50 năm Kennedy bị ám sát - Bài 2: Bí ẩn hồ sơ mật

Theo kết quả điều tra chính thức, Tổng thống John Fitzgerald Kennedy đã bị sát thủ Lee Harvey Oswald ám sát tại Dallas (bang Texas) vào ngày 22-11-1963. Đến nay, hàng trăm ngàn trang tài liệu đã được công bố nhưng hàng ngàn trang tài liệu còn lại về cái chết của Tổng thống Kennedy chưa công bố lại rất đáng quan tâm.

Sát thủ Oswald bí ẩn

Theo các nhà nghiên cứu, số tài liệu chưa công bố có thể đưa ra ánh sáng nhiều bí ẩn dai dẳng kéo dài trong 50 năm qua, trong đó có thông tin CIA đã biết những gì về sát thủ Lee Harvey Oswald trước ngày Tổng thống Kennedy bị bắn chết.

Theo báo Las Vegas Sun (Mỹ) ngày 7-11, Oswald là một con người cô độc và là người bí ẩn ngay cả đối với những người thân nhất của y. Nhà sử học David Kaiser, tác giả cuốn sách với nhan đề Đường đến Dallas-Vụ ám sát John F. Kennedy (xuất bản năm 2008), nhận định Oswald là nhân vật rất khó hiểu trong số những người ông từng nghiên cứu trong 35 năm qua. Dù vậy, ông cho rằng chính phủ Mỹ đã biết về Oswald trước khi tên này tiến hành ám sát Tổng thống Kennedy.

Các nhà điều tra vụ ám sát biết Oswald đã thành lập một nhóm hoạt động tại New Orleans vào mùa hè năm 1963. Nhóm này có vẻ ủng hộ Chủ tịch Cuba Fidel Castro và đã từng đánh nhau trên đường phố với các nhóm biểu tình phản đối Fidel Castro. Tuy nhiên, tờ rơi được tìm thấy trong người Oswald lại có ghi địa chỉ của một tổ chức hoạt động chống phá Fidel Castro.

Theo các nhà điều tra, tổ chức chống phá này có liên quan đến một nhân viên FBI và bọn tội phạm có tổ chức. Từ đó, các nhà nghiên cứu cho rằng Oswald có thể là người của một tổ chức hoạt động phản gián nhằm làm mất uy tín nhóm ủng hộ Fidel Castro mà Oswald gia nhập.

50 năm Kennedy bị ám sát - Bài 2: Bí ẩn hồ sơ mật ảnh 1

Ngày 19-11, tân Đại sứ Mỹ Caronile Kennedy đến hoàng cung Nhật trình ủy nhiệm thư. Lúc Tổng thống Kennedy - cha bà bị ám sát ở Dallas năm 1963, bà mới năm tuổi. Ảnh: AP

Oswald muốn ám sát Fidel Castro?

Trả lời phỏng vấn của hãng tin AP, ông Burt Griffin (hiện là thẩm phán đã nghỉ hưu), nguyên cố vấn Ủy ban Warren (cơ quan phụ trách điều tra vụ ám sát Tổng thống Kennedy) và đồng nghiệp David Slawson đã đồng tình với kết luận điều tra của Ủy ban Warren.

Theo kết luận điều tra, vài tuần sau khi sát thủ Lee Harvey Oswald xin thị thực sang Cuba không thành công, vợ y là Marina đã từ chối nối lại quan hệ hôn nhân với y. Đêm trước khi xảy ra vụ ám sát Tổng thống Kennedy (21-11-1963), Oswald ghé thăm nhà ở ngoại ô Dallas và lấy đi một khẩu súng trường hiệu Mannlicher-Carcano. Sáng hôm sau, y tháo nhẫn cưới, để lại tiền cho vợ và tiến hành vụ ám sát Tổng thống Kennedy. Theo ông David Slawson, Oswald có lẽ không thực hiện vụ ám sát nếu cô vợ Marina đồng ý nối lại tơ duyên.

Nhà sử học David Kaiser giả định Oswald vốn là người theo cánh tả đã bị phe cánh hữu thao túng trong những tháng cuối đời. Do đó, các lần đến các đại sứ quán Liên Xô và Cuba ở Mexico City (Mexico) vào mùa thu năm 1963 để xin thị thực sang Cuba là một phần nỗ lực của Oswald nhằm ám sát Fidel Castro.

Theo kết luận vào năm 1964 của Ủy ban Warren, Oswald đã hành động một mình và không thuộc bất cứ một âm mưu nào. Ủy ban Warren không hề nhắc tới liệu CIA có liên quan đến hoạt động chống Fidel Castro hay không dù ở thời điểm đó Giám đốc CIA Allen Dulles là thành viên của Ủy ban Warren.

Tờ rơi buộc tội Tổng thống Kennedy

Trên trang web Slate ngày 16-11, nhà báo Rebecca Onion cho biết vài ngày trước khi Tổng thống Kennedy đến Dallas và cuối cùng bị ám sát, khoảng 5.000 tờ rơi đã được phân phát khắp Dallas. Tờ rơi liệt kê vô số tội của Tổng thống Kennedy, từ khoan dung cho chủ nghĩa cộng sản, chỉ định những người chống Công giáo vào bộ máy chính quyền liên bang cho đến nói dối nhân dân về cuộc sống cá nhân.

Tướng Edwin A. Walker là người gốc bang Texas đã từng phục vụ trong Chiến tranh thế giới thứ hai và chiến tranh Triều Tiên. Ông đã bị cách chức sau khi Tổng thống Kennedy đã lệnh điều tra với kết quả ông đã vi phạm luật Hatch khi phát tán tài liệu của tổ chức bảo thủ mang tên Hội John Birch cho các binh sĩ (luật Hatch cấm nhân viên liên bang tham gia hoạt động chính trị trong thời gian công tác).

Tướng về hưu Edwin A. Walker đến Dallas và trở thành người đứng đầu một nhóm cực hữu. Ông đã từng phát động chiến dịch phản đối sinh viên da màu James Meredith ghi danh theo học tại ĐH Mississippi vào năm 1962 (James Meredith là biểu tượng của phong trào đấu tranh dân quyền và là sinh viên da màu đầu tiên học tại ĐH Mississippi).

Sau vụ ám sát Tổng thống Kennedy, nhóm của Edwin A. Walker bị tình nghi. Liên quan đến các tờ rơi, Ủy ban Warren lần ra Robert Surrey là trợ lý của Earl Warren, chủ tịch Tòa án Tối cao. Surrey giám sát việc phân phát tài liệu trong những ngày trước khi Tổng thống Kennedy đến Dallas. Người thuộc nhóm của Edwin A. Walker phụ trách nhét tài liệu dưới que gạt nước trên xe ô tô hay thùng để báo.

Không có chứng cứ để buộc tội nhóm của Edwin A. Walker liên can đến phát tán tờ rơi nhưng có một sự kiện lạ. Ngày 10-4-1963, trong khi tướng về hưu Edwin A. Walker ngồi trong văn phòng, một viên đạn từ bên ngoài bay vào sát bên đầu ông.

Công bố tài liệu trước năm 2017

Theo báo cáo cuối cùng của Ủy ban Warren, vụ ám sát Tổng thống Kennedy có thể là kết quả của một âm mưu, tuy nhiên Ủy ban Warren không thể xác định các tay súng khác tham gia cũng như phạm vi của âm mưu ám sát.

Hồ sơ do Ủy ban Warren và Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ lưu trữ đã được lệnh niêm phong với lý do an ninh. Nhiều thập niên trôi qua, trước áp lực của công luận, năm 1992 Quốc hội Mỹ đã thông qua Luật về thu thập hồ sơ ám sát Tổng thống Kennedy.

Luật quy định sẽ tiến hành thành lập ban xem xét hồ sơ ám sát và sau đó sẽ công bố hồ sơ. Kết quả là khoảng 5 triệu trang tài liệu đã được công bố tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia và Cục Lưu trữ hồ sơ tại Maryland. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 1.100 hồ sơ chưa được công bố. Mỗi hồ sơ từ một đến 20 trang. Các hồ sơ này được cho là chứa các thông tin về các nguồn và phương pháp bí mật có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.

Theo Luật về thu thập hồ sơ ám sát Tổng thống Kennedy, tất cả hồ sơ có liên quan phải được công bố trước năm 2017. Dù vậy, các cơ quan có chức năng có thể không công bố với lý do ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, tình báo, thi hành luật và quan hệ đối ngoại. Người phát ngôn CIA Ned Price tuyên bố CIA sẽ tuân thủ pháp luật trong việc công bố tài liệu.

Bà Caronile Kennedy trình ủy nhiệm thư

Vài ngày trước ngày nước Mỹ kỷ niệm 50 năm Tổng thống Kennedy bị ám sát, ngày 19-11, bà Caronile Kennedy, 55 tuổi, con gái của cố Tổng thống Kennedy, đã trình ủy nhiệm thư lên Nhật hoàng Akihito để nhận chức đại sứ Mỹ tại Nhật. Bà đến hoàng cung bằng chiếc xe hai ngựa kéo. Đám đông đứng trên đoạn đường dài 1,8 km từ nhà ga trung tâm ở Tokyo đến hoàng cung hoan hô bà.

Bà mặc váy màu sậm, đeo chuỗi trang sức trên cổ. Bà tuyên bố với báo giới: “Đây là nghi thức rất tráng lệ và tôi rất tự hào được đại diện cho đất nước tôi… Thật vinh dự lớn cho tôi có thể tiếp tục củng cố quan hệ bền chặt giữa hai nước lớn… Quan hệ hữu nghị của chúng ta giữ vai trò chủ yếu vì một thế giới thịnh vượng và hòa bình”.

Sự kiện bà Caronile Kennedy được đề cử giữ chức đại sứ Mỹ tại Nhật đã gây chú ý đặc biệt không chỉ vì bà là con gái của Tổng thống Kennedy mà còn vì nhiều lần bà đã biểu lộ tình cảm với đất nước Nhật. Đây là đất nước bà đã chọn để hưởng tuần trăng mật. Bà là người phụ nữ đầu tiên của Mỹ giữ chức đại sứ tại Nhật cho dù bà không phải là chuyên gia về Nhật và cũng không có mối quan hệ đặc biệt nào với Nhật.

Lúc cha bà bị ám sát ở Dallas năm 1963, bà mới năm tuổi. Hiện nay bà là người con duy nhất còn sống trong gia đình Tổng thống Kennedy. Bà tốt nghiệp ĐH Harvard và ĐH Luật Colombia. Ngoài nghề luật sư, bà còn là nhà văn, nhà xuất bản và người quản lý quỹ từ thiện. Bà đã có ba con Rose 25 tuổi, Tatiana Celia 23 tuổi và John Bouvier 20 tuổi. Dù đã có gia thất nhưng bà vẫn giữ tên gia đình. Bà nhiệt tình ủng hộ Tổng thống Obama và đã từng tuyên bố nhìn thấy trong Tổng thống Obama hình ảnh của cha bà.

DUY KHANG - H.DUY

Kỳ cuối: Di sản để lại của Tổng thống Kennedy

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm