Chuyện về những người giữ hồn cho làng cổ

Làng Việt cổ trải qua bao thăng trầm với sự lan tỏa không ngừng của đô thị hóa, vẫn đang được người dân nơi đây cố giữ gìn nếp rêu phong, cổ kính… giữ lấy hồn Việt trong mỗi ngôi nhà.

Chị Dương Thị Lan, thôn Mông Phụ, làng Đường Lâm, thị xã Sơn Tây tâm sự, vợ chồng chị là đời thứ 8 đã ở trong ngôi nhà cổ được xây dựng từ những năm 1780. Hồi đó, cụ tổ của nhà chồng chị là quan đốc học Đỗ Doãn Chính. Cụ Chính không chỉ là một vị quan mà còn là một nhà nho, một thầy đồ nổi tiếng khắp nơi. Tên của cụ cũng được khắc trên văn bia Quốc Tử Giám.

Chuyện về những người giữ hồn cho làng cổ ảnh 1

Một trong những ngôi nhà cổ nhất làng Đường Lâm hiện nay

Những năm 90 của thế kỷ trước, căn nhà cổ do các cụ để lại bắt đầu xuống cấp trầm trọng. Những hôm trời mưa, nước dột cuốn theo bụi trên mái ngói vẩy rồng, khiến ngôi nhà vừa ướt vừa bẩn, thậm chí có lần ngói vỡ còn rơi xuống nền nhà. Bao lần, vợ chồng gom góp được ít tiền, định thay mái ngói mới chắc chắn hơn nhưng anh Dương- chồng chị- lại động viên: “Nhà các cụ để lại, sau này còn để con cháu nhìn về tổ tiên, hướng tới cội nguồn nên vợ chồng mình cứ cố giữ được cái gì thì giữ”.

Năm 2001, mái ngói dột nhiều, anh chị quyết định đảo ngói. Thợ đảo ngói anh chị cũng phải kén chọn, kén chọn không phải vì anh chị nhiều tiền mà vì anh chị muốn họ là người hiểu mình, giúp mình làm cẩn thận. Anh Dương chồng chị nâng niu từng viên ngói vỡ. Những người thợ thấy anh mang xi măng ra hàn ngói vỡ, họ hép miệng, sao lại có người kỳ quặc thế (…). Mỗi lần như vậy, anh cười, ngói cổ đấy, bói đâu ra?

Chị Lan bảo có lần, đường vào ngõ nhà anh, người ta đổ bê tông, anh ra ngăn cản bằng được, rồi vận động hết người này người nọ đừng làm thế mất hết vẻ cổ kính của con đường. Họ vẫn đào vẫn miết bê tông, có viên đá đầu ngõ, người ta mang hất xuống cống, tối đến, mặc dù chân đau, anh vẫn lụi cụi ra đào. Lấy lại được viên đá đặt vào chỗ cũ, lòng anh như mở hội, hôm đó, anh bảo chị thịt con gà ăn mừng (chuyện mổ gà với gia đình chị là hi hữu lắm, vì còn nghèo khó, nuôi để bán kiếm đồng ra đồng vào chứ mấy khi dám ăn).

Ngày đó, có khối người từ xa về nhã ý muốn mua những đồ cổ trong ngôi nhà của vợ chồng chị, từ viên gạch đến các kỷ vật… Nhẩm tính, số tiền họ thương lượng cũng kha khá, giúp anh chị có ngay ngôi nhà khang trang hiện đại. Dầu vậy, hai vợ chồng vẫn cố giữ ngôi nhà. Có người thương anh chị quá còn nói quở: “ Cứ ôm nhà cổ để mà chết đói”.

Bây giờ, làng Việt cổ ấy đã trở thành di sản văn hóa quốc gia. Con đường vào nhà chị đã lát gạch như ngày xưa cũ. Chỉ tiếc anh Dương- chồng chị- vì bạo bệnh đã về với ông bà tổ tiên nên không còn cơ hội cùng chị đi tiếp cuộc hành trình giữ gìn nhà cổ. Các con chị đã trưởng thành, đều lập nghiệp phương xa. Ngôi nhà còn lại mình chị.

Những mối mọt như không còn sợ hãi, có vẻ hung hăng hơn trong ngôi nhà vắng đàn ông ấy. Chị bảo có anh chị yên tâm hơn với việc giữ nhà, còn bây giờ… nhiều lúc một mình không biết phải làm sao. Bức tranh quí trên tường với đôi câu đối “Trị gia hữu đạo duy tòng cổ/ Xử thế vô trì đãn xuất chân” nhằm răn dạy con cháu hãy giữ những giá trị tốt đẹp mà cha ông để lại và cách xử thế với mọi người… cũng đang hư hỏng nặng. Ban quản lý cũng quan tâm nhưng chưa có biện pháp cụ thể, thiết thực để giúp chị có thể gìn giữ vốn cổ này.

Nói về việc tu bổ một cách đúng nghĩa nhà cổ ở làng Đường Lâm, có lẽ mới chỉ có nhà ông Nguyễn Văn Hùng. Tiếp chúng tôi bằng nước chè xanh với món chè Lam do chính người làng làm, ông Hùng hồ hởi kể chuyện về những đoàn khách đến thăm nhà, mỗi ngày bình quân có đến 50-60 người, thậm chí đợt cao điểm một ngày hơn nửa triệu người qua. Đoàn làm phim “Lều chõng” cũng về quay cảnh tại nhà ông. Khách khứa nhiều, bận rộn là thế nhưng mà vui mà vinh dự. Ông bảo cũng bõ cái thời kham khổ để giữ gìn.

Còn nhớ, giai đoạn gia đình khó khăn, con cái cũng lớn cả, vợ con cứ bảo bán để mua chỗ khác xây nhà cho rộng rãi. Nhưng di chúc của các cụ để lại là không được bán hay chuyển nhượng. Vì thế cả gia đình cứ vật lộn với khó khăn, sống trong ngôi nhà cổ ngày bị mọt ruỗng. Biện pháp duy nhất mà gia đình ông duy trì, đó là lấy chổi quét mối trên vách, trần và cột. Trải qua gần 400 năm, ngôi nhà đã bị hư hỏng nặng, những cái cột trụ tưởng chừng không trụ nổi nữa, việc giữ gìn thủ công cũng trở nên bó tay. Ông Hùng quyết định nhượng lại một ít ruộng để lấy tiền duy trì. Và ngôi nhà đã kịp giữ lại được nguyên vẹn cùng với sự giúp đỡ của Ban quản lý Làng cổ và chuyên gia Nhật Bản.

Tuy không được cổ kính như nhà chị Lan, ông Hùng nhưng nhà ông Nguyễn Văn Huyến cũng nằm trong danh sách nhà cổ của làng, có điều, việc giữ gìn nhà cổ dường như vất vả nhiều hơn. Ông Huyến thì bị câm bẩm sinh, còn bà Quýt- vợ ông- lại bị nghễnh ngãng, nghe câu được câu chăng. Cuộc sống của gia đình vô cùng eo hẹp, sống nhờ vào mấy sào ruộng cộng với nghề đan giát giường và tiền của người con trai đi làm thuê ở xa gửi về. Bởi thế việc giữ gìn nhà cổ trở nên khó khăn gấp bội.

Dẫu vậy, khi nói về ngôi nhà của mình bằng ngôn ngữ cử chỉ, ông Huyến vui hẳn lên. Ông khoe về hương án bao đời của tổ tiên vẫn còn giữ được. Niềm vui của ông bị đứt đoạn khi chỉ cho chúng tôi xem sự xuống cấp của ngôi nhà. Gian buồng phía cổng, tường đã xuất hiện nhiều vết nứt to, cột trụ bị mối ăn mất hết cả màu gỗ cũ. Cô con dâu kể, năm ngoái, bộ cửa có cánh bị gãy hỏng, mỗi khi gió lùa, lạnh thấu xương, gia đình tích cóp vay mượn thêm được gần chục triệu đóng lại bộ cửa (vẫn đóng theo kiểu cũ), ngôi nhà vì thế đã đỡ chống chếnh hơn.

Làng cổ Đường Lâm- Làng Việt cổ, nơi được xem là hội tụ và mang trong mình những nét điển hình, tiêu biểu của một làng quê nông thôn miền Bắc Việt Nam; nơi được người ta ví như bảo tàng sống với bức tranh sinh động về cuộc sống, nét thuần phong mĩ tục, truyền thống đạo lý…đang bị mai một từng ngày bởi sức phá của thời gian và thiên nhiên. Những người con của Đường Lâm mặc dầu vẫn cần mẫn giữ gìn cái hồn của ngôi nhà tổ tiên- vốn cổ của dân tộc-nhưng sức người và sức của có hạn, họ sẽ phải làm gì nếu như không có sự hỗ trợ đắc lực từ phía chính quyền cả về kinh phí lẫn kỹ thuật tu bổ?

Chia tay ngôi làng cổ rêu phong, chúng tôi mang theo cả nỗi niềm của những người làng Việt cổ ấy. Mong xuân sang, nắng sẽ bừng lên, xoá hết ưu tư, làng Việt cổ mãi trường tồn và trở thành nơi du lịch lý tưởng của du khách thập phương, là niềm tự hào của người Hà Nội.

Theo Kim Thoa - Thương Huế (website ĐCSVN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm