Cháy nhà cao tầng, làm sao thoát chết (Kỳ 1):

Bà hỏa ghé nhà, đa phần chết vì ngạt khói

LTS: Thời gian đây, cả nước liên tiếp xảy ra những vụ hỏa hoạn gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Trung tá Huỳnh Quang Tuyến, Phó Trưởng phòng Tham mưu cảnh sát PCCC TP.HCM, chia sẻ với bạn đọc những điều cần lưu ý khi phát hiện tòa nhà có cháy.

Dùng áo ngực chống khói độc: “Đó là cô gái nhanh trí!”

Bà hỏa ghé nhà, đa phần chết vì ngạt khói ảnh 1
Bích Cherry thoát chết nhờ chiếc áo ngực làm mặt nạ chống độc. Ảnh: Internet

Mới đây vào khoảng 17 giờ 45 ngày 17-9, quán karaoke Royal sáu tầng ở Nguyễn Khang (Cầu Giấy, Hà Nội) bốc cháy dữ dội, lửa lan khá nhanh từ bên trong quán khiến nhiều người hoảng hốt. Chỉ mấy phút sau đó, lửa nhanh chóng bốc lên dữ dội từ tầng một lên đến tầng sáu của ngôi nhà. Đến khoảng 23 giờ, đám cháy mới được dập tắt.

Tối cùng ngày, mạng xã hội lan truyền hình ảnh một cô gái dùng áo ngực bịt mũi, tháo chạy khỏi quán karaoke đang bốc cháy dữ dội. Bức ảnh đã nhận được hàng ngàn lượt chia sẻ cùng các ý kiến trái chiều. Có nhiều lời khen cô nhanh nhẹn, ứng biến tốt nhưng bên cạnh đó cũng không ít lời chê bai, miệt thị nghề nghiệp cô đang làm.

Trên trang cá nhân của mình, Bích Cherry, nhân vật trung tâm bức ảnh cay đắng chia sẻ: “Thoát khỏi cái chết quá may mắn cho tôi nhưng không ngờ sự may mắn này lại biến tôi trở thành trò cười, sự chế giễu của cư dân mạng. Có lẽ nào tôi chết trong đám cháy ấy còn tốt hơn là may mắn sống đến bây giờ để nhận những lời miệt thị từ các bạn?”.

Trao đổi về câu chuyện này, ông Huỳnh Quang Tuyến, Phó Trưởng phòng Tham mưu cảnh sát PCCC TP.HCM, khẳng định: “Hành động của cô gái là nhanh trí, thông minh”. Bởi nếu không kịp thời dùng những vật dụng đang có tạo mặt nạ chống độc thì chưa chắc cô gái đã có thể thoát ra ngoài an toàn.

“Đa phần, nạn nhân của các vụ hỏa hoạn thường không chết vì cháy mà họ chết vì bị ngạt khí. Ở điều kiện bình thường, người ta có thể nín thở vài chục giây, nhưng trong điều kiện nguy hiểm, mất bình tĩnh thời gian có thể nín thở còn ngắn hơn nữa. Chỉ cần hít phải vài ba hơi khí độc là đủ choáng váng, ngất xỉu rồi. Ngất xỉu thì làm sao chạy, kêu cứu được.

Lực lượng chữa cháy muốn vào cứu được cũng phải mất nhiều thời gian, như vậy nguy cơ tử vong sẽ cao hơn. Ngoài ra, ngất xỉu trong vòng 15 phút nếu được cấp cứu kịp thời, đúng cách thì còn giữ được tính mạng, để lâu hơn, não thiếu dưỡng khí, bị chết não thì không cứu được nữa” - ông Tuyến cho biết.

Tự làm mặt nạ chống độc không khó

Bà hỏa ghé nhà, đa phần chết vì ngạt khói ảnh 2
Đến gần 11 giờ đêm, đám cháy ở quán karaoke Royal sáu tầng ở Nguyễn Khang mới được dập tắt.

Trong nhà xảy ra hỏa hoạn, nếu có mặt nạ chống độc khói, người dân có thể đeo vào và tháo chạy mà không sợ bị ngạt khí. Nhưng thực tế có rất ít người mua vật dụng này. Vậy có thể tự tạo ra mặt nạ chống độc khói bằng cách nào.

Bạn có thể dùng chăn, khăn mặt, khẩu trang, áo, mền,... (nói chung là dùng bất kỳ vật dụng gì có tác dụng như mặt nạ phòng độc) thậm chí là cả áo lót nhúng nước như trường hợp cô gái trên để tự tạo ra mặt nạ chống độc cho mình. Những vật dụng dùng để phòng độc nên nhúng nước vì nước giúp lọc độc hiệu quả hơn và khói khó xuyên qua được.

- Rạng sáng 31-7, người dân gần chợ phường 7 (Cà Mau) phát hiện khu vực phía sau căn nhà 91 Phan Bội Châu phát hỏa dữ dội. Khi lửa được dập tắt, mọi người thấy thầy giáo sắp nghỉ hưu nằm chết cạnh nhà vệ sinh. Dưới chân cầu thang là thi thể Trần Quang Toàn (22 tuổi, con thầy Tiên). Gần đó là chị Hằng và trên nóc nhà vệ sinh có xác bé trai bốn tuổi (con chị Hằng) bị cháy đen.

- Vào khoảng 10 giờ ngày 7-9, xóm Pả Vi Thượng, xã Pả Vi (Mèo Vạc, Hà Giang) rúng động bởi cái chết cháy thương tâm của đôi nam nữ. Tại đây, thi thể người đàn ông nằm trên chiếc giường bị cháy, còn thi thể cô gái cũng bị cháy nằm ngoài hành lang đường đi xuống bếp của ngôi nhà. 

Kỳ 2: Không muốn chết cháy, hãy nhớ 5 điều này 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm