luận: Rất khó phân định hành vi đưa-nhận hối lộ là chủ trương của pháp nhân hay chỉ là hành vi tự phát của cá nhân trong pháp nhân. Chẳng hạn, giám đốc công ty A có hành vi đưa hối lộ cho người khác, ngoài việc cá nhân giám đốc bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ thì rất khó xác định hành vi đưa hối lộ này do giám đốc tự ý thực hiện hay vì lợi ích của công ty A? Việc đưa hối lộ này thực hiện theo chủ trương của công ty A hay không? Hoặc nếu công ty A là công ty cổ phần có nhiều cổ đông, chủ trương đưa hối lộ là của riêng hội đồng quản trị, vậy phạt tiền công ty A về hành vi đưa hối lộ thì liệu có công bằng cho các cổ đông khác không phải là thành viên hội đồng quản trị? Rõ ràng họ không hề có hành vi vi phạm pháp luật nhưng lại phải gánh chịu thiệt hại.

Chỉ rõ người chịu trách nhiệm

Nếu khởi tố pháp nhân thì phải cụ thể hóa người chịu trách nhiệm. Đó có thể là người đại diện theo pháp luật của pháp nhân hoặc người trực tiếp có các hành vi vi phạm như điều luật quy định với tư cách được ủy quyền. Hơn nữa, ngoài hình phạt tiền, việc áp dụng hình phạt tước giấy phép hoạt động đối với pháp nhân trong một số trường hợp cần cân nhắc vì có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông góp vốn không có tiếng nói quyết định trong doanh nghiệp và người lao động.

Riêng trong lĩnh vực chứng khoán, nếu quy định hình phạt chính với pháp nhân là phạt tiền thì cần cân nhắc vì sẽ chồng chéo với Luật Chứng khoán, Luật Xử lý vi phạm hành chính hoặc cơ chế kiện đòi bồi thường thiệt hại trong tố tụng dân sự, kinh tế.

Luật sư NGÔ ĐÌNH HOÀNG, Đoàn Luật sư TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm