Xử vắng mặt người tố phó chánh án hối lộ là đúng luật

Ngày 21-7, ông Nông Văn Thụt (người tố cáo phó chánh án TAND huyện Ea Kar, Đắk Lắk vòi tiền chạy án) cho biết ông đã nhận được bản án phúc thẩm ngày 27-6 của TAND tỉnh Đắk Lắk xét xử ông về tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ.

Xử phúc thẩm vắng mặt và giảm án

Trước đó, TAND huyện Ea Kar xử sơ thẩm đã phạt ông Thụt 18 tháng tù về tội này. Ông Thụt kháng cáo kêu oan. Ngày 25-5, TAND tỉnh Đắk Lắk mở phiên xử phúc thẩm nhưng hoãn theo đơn đề nghị của ông Thụt để ông đi mổ mắt (bị kết cườm nặng).

Sau đó, tòa phúc thẩm đã triệu tập ông tham gia phiên xử phúc thẩm mở vào ngày 27-6. Ông Thụt tiếp tục làm đơn đề nghị tòa hoãn xử với lý do vừa xuất viện do mổ mắt, không đảm bảo sức khỏe tham gia phiên tòa. Tuy nhiên, lần này tòa phúc thẩm đã xử vắng mặt ông, tuyên phạt ông 12 tháng tù, giảm sáu tháng so với bản án sơ thẩm.

Về lý do xét xử vắng mặt ông Thụt, tòa phúc thẩm đồng tình với quan điểm của VKS rằng ông là người kháng cáo, vắng mặt có lý do nên HĐXX căn cứ vào khoản 2 Điều 245 BLTTHS để xét xử (nếu người kháng cáo vắng mặt có lý do chính đáng thì HĐXX có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án hoặc quyết định không có lợi cho họ).

Về lý do giảm án cho ông Thụt, tòa phúc thẩm nhận định dù ông không cung cấp thêm được tình tiết giảm nhẹ nào mới từ sau phiên xử sơ thẩm nhưng mức hình phạt mà tòa sơ thẩm phạt ông là có phần nghiêm khắc. Bởi lẽ ông có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh gia đình khó khăn, đã tự nguyện bồi thường và được gia đình bị hại bãi nại. Trước khi xét xử phúc thẩm, đại diện hợp pháp của bị hại có đơn xin miễn trách nhiệm hình sự. Do đó, tòa phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt nhằm thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.

Ông Nông Văn Thụt. Ảnh: ĐẠI DŨNG

Khi nào xử vắng mặt bị cáo?

Trao đổi với PV, ông Thụt cho rằng ông kháng cáo kêu oan mà tòa phúc thẩm lại giảm án là gây bất lợi cho ông, do đó việc tòa phúc thẩm xử vắng mặt ông là vi phạm tố tụng…

Về vấn đề pháp lý nói trên, chúng tôi đã trao đổi với một số chuyên gia pháp luật không liên quan gì đến vụ án này.

Theo luật sư Phương Ngọc Dũng (Đoàn Luật sư TP Cần Thơ), việc HĐXX phúc thẩm xử vắng mặt ông Thụt là hoàn toàn đúng quy định tố tụng hình sự. Bởi lẽ ông Thụt là người kháng cáo, đã được tòa triệu tập hợp lệ để tham gia phiên xử. Theo khoản 2 Điều 245 BLTTHS, nếu ông vắng mặt có lý do chính đáng thì HĐXX có thể vẫn tiến hành xét xử nhưng không được ra bản án không có lợi cho ông.

Về lập luận của ông Thụt, luật sư Dũng nhận định cấp phúc thẩm giảm án cho ông trong trường hợp này không thuộc trường hợp ra bản án không có lợi cho người kháng cáo bị xét xử vắng mặt. Bởi lẽ quyền kháng cáo là của bị cáo, còn xem xét, đánh giá nội dung kháng cáo để từ đó quyết định giữ nguyên, hủy, sửa… bản án sơ thẩm là quyền của HĐXX phúc thẩm. Chừng nào HĐXX phúc thẩm sửa án nặng hơn, tăng mức bồi thường… thì mới xem là không có lợi cho ông Thụt.

Đồng tình, nguyên thẩm phán TAND Tối cao Phạm Công Hùng bổ sung: Theo khoản 2 Điều 187 BLTTHS 2003, tòa chỉ được xử vắng mặt bị cáo trong ba trường hợp: Thứ nhất là bị cáo đang bỏ trốn và việc truy nã chưa có kết quả. Thứ hai là bị cáo đang ở nước ngoài và không thể triệu tập đến phiên tòa. Thứ ba là nếu sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử và họ đã được giao giấy triệu tập hợp lệ. Ở trường hợp thứ ba, đánh giá sự vắng mặt của bị cáo có gây trở ngại cho việc xét xử hay không thì phải đạt được sự đồng thuận giữa tòa, đại diện VKS và luật sư (nếu có).

Tóm tắt vụ việc

Sáng sớm 30-6-2016, ông Thụt lái ô tô lưu thông trên địa bàn xã Cư Yang (huyện Ea Kar, Đắk Lắk) thì va chạm với một người chạy xe đạp làm nạn nhân tử vong. Ông Thụt đã bồi thường 110 triệu đồng và được gia đình nạn nhân làm đơn bãi nại.

Ông Thụt bị khởi tố, truy tố. Trong quá trình TAND huyện Ea Kar chuẩn bị xét xử, ông Thụt tố cáo hành vi nhận hối lộ của phó chánh án giải quyết vụ án. Thẩm phán này liên tục vòi vĩnh tiền để xử án treo, nếu ông Thụt không đưa sẽ xử tăng án 5-15 năm tù. Tháng 12-2016, Công an tỉnh Đắk Lắk đã khởi tố vụ án nhận hối lộ, sau đó chuyển cho CQĐT VKSND Tối cao điều tra theo thẩm quyền. Sau này, tháng 6-2017, Ban Thi đua Khen thưởng Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk xác định ông Thụt có thành tích xuất sắc trong việc tố cáo hành vi tham nhũng nhưng không được khen thưởng vì có hành vi vi phạm pháp luật đến mức bị xem xét trách nhiệm hình sự.

Tháng 3-2017, ông Thụt bị TAND huyện Ea Kar phạt 18 tháng tù nên kháng cáo kêu oan, cho rằng các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm kết luận ông lái ô tô sang trái đâm vào bị hại là sai sự thật, không phù hợp hiện trường, chưa làm rõ bản chất vụ án...

Sau khi nhận được bản án phúc thẩm, các luật sư bào chữa cho ông đã gửi đơn khiếu nại giám đốc thẩm, đề nghị hủy hai bản án sơ, phúc thẩm vì vi phạm tố tụng nghiêm trọng, vi phạm sự thật khách quan của vụ án…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm