Xử hình sự tham nhũng trong lĩnh vực tư?

Một trong những vấn đề lớn mà tổ biên tập xin ý kiến là chương quy định các tội phạm về chức vụ nhưng gần như không có thành viên ban soạn thảo nào cho ý kiến về nội dung này. Theo đại diện tổ biên tập, có ý kiến đề xuất nên tách các tội phạm về tham nhũng quy định thành một chương riêng (ra khỏi chương tội phạm về chức vụ như hiện hành).

Kê khai tài sản gian dối: Chưa hình sự hóa?

Phó vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Văn Hoàn cho biết theo khuyến nghị của Công ước chống tham nhũng, các quốc gia thành viên cần xem xét hình sự hóa các hành vi tham nhũng trong khu vực tư, giới hạn ở phạm vi các hoạt động kinh tế, tài chính hoặc thương mại, đặc biệt liên quan đến biển thủ tài sản, hối lộ và đưa hối lộ.

Quá trình xây dựng dự thảo, có ý kiến cho rằng trước mắt chỉ nên quy định tội tham nhũng trong khu vực tư đối với hai loại hành vi là tham ô tài sản và nhận hối lộ. Ý kiến khác lại đề xuất mở rộng phạm vi tội tham nhũng trong khu vực tư bao gồm tất cả hành vi quy định tại Mục A Chương XXI (các tội phạm về tham nhũng).

“Tổ biên tập đồng tình với ý kiến thứ hai và cho rằng cần có sự bình đẳng trong việc xử lý tội phạm trong lĩnh vực công và lĩnh vực tư. Như vậy sẽ góp phần khắc phục bất cập trong thực tiễn xử lý tội phạm liên quan đến việc xác định tỉ lệ % tài sản công để quyết định xử lý về tội tham nhũng hay tội phạm khác” - ông Nguyễn Văn Hoàn nói.

Cũng theo ông Hoàn, Công ước chống tham nhũng còn khuyến nghị các quốc gia thành viên hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính. Có ý kiến cho rằng trong điều kiện nước ta hiện nay chưa thể hình sự hóa hành vi làm giàu bất chính thì cần cân nhắc hình sự hóa hành vi vi phạm nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập.

Có ý kiến đề xuất mở rộng thêm phạm vi tội tham nhũng trong khu vực tư. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, quan điểm khác lại phản đối và lập luận: Việc kê khai chỉ áp dụng đối với một số loại cán bộ, công chức chứ không phải tất cả. Hơn nữa, cần tính toán thật kỹ mối quan hệ với quy định tại Điều 52 Luật Phòng, chống tham nhũng. Điều luật này đã quy định người kê khai tài sản không trung thực bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật. Đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà kê khai không trung thực thì bị xóa tên khỏi danh sách những người ứng cử; người dự kiến bổ nhiệm, phê chuẩn mà kê khai không trung thực thì không được bổ nhiệm, phê chuẩn vào các chức vụ đã dự kiến.

“Tổ biên tập tán thành với ý kiến thứ hai là chưa hình sự hóa hành vi này mà cần áp dụng biện pháp xử lý kỷ luật theo quy định tại Điều 52 Luật Phòng, chống tham nhũng” - ông Hoàn cho biết.

Tội phạm ma túy: Phải xác định hàm lượng?

Liên quan đến các tội phạm về ma túy, tổ biên tập xin ý kiến về việc xác định khối lượng, trọng lượng hay hàm lượng chất ma túy để làm căn cứ định tội, định khung hình phạt.

Theo ông Nguyễn Văn Hoàn, có hai luồng quan điểm xung quanh việc này: Ý kiến thứ nhất cho rằng trên thực tế, mỗi loại chất ma túy khác nhau, được sản xuất ở các địa bàn khác nhau thì có hàm lượng ma túy khác nhau. Vì vậy, dù các chất ma túy có cùng trọng lượng hoặc khối lượng nhưng hàm lượng khác nhau và mức độ nguy hiểm cũng sẽ khác nhau. Nếu căn cứ vào trọng lượng hoặc khối lượng mà không căn cứ vào hàm lượng chất ma túy thì không đảm bảo nguyên tắc công bằng.

Ý kiến thứ hai lại lập luận nếu quy định căn cứ vào hàm lượng chất ma túy để truy cứu trách nhiệm hình sự thì trong nhiều trường hợp số lượng chất ma túy mà người phạm tội khai nhận không còn trên thực tế nên không thể xác định được hàm lượng. Mặt khác, hàm lượng chất ma túy nhiều hay ít chủ yếu liên quan đến giá cả, còn mức độ nguy hiểm phụ thuộc vào số lượng, khối lượng chất ma túy. Những người theo quan điểm này cho rằng cần giữ như quy định hiện hành về định lượng ma túy, đồng thời nghiên cứu điều chỉnh lại mức định lượng cho phù hợp. Dự thảo mới nhất cũng quy định theo hướng này.

Không đồng tình, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Sơn cho biết thực tế một bánh heroin thông thường chỉ có khoảng 30% moóc phin, một viên nén thì chỉ có khoảng 12% moóc phin. “Nếu lấy số lượng nhân lên thì phải áp dụng hình phạt tử hình nhưng hàm lượng thì không đủ. Vậy có oan không?” - ông Sơn nêu câu hỏi.

Đây cũng là vấn đề liên quan đến câu chuyện ngành tòa án thời gian qua đồng loạt trả lại hồ sơ án ma túy yêu cầu giám định hàm lượng khiến hơn 5.000 vụ án liên quan đến ma túy đang tồn ở các địa phương. Nước ta hiện chỉ có hai trung tâm giám định chất ma túy và do chưa có kết quả giám định nên tòa buộc phải trả lại hồ sơ cho cơ quan điều tra.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Kiều Đình Thụ cho biết vừa qua ông có tham gia đoàn kiểm tra về công tác giám định tư pháp, trong đó có việc giám định tư pháp về ma túy. “Các địa phương tôi đi họ nói chúng tôi không làm được vì liên quan đến máy móc, muốn vậy thì phải có tiền và quan trọng hơn là phải có mẫu… Mẫu này bán rất ít, mua rất khó. Tuy nhiên, Viện phó Viện Khoa học hình sự Bộ Công an nói các đồng chí đã tìm ra giải pháp, năm 2015 sẽ xử lý được” - ông Thụ nói.

Điểm mới đáng chú ý khác của dự thảo đã quy định theo hướng hình sự hóa hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt các loại cây giống cây thuốc phiện, cây côca, cây cần sa hoặc cây khác có chứa chất ma túy. Theo đại diện tổ biên tập, quá trình trồng cây thuốc phiện hoặc cây khác có chứa chất ma túy thường phải trải qua khâu gieo hạt, nảy mầm và chăm sóc. Do đó, hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán, chiếm đoạt các cây giống cây thuốc phiện hoặc cây khác có chứa chất ma túy làm gia tăng nguy cơ tái trồng cây thuốc phiện và cần phải được hình sự hóa.

Bỏ tội cố ý làm trái…

Liên quan đến tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, khi sửa BLHS năm 1999 cũng có ý kiến khác nhau. Đưa ra Quốc hội, ý kiến tán thành tội này chỉ nhiều hơn đề nghị bỏ có hai phiếu.

Tôi đề nghị bỏ tội này vì quy định cấu thành rất mù mờ. Văn bản pháp luật tính từ cấp xã trở lên thì không biết cơ man nào nên tính minh bạch không bảo đảm. Bộ Tư pháp từng tổ chức cuộc hội thảo, tại đó đặt ra yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử tội cố ý làm trái… có hành vi gì liệt kê ra hết nhưng các đồng chí không liệt kê ra được.

Ông NGUYỄN QUỐC VIỆT, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính, Bộ Tư pháp

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm