30 năm làm bạn với tử thần

Chưa được đào tạo về kỹ thuật xử lý bom mìn, đạn dược, cũng không tham gia quân ngũ ngày nào nhưng nói về bom đạn chiến tranh thì ông rất rành rẽ. Nghề xử lý bom mìn đòi hỏi kiến thức về vũ khí dày dặn bởi chỉ sơ sẩy nhỏ là sẽ gặp “thần chết” ngay. Ông là Nguyễn Văn Cường, 57 tuổi, chủ một gia đình nghèo ở xóm cầu Cây Me thuộc khóm 5, thị trấn Tri Tôn, An Giang

Chuyên gia” đục phá bom mìn

Cha mẹ nghèo nên ông Cường đã sớm nếm mùi lam lũ. Mùa khô, từ nhổ cỏ đến vác lúa mướn ông đều trải qua. Lũ về, ông xuống xuồng kiếm cá. 25 tuổi lập gia đình, ra riêng trong căn nhà vách lá ven kênh Tri Tôn - Lò Gạch, bươn bả đủ nghề nhưng cái nghèo vẫn đeo ông Cường.

Năm 27 tuổi, thấy người anh Nguyễn Văn Hải đi làm nghề xử lý bom đạn cho bên quân sự, ông Cường đi theo. Dần dà cái nghiệp ngấm vào người ông khi nào chẳng biết. Nhờ người anh chỉ dạy, ông Cường đã có thể kiếm chút đỉnh tiền nuôi bốn người con lần lượt ra đời. “Anh tui làm nghề này giỏi lắm. Ổng được bên quân đội cấp hẳn giấy phép và trả lương. Thấy nghề này nguy hiểm nên lúc đầu ổng đâu cho tui theo. Lần đầu ổng tháo bom, tui đứng tít đằng xa vì sợ chết. Khi tui đã biết tháo ngòi nổ thì ảnh cho làm thử và chia tiền công. Từ đó, tôi theo làm nghề ngót đã 30 năm” - ông Cường nhớ lại ngày khởi nghiệp.

Những ngày sau giải phóng, những nơi thuộc vùng Bảy Núi bom mìn sót nhiều vô kể. Đồi Tức Dụp, Ma Thiên Lãnh, Ô Tà Sóc… là những nơi đạn pháo chiến tranh dội xuống chưa nổ nằm ngổn ngang. Những năm đó anh em ông Cường theo bên quân đội đến xử lý cho hết nổ rồi chỉ lấy thuốc. “Khi đó bên công binh chỉ tập trung xử lý những loại trái lớn như bom B52, B57. Trái bom B52 nặng 500 cân Anh to bằng cái thùng thiếc. Loại này nằm ở đồi Tức Dụp nhiều lắm. Trong đời làm nghề bốc phá, vô hiệu hóa bom mìn, tui tháo gỡ được hai trái bom lớn nhất là B52 loại 1.000 cân Anh, chứa tới 200 kg thuốc nổ. Một trái lấy được ở Ô Tà Sóc cạnh núi Dài (Tri Tôn), trái còn lại ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang)” - ông Cường kể.

30 năm làm bạn với tử thần ảnh 1

Ông Cường bên số đồ nghề tháo bom đạn tự mua sắm của mình. Ảnh: VĨNH SƠN

Theo ông Cường, khi tiếp cận trái bom để xử lý thì người bốc dỡ phải xác định rõ nó thuộc loại nào. Bom có rất nhiều loại, có loại ngòi nổ gắn ở phần đầu và phần đuôi trái bom. Ngòi nổ lại có dạng cơ và tự động. Người chạm vào nó sơ ý là… hồn lìa khỏi xác. Khi trái bom còn nằm im dưới đất thì phải đưa tay sờ vào nắp đậy ngòi nổ coi nó ra sao để tùy cơ ứng biến. “Bom được lắp ngòi nổ tự động có độ nguy hiểm cao. Ngòi nổ chính thường nằm ở đuôi bom. Lắm lúc cũng phát hiện trái bom chưa lắp ngòi (chắc do gấp gáp chiến sự mà địch quên lắp ngòi vào trái bom). Nguyên tắc trong chiến tranh, bất kể trái bom nào được chở ra chiến trường đều phải thả xuống. Ngòi nổ được lắp vào thì dứt khoát không được chở về kho, dù thả có trúng mục tiêu hay không. Bởi vậy, nhiều năm trước dù không phải là vùng chiến sự trọng yếu, cồn Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cũng gặp bom Mỹ thả đầy dưới lòng sông” - ông Cường cho hay.

Kể về sự nguy hiểm, ông Cường tỉnh rụi: Biết cách là xử lý được hết. Đối với các loại bom, mìn, đạn, pháo… còn mới thì đều có ký hiệu, nhận dạng và xử lý rất dễ. Sợ nhất là những loại đã mục sét, mất ký hiệu. Sau khi đưa trái pháo cũ lên khỏi mặt đất thì mình lấy cây đục, xắn vào phần đuôi của nó để nhận dạng. Nếu là pháo thường thì loại còn ngòi nổ mình lấy tay hoặc kềm vặn ngòi nổ ra. Sau đó đem trái pháo đi nấu cho thuốc nổ chảy ra. Đem số thuốc này phơi nắng cho nó quện thành cục, giao cho quân đội. Vậy là xử lý xong một trái pháo. “Trong đời theo nghiệp chết chóc này, tui ngán nhất là loại thuốc pháo có chứa phosphorus. Đối với loại này, người chưa lành nghề phải hết sức cẩn thận, nếu sơ ý là hậu quả khó lường. Bởi nếu trái pháo bị sét, phosphorus bị rỉ ra ngoài, khi bốc dỡ trái pháo lên, gặp không khí sẽ bốc cháy và phát nổ. Người xử lý nếu dùng đục gõ vào trái pháo, chạm chất phosphorus cũng gây cháy nổ. Chẳng những người trực tiếp xử lý tử nạn mà những ai ở gần đó cũng đi… chầu Diêm vương” - ông chia sẻ.

Không đồng lương bỏ túi

Vô hiệu những trái pháo, ông Cường hay dùng nước hoặc cát ngâm trái pháo vào để nó không bốc cháy. Nếu vận chuyển thì cần chở bằng ghe tàu tránh xóc.

30 năm làm bạn với tử thần ảnh 2

Công đoạn đục phá nhằm vô hiệu các loại vũ khí còn chưa nổ do ông Cường đảm nhận càng nguy hiểm. Ảnh: VĨNH SƠN

Giọng ông Cường nghẹn ngào khi nhắc về người anh: “Khoảng ba năm về trước, trong chuyến đi tháo đạn ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp), ông anh tui tử nạn. Do quá thạo nghề nên ảnh chủ quan. Hôm đó ảnh tháo ngòi một trái pháo cối gắn ngòi nổ tự động. Khi ổng vặn ngòi thì nó đã quay tè tè rồi. Đáng lẽ thấy vậy ổng rút ngòi nổ quăng bỏ thì đâu có sao. Đằng này, chờ đến khi ngòi nổ đã quay đủ vòng, chạm vào kim hỏa ổng mới chụp tay vào nên đâu còn kịp. Ổng mất đi là một thiệt thòi lớn cho Lữ đoàn công binh 25. Con trai ổng ở gần đó cũng bị mảnh pháo đâm suýt gãy một chân, giờ phải đi khập khiễng”.

Ông Cường lại kể chuyện hiểm nguy khi nấu thuốc nổ. Ngày trước, sau khi xử lý xong phần ngòi nổ, ông được bên quân đội giao cho mang bom đạn về bỏ vào thùng phuy nấu để lấy thuốc nổ. “Đứng canh lò nấu thuốc một hồi thì phải chạy ra ngoài vì hơi thuốc bốc lên xộc vào miệng đắng quéo. Quần áo cũng dính vàng khói thuốc. Chạy ra ngoài đi tiểu, nước tiểu trở màu vàng cháy. Thời gian đó, ngày nào tui cũng kêu vợ mua đậu xanh về nấu lấy nước uống giải độc. Không biết bây giờ trong người tui mang bao nhiêu thứ bệnh nữa” - ông suy tư.

“Trước đây tui và ông anh làm nghề xử lý bom mìn… cho bên Lữ đoàn công bình 25 (Quân khu 9). Sau khi ông anh mất, bên ấy cũng như nhiều đơn vị quân đội khác tại địa phương đến trưng dụng tui đi làm. Tuy nhiên, tui chưa được cấp giấy tờ gì. Hễ mỗi lần anh em trưng dụng, họ trả cho tui vài trăm ngàn đồng. Lúc anh Hải còn sống, tui theo làm nghề dù nguy hiểm luôn rình rập nhưng cảm thấy vững lòng. Mỗi ngày làm, tui được ảnh chia 200.000 đồng tiền công” - ông Cường cho hay.

30 năm làm bạn với tử thần ảnh 3

Khối pháo cối 105 li này đã được ông Cường xử lý an toàn. Ảnh: VĨNH SƠN

Ông Cường lại ngán ngẩm: Nghĩ rằng đã góp phần tháo dỡ đi những thứ nguy hiểm để giữ gìn sự bình yên cho xã hội nên cố gắng làm. Nhưng tui cảm thấy chán nản và không muốn cho con mình nối nghiệp. “Mỗi lần tui được anh em bên quân đội kêu đi bốc dỡ bom đạn là tự mình phải bỏ tiền ra mua bảo hiểm cho mình. Lỡ tui có mệnh hệ gì thì cũng đỡ phần gánh nặng cho vợ con. Anh tui, người làm nghề có giấy tờ đàng hoàng và đã chết vì cái nghề này, vậy mà cũng chẳng được công nhận liệt sĩ. Còn tui, cuộc đời 30 năm tháo gỡ bom mìn, tui chẳng có gì hơn là hộ nghèo cơ bản trong khu vực cầu Cây Me này” - ông Cường thổ lộ.

Kỷ niệm đối với ông Cường suốt mấy chục năm theo nghiệp kiếm sống bên “lưỡi hái tử thần” không sao kể xiết. Nhiều năm trước, ông cùng anh mình đi bốc dỡ và xử lý hàng ngàn đầu đạn pháo các loại ở kho đạn 301 (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ). Đạn pháo ở đó nhiều vô kể, 20 người làm gần một năm trời mới cơ bản hết. Bình quân một ngày 20 người lấy ở kho đạn 301 này trên 1.000 trái đạn các loại như cối B40, B41, M72, cối 60, 81, 155 ly… Thùng chứa đạn đại liên thì lấy lên không biết cơ man nào kể.

VĨNH SƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm